Monday, March 14, 2011

LUẬN NGỮ X

PHẦN II
LUẬN NGỮ TÂN BẢN


Chương X

CON NGƯỜI & CUỘC ĐỜI KHỔNG TỬ


[5.13].Tử Cống nói: "Chúng ta đã được nghe văn chương của Phu Tử. Nhưng chúng ta chưa được nghe thầy nói về Tánh và Thiên Đạo.

[5.22]. Khổng Tử tại nước Trần, nói rằng: " Ta nên về không? Ta nên về chăng?"Những học trò của ta ở nước Lỗ là cuồng sĩ, mà cũng là những kẻ đơn giản. Họ là những kẻ có văn hóa nhưng chẳng biết tự mình quản thúc.


[6.8]. Bá Ngưu bệnh, Khổng Tử đến thăm. Ngài đứng ngoài cửa sổ, cầm tay mà than: " Trò sắp mất rồi. Đó là do số mạng mà thôi. Người như thế mà bệnh như thế! Người như thế mà bệnh như thế!

[6.26]. Đức Khổng đến viếng nàng Nam Tử, Tử Lộ không vui lòng. Khổng Tử thề: "Nếu ta làm điều gì sai trái thì Trời phạt ta!


[6.27].Khổng tử nói "Trung dung là các một đức tốt, nhưng tiếc rằng đã lâu it ai đat được."
[7.1]. Khổng Tử nói: " Ta thuật lại chứ không sáng tác. Ta tin đạo xưa và ngưỡng mộ người xưa. Ta so sánh ta với ông Bành Tổ."
[7.2]. Khổng Tử nói: "Trầm mặc và ghi nhớ trong lòng, học ( đạo ) không thấy chán, dạy người không biết mệt. Ba đức ấy có đủ nơi ta không?"
[7.3]. Khổng Tử nói : Thân chẳng trau đồi đạo đức, học chẳng giảng cứu tinh tường, nghe điều nghĩa mà chẳng thực hành, sai lầm mà chẳng sửa đổi, đó là những việc ta rất lo lắng.


[7.4]. Đức Khổng Tử lúc nhàn rỗi thì dáng điệu ung dung, mặt mũi vui vẻ.
[7.5]. Khổng Tử than: " Ta đã suy nhược lắm rồi! Đã lâu ta không còn mộng thấy Chu Công!
[7.6]. Khổng Tử nói: " Để tâm vào đạo đức; giữ gìn đức hạnh; nên theo điều nhân; còn giải trí thì theo lục nghệ (lễ, nhạc,xạ, ngự,thư, số).

[7.7].Khổng tử nói: "( Những ai xin vào học), phải làm lễ dâng một thúc ( 10 chiếc nem); thì chẳng bao giờ ta chê lễ mọn ( mà không dạy).
[7.8].Khổng tử nói: " Kẻ nào chẳng phấn chấn thì ta chẳng có thể giúp cho thông suốt. Kẻ nào chẳng cố gắng phát biểu ý kiến, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào chỉ biết một góc mà không tìm hiểu ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa.
[7.9]. Khổng Tử ăn tại tang gia thì ngài buồn rầu ăn chẳng no. Hôm nào Ngài đi dự đám ma (nghe ) khóc lóc, thì ngày ấy, Ngài chẳng đàn ca.


[7.10].Khổng tử nói với Nhan Uyên ( Nhan Hồi ): Đời dùng (ta) thì ta hành động, đời bỏ (ta) thì ta ẩn dật. Chỉ có ta với ngươi làm được như vậy thôi. Tử Lộ hỏi: " Ví như thầy đem quân ra trận, thầy sẽ chọn ai theo phò tá? Đức Khổng đáp: " Những kẻ tay không đánh hổ, không dùng thuyền mà lội qua sông, chết chẳng hối hận, ta chẳng cho những kẻ ấy theo ta. Ta chọn những ai biết lo sợ, dè dặt, biết mưu tính sao cho thành công."

[7.11].Khổng tử nói: Nếu muốn giàu mà được, dầu cho làm kẻ (cầm roi) đánh xe, ta cũng làm. Còn như muốn mà không được, thì ta cứ theo sở thích của ta.
[7.12].Khổng tử có ba điều thận trọng là trai giới, chiến tranh và bệnh tật.


[7.13].Khổng tử ở tại nước Tề nghe nhạc Thiều. Trong mấy tháng nghiên cứu nhạc ấy, Ngài thích thú đến nỗi không biết mùi thịt. Ngài khen rằng : " Ta không ngờ vua Thuấn làm nhạc ấy tuyệt vời như thế!
[7.14]. Nhiễm Hữu hỏi Tử Cống rằng :" Thầy ra giúp nước Vệ (1) không? Tử Cống đáp: " Để tôi đi hỏi thầy".
Tử Cống vào hỏi Khổng Tử: "Bá Di, Thúc Tề là người thế nào?"Khổng tử nói: " Là người hiền đời xưa.
- Hai ông ấy có oán trách rằng họ chẳng được làm vua chăng?
- Cầu điều nhân được điều nhân, còn oán trách gì nữa!
Tử Cống nói với Nhiễm Hữu: " Thầy ta chẳng giúp vua nước Vệ."
[7.15].Khổng tử nói : "Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, sống trong cảnh đó nên lấy làm vui. Đối với ta, làm điều bất nghĩa mà phú và quý ta xem như là phù vân.



[7.16].Khổng tử nói: Nếu trời cho ta sống thêm vài năm nữa đặng học Dịch thì ta có thể không phạm lỗi lớn.
[7.17].Khổng tử thường giảng dạy Thi, Thư, Lễ .Đó là ba kinh ngài thường giảng dạy.
[7.18]. Diệp công hỏi Tử Lộ: "Đức Khổng là người thế nào? Tử Lộ chẳng đáp. Khổng Tử biết được bèn nói với Tử Lộ: " Sao ngươi không đáp như vầy:" Ấy là người phấn khởi theo đạo lý mà quên ăn, vui đạo lý mà quên buồn; say đạo lý mà quên tuổi già sắp đến."

[7.19].Khổng tử nói: "Chẳng phải ta sanh ra đã hiểu đạo lý. Vì thích (thánh hiền ) đời xưa mà cố gắng cầu đạo lý.
[7.20].Khổng tử không giảng bốn điều: quái dị, dõng lực, phản loạn, quỷ thần.
[7.21].Khổng tử nói: " Trong ba người đi đường, tất có kẻ làm thầy mình. Bắt chước điều lành của người thiện, sửa đổi điều sai lầm của kẻ bất thiện..


[7.22].Khổng tử nói: Trời sanh ta là người có đức, Hoàn Khôi làm gì được ta!
[7.23].Khổng tử nói: " Các trò tưởng rằng ta có điều giấu diếm ư? Ta chẳng giấu diếm gì cả. Ta chẳng làm điều gì mà chẳng cho các trò hay. Khâu này là như vậy đó.
[7.24].Khổng tử dạy các học trò bốn môn: " văn chương, đức hạnh, trung trực, thành tín.


[7.25].Khổng tử nói: " Bực thánh nhân thì ta chưa được thấy, nếu thấy được người quân tử thì thật là tốt. Bậc thiện nhân thì ta không được thấy, nếu được thấy bậc "hữu hằng" thì khá quá.. Kẻ nào không mà xưng là có, trống rỗng mà xưng đầy đủ, tự mình tằn tiện mà khoe rộng rãi, kẻ ấy không đáng gọi là bậc "hữu hằng".

[7.26].Khổng tử nói: Ta chỉ câu cá chứ không bủa lưới. Ta chỉ bắn con chim đang bay, không bắn con chim đang ngủ.
[7.27].Khổng tử nói: Có những kẻ không biết mà làm càn, ta không phải như vậy. Nghe nhiều thì ta chọn điều tốt mà theo. Thấy nhiều thì ta ghi nằm lòng, có như vậy mới đáng bậc thứ tri.

[7.28]. Khó nói chuyện với người làng Hỗ Hương ( vì dân làng này ương ngạnh). Một chàng trẻ đến gặp Khổng Tử ( để xin nhập học ).Các học trò Khổng tử nghi ngờ chàng trai này. Khổng Tử nói :" Người ta vì lòng tinh khiết mà đến, mình nên lấy lòng tinh khiết mà đối xử, đừng chú ý đến quá khứ của người ta. Người ta đến thì mình nhận, còn khi nào họ rút lui ( hoặc mình đuổi họ) thì lại là việc khác. Cần gì phải quá đáng!

[7.29].Khổng tử nói: Điều nhân có phải ở xa ta không? Nếu ta muốn điều nhân thì điều nhân phải đến ngay với ta.
[7.30]. Quan Tư bại (Thượng thư bộ hình) nước Trần hỏi đức Khổng tử rằng :" Vua Chiêu Công
(nước Lỗ ) biết lễ chăng? Đức Khổng đáp: " Biết lễ". Đức Khổng Tử lui vào. Quan Tư bại chấp tay xá Vu Mã Kỳ (đệ tử đức Khổng ) rồi đến trước mặt Vu Mã Kỳ mà hỏi:"Tôi nghe rằng người quân tử không kết bè đảng ( thiên vị), thế mà nay người quân tử kết bè đảng ư? Vua nước Lỗ cưới con gái nước Ngô cùng họ mà kêu trại ra là bà Mạnh Tử nước Ngô. Vua nước Lỗ mà biết lễ thì ai không biết lễ?
Vu Mã Kỳ đem những lời đó trình Khổng Tử. Ngài nói: " Ta may mắn lắm. Nếu ta có lỗi, người ta đều biết hết!


[7.31]. Đức Khổng tử ca hát với mọi người, nghe khen hay thì ngài yêu cầu mọi người hát lần nữa, và ngài phụ họa theo.
[7.32].Khổng tử nói: Về văn chương ta cũng bằng người, song về đạo quân tử, ta chưa thi hành trọn vẹn.
[7.33]. Khổng tử nói : Ta không dám làm bậc Thánh, bậc Nhân, nhưng làm việc không chán, dạy người không biết mỏi, ta chỉ có thể làm được như vậy. Công Tây Hoa nói : " Chính hai việc đó mà các đệ tử cố gắng học thầy mà không được."


[7.34].Khổng tử bệnh nặng.Tử Lộ xin phép làm lễ cầu đảo cho Ngài. Ngài hỏi: "Có tục ấy chăng?" TỬ Lộ đáp : "Có." Trong sách Luy (sách cáo tế đời Văn vương nhà Chu) có câu: " Chúng tôi cầu khẩn Trời Đất, các thần trên trời và các thần dưới đất". Đức Khổng Tử nói : "Ta cầu đảo từ lâu".
[7.35].Khổng tử nói: Sự xa hoa làm cho con người không khiêm tốn, thói tiết kiệm làm cho con người hủ lậu. Thà mang tiếng hủ lậu còn hơn mang tiếng phách lối.
[7.36].Khổng tử nói: Người quân tử thì thản nhiên, tiểu nhân thì lo lắng.
[7.37].Đức Khổng Tử có vẻ ôn hòa mà nghiêm nghị, oai vệ mà không hung tợn, cung kính mà an nhiên.

[8.3]. Tăng Tử bệnh nặng, Khổng Tử triệu tập học trò mà dạy rằng: " Hãy dở tay ta ra xem, hãy dở chân ta ra xem . Kinh Thi có câu: " Phải cẩn thận như đi xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng". Từ đây về sau, ta mới biết ta đã giữ thân ta khỏi hư hại, tàn phế đó các trò ạ!

[9.11].Khổng tử bệnh nặng, Tử Lộ khiến các đệ tử của Ngài làm gia thần ( hộ tang phòng khi Khổng Tử lâm chung). Đến khi bệnh Khổng Tử thuyên giảm, Khổng Tử trách Tử Lộ: " Ta bệnh nặng đã lâu, mà người thì làm việc dối trá. Ta không có gia thần mà làm như ta có gia thần. Như vậy để lừa dối ai? Ta dối Trời sao? Nếu ta chết, chết trong tay học trò hơn là chết trong tay gia thần. Lại nữa, nếu ta chẳng được đại táng thì cũng không đến nỗi chết đường, chết sá!
[9.12].Tử Cống nói : " Giã như có một viên ngọc quý tại đây thì có nên bỏ vào hộp mà giấu hay là đem bán đi? Đức Khổng đáp: Nên bán đi! Nên bán đi nhưng ta còn đợi giá.

[9.13].Khổng tử muốn bỏ đi ở nơi chín vùng đất đất man di ( Di là dân man rợ ở phía Đông Trung Quốc). Có người nói: Phong tục bọn man di thô lỗ lắm, làm sao sống với họ được! Khổng tử nói: Người quân tử ở với họ thì giáo hóa họ, làm sao mà còn thô lỗ?
[9.14].Khổng tử nói:Sau khi đi từ Vệ mà trở về Lỗ, ta khảo đính Nhạc, Nhã, Tụng thành thứ lớp trật tự.

[9.15]. Khổng Tử nói " Ra ngoài thì thờ phụng bậc công khanh, về nhà thì kính bậc phụ huynh, trong tang chế thì giữ trọn lễ; trong ăn uống thì đừng say sưa. Trong bốn điều đó, ta trọn được điều nào chăng?
[9.16].Đức Khổng Tử đứng trên bờ sông, nói rằng: " Mọi vật như nước chảy đi, bất kể ngày đêm".
[9.17].Khổng tử nói: " Ta chưa thấy ai hiếu đức bằng háo sắc!"
[9.18].Khổng tử nói: Ví như đắp đất làm núi, chỉ cần một giờ nữa là xong, thế mà mình thôi làm, đó là tại mình bỏ đi.


[9.19].Khổng tử nói: Nghe ta giảng dạy mà thi hành không chậm trễ, đó là trò Hồi ( Nhân Uyên, Nhan Hồi).
[9.20].Khổng tử nói về Nhan Uyên như sau: "Tiếc thay cho trò ấy. Ta chỉ thấy trò tấn tới chứ chẳng thấy trò ấy đình chỉ ( việc học).
[9.21].Khổng tử nói: Lúa thì có thứ mọc tốt nhưng chẳng trổ bông, lại có thứ có trổ bông nhưng không trổ hột.

[9.1].Khổng tử it giảng dạy về điều lợi, mạng trời và điều nhân.
[9.2]. Có người ở xóm Đại Hạng (1) nói rằng Khổng tử là bậc thầy vĩ đại. Ông học rộng mà chẳng thành danh. Nghe như vậy, Khổng Tử nói với các đệ tử:" Ta nên làm nghề gì? Nghề đánh xe chăng? Nghề bắn cung chăng? Ta làm nghề đánh xe vậy.

[9.3].Khổng tử nó; "Theo lễ xưa là đội mũ gai, nhưng ngày nay người ta dùng mũ tơ rẻ tiền hơn. Chúng ta nên theo đại chúng. Còn việc triều bái, theo lễ xưa thì mình đứng dưới thềm, nhưng ngày nay, các quan đều ở trên thềm mà vái, như vậy là kiêu mạn đó. Trái với đại chúng, ta vẫn đứng ở dưới thềm mà vái.

[9.4].Khổng tử không có bốn lỗi.
-Vô ý: không có ý kiến riêng, không tư dục
-Vô tất: tùy hoàn cảnh mà thây đổi, không bảo thủ, cố chấp.
-Vô ngại: không ich kỷ, luôn nghĩ đến người.

[9.5]. Khi đến đất Khuông (1), bị một cơn sợ hãi, Khổng tử nói với các đệ tử:" Vua Văn vương đã mất, nền văn ( văn là lễ nhạc, chế độ, văn hóa, văn hiến) của ngài còn truyền nơi ta hay sao? Nếu Trời muốn làm mất nền văn ấy thì sau khi vua Văn mất đâu phó thác cho ta? Bởi Trời không để mất nền văn ấy thì người Khuông làm gì được ta?

[9.6]. Một quan Thái tể hỏi Tử Cống:" Đức Khổng tử có phải là thánh không? Sao Ngài nhiều tài quá vậy? "Tử Cống đáp: " Ấy là Trời rộng ban ân phước cho người. Không những Ngài là thánh mà còn nhiều tài. Đức Khổng nghe thuật lại lời quan Thái tể, bèn nói: "Quan Thái tể biết ta chăng? Hồi còn nhỏ, ta sống trong cảnh nghèo hèn cho nên phải cố gắng làm những việc khó nhọc. Nhưng bậc quân tử có cần nhiều nghề không? Không cần. Ông Lao nói rằng: " Thầy ta từng nói: " Ta chẳng được làm quan cho nên phải biết nhiều nghề.

[9.7].Ta có kiến thức ư? Ta chẳng biết gì cả. Nếu có người thô lậu đến hỏi ta, dù là kẻ trống rỗng mờ mịt, ta cũng đem đầu đuôi giảng giải tường tận.
[9.8]. Chim phụng (1) chẳng đến, chẳng có hình đổ trên sông Hà. Ôi! Đạo ta chẳng thi hành được.
[9.9]. Đức Khổng tử thấy nguời mặc tang phục, hoặc y phục nhà quan, hoặc người mù, dẫu còn nhỏ tuổi, Ngài cũng đứng dậy liền, còn như có đi qua trước mặt mấy người ấy thì Ngài đi rất mau.


[9.10]. Nhan Uyên buồn rầu mà than rằng: " Đạo của Thầy ta trông lên thì thấy rất cao, đi vào thì thấy rất vững chắc, mới nhìn trước mặt bỗng hiện ra sau lưng. Thầy ta tuần tự dẫn dụ người một cách khéo léo. Ngài mở rộng trí tuệ ta bằng học vấn, và dùng lễ nghĩa ước thúc ta. Dầu ta muốn thôi cũng không thôi được. Ta muốn theo đạo của Ngài, mà rán sức cũng không làm được dường như trước mặt ta có vật lớn chân đường. Dẫu ta muốn theo cũng không theo kịp.


[9.22].Khổng tử nói: Những kẻ sinh sau ta là đáng sợ. Biết đâu kẻ sinh sau này họ sẽ hơn ta bây giờ. Nhưng đến khi họ bốn mươi, năm mươi mà ta chẳng nghe danh tiếng họ, thì chẳng còn phải sơ họ nữa.



10.1. Khi ở trong làng xóm, Khổng tử là người thật thà, dường như chẳng biết nói năng. Nhưng khi ra nơi triều đình, tông miếu, ngài biện luận rất rõ ràng và thận trọng.
10.2.Ở triều, nói với bấc dưới, ngài tỏ vẻ nghiêm nghị, với bậc trên thì giữ hoà khí. Khi vua ra, ngài tỏ vẻ kính sợ, luôn lo lắng sao cho khỏi thất lễ!

10.3.Khi vua giao ngài tiếp khách, sắc diện ngài hơi đổi, ngài bước hơi run. Đứng chào khách, ngài đưa tay bên tả maá xá khách bên tả, đưa tay về bên hữu, xá khách bên hữu. Còn ngài phía trước, phiá sau đều tề chỉnh. Khi khách vào, Ngài đi mau, đưa thẳng hai cánh tay, tựa như chim duỗi cánh bay. Đến khi khách về rồi, Ngài trở vào tâu vua: "Khách không còn quay mặt lại nữa."


10.4. Khi vào công môn ( cung điện vua Lỗ), ngài cúi thấp xuống dường như là cổng quá thấp, ngài chẳng đứng giữa cổng, và khi vào ra, không đạp lên ngạch cửa, khi ngài đi qua ngai vua, dầu là ngai trống, sắc mặt ngài cũng hơi đổi, chân rung, tiếng nói chẳng ra hơi. Khi ngài vén áo bước vào công đường, thì ngài cúi mình, nín hơi, dường như không thở được. Đến khi lui ra, bước xuống thềm, khí sắc mới hòa hoãn,ngài mới được thư thái.Khi xuống đến bực chót, ngài đi mau, hai tay duỗi như chim sải cánh. Khi ngài trở lại chỗ ngồi thì lại tỏ vẻ kinh sợ.

10.5. Khi Khổng Tử vâng mệnh đi sứ, hai tay cầm thẻ ngọc khuê, cúi mình như cái thẻ nặng quá. Ngài nâng cái thẻ lên tới đầu dường như vái chào, rồi đưa xuống ngực như trao ra, gương mặt đổi sắc, như sợ hãi. Ngài bước ren rén, như giấu diếm vật gì. Đến khi dâng lễ vật vua tặng nước ngoài, thì dung mạo ôn hòa. Khi dâng lễ vật của riêng mình , nét mặt ngài rất vui vẻ.

10.6.Quân tử chẳng dùng y phục trang trí màu tím thẩm hay màu tím nâu ( màu tím thẩm dùng trong tế tự, màu tím nâu tang chế ). Bình thường, ngài không dùng đồ màu hường và màu tía( hai màu này không phải là chính sắc, và là màu phụ nữ thường dùng). Mùa hè, ngài mặc áo đơn, bằng vải mỏng ở ngoài, áo cừu lông cao (dê con màu đen) ở trong; hoặc áo dài trắng ở ngoài, áo cừu lông nghê ( lộc con màu trắng) ở trong; hoặc áo dài vàng ở ngoài, áo cừu lông hồ ( chồn màu vàng) ở trong.

Áo cừu mà ngài thường mặc thì dài nhưng tay áo bên mặt ngắn hơn tay áo bên trái một chút ( cho tiện làm việc). Ở tại nhà, ngài hay mặc áo dày bằng lông hồ, lông lạc cho ấm. Lúc không tang chế, ngài mang theo giây lưng và những vật dụng lặt vặt. Áo xiêm ngài mặc để đ chầu, hoặc dự lễ thì dài rộng, còn đồ bình thường thì hẹp hơn. Ngài không mặc áo cừu lông cao (dê con màu đen), và đội mão đen mà đi phúng điếu ( vì đó là cát phục). Ngày mồng một mỗi tháng, ngài mặc triều phục đi chầu vua ; lúc về hưu thì quay về hướng bắc mà triều bái.

10.7. Đến kỳ trai giới thì ngài mặc áo vải trắng, khi đi ngủ, ngài mặc áo khác dài một thân rưởi dể che kín mình. Trong kỳ trai giới, ngài đổi đồ ăn và chỗ ngủ ( nghĩa là ăn chay, ngủ chỗ thanh tịnh).
10.8. Ngài thích ăn gạo giã trắng tinh, gỏi thái nhỏ.Ngài chẳng ăn cơm thiu, cá ươn, thịt bở nát. Ngài không ưa món gì có màu xấu, mùi hôi. Thức ăn nấu không đúng ( chưa chín, hay quá chín, quá mặn hay quá nhạt, quá chua ), hoa quả trái mùa, thực phẩm cắt không đều, thiếu đồ chấm thì ngài không ăn.

Bữa ăn có nhiều thịt, không bao giờ ngài ăn thịt nhiều hơn cơm. Rượu thì không hạn lượng nhưng không uống say. Rượu ngoài hàng, nem trong chợ thì không dùng. Hằng bữa ngài hay ăn gừng. Ngài ăn vừa độ, không ăn nhiều.Trong khi làm quan dự cuộc tế, ngài được chia phần thì ngài không để thịt qua đêm. Khi cúng giỗ tổ tiên nhà ngài, ngài không để thịt qua ba hôm; quá ba hôm thì ngài chẳng ăn.Khi ăn, ngài chẳng bàn luận;khi nằm ngủ, ngài chẳng nói chuyện. Dẫu cơm thô, canh rau, trước khi ăn, ngài luôn cúng vái thành kính.

10.9. Chiếu trải không ngay ngắn, ngài chẳng ngồi.
[10.10].Khi đến dự tiệc rượu với người làng, ngài chờ mấy cụ già chống gậy đi trước, rồi ngài mới theo sau. Khi người làng làm lễ Na ( lễ tống ôn dịch) thì ngài mặc triều phục đứng bậc thềm phía đông mà tiếp lễ.(Ngài đã về hưu, vẫn tham gia tế lễ với dân làng). [10.11]. Khi đức Khổng sai ai đi đến nước khác hỏi thăm bà con, hay bằng hữu thì ngài lễ hai lạy khi tiễn hành.
Ông Quý Khương Tử ( đại phu nước Lỗ) sai người tặng thuốc cho Khổng Tử, ngài lễ bái mà nhận thuốc, rồi nói với sứ giả rằng: "Khâu này không rõ tánh thuốc nên không dám nếm thử."

[10.12]. Tàu ngựa của Khổng Tử bị cháy, Khổng Tử ở triều về, hỏi: " Có ai bị thiệt hại không?"Ngài chỉ hỏi thăm người, không hỏi thăm ngựa.

10.13.Khi vua ban thức ăn đã nấu chín, ngài bèn ngồi giữa chiếu mà ăn thử . Khi vua ban thịt tươi, ngài cho nấu chín, kế dâng cúng tổ tiên rồi mới ăn. Khi vua ban con vật sống, thì ngài đem nuôi, không làm thịt. Khi ngài ăn cơm trong đền gần vua, lúc vua rót rượu cúng tổ tiên, thì ngài nếm thử đồ ăn (2)
Khi ngài có bệnh, vua đến viếng, Ngài day đầu phía đông, mặt ngó cửa sổ bắc, trên mình có bộ triều phục với đai thắt lưng ở trên. Khi có lệnh vua gọi vào chầu, ngài liền đi bộ, chẳng đợi xe.

10.14.Vào triều, gặp việc gì cũng hỏi. Khi bằng hữu của ngài mất mà không có thân nhân đưa thi hài về quê, đức Khổng nói: " Để ta lo việc chôn cất." Bằng hữu tặng lễ vật cho ngài, nếu chẳng phải thịt cúng tổ tiên, dẫu cho thứ quý trọng như xe và ngựa thì ngài chẳng vái tạ.

10.15. Khi nằm, ngài không duỗi tay chân ra như người chết. Ở nhà, ngài không làm dáng Khi thấy người.mặc tang phục, dẫu quen biết, ngài củng biến đổi sắc mặt để tỏ lòng thương xót.
Khi gặp người mặc triều phục, hay kẻ đui mù, ngài đều thay đổi sắc mặt. Thấy người bận tang phục, ngài ngồi trên xe cũng vịn xe, cúi đầu chào. Khi gặp người lo việc sổ đinh, ngài cũng vịn xe mà cúi đầu chào. Khi chủ nhà dọn mâm cao cỗ đầy thết đãi ngài, thì ngài đứng dậy trịnh trọng cảm tạ gia chủ. Khi có sấm to gió lớn, ngài biến sắc vì trọng mạng lịnh của Trời.


10.16. Khi lên xe, ngài đứng vững vàng, tay vịn sợi dây mà bước lên. Khi ngồi xe, ngài chẳng quay đầu ra sau, ngài chẳng nói năng, chẳng đưa tay chỉ trỏ.
10.17. Con chim khi thấy người có khí sắc dữ tợn thì cất cánh bay. Khi đáp xuống, nó liệng vòng quan sát rồi mới đậu. Thấy vậy, đức Khổng nói: " Kìa con chim trĩ mái đang đậu trên cầu trong núi, nó biết thời cơ lắm thay! Nó biết thời cơ lắm thay!" Tử Lộ chực vồ bắt, nó bèn kêu ba tiếng mà bay đi.


11.1.Khổng Tử nói: " Về lễ nhạc, người xưa bị chê là quê mùa; còn nay được khen là quân tử.Ta đây nếu dùng lễ nhạc cũng chỉ theo xưa thôi.
11.2. Những đệ tử theo ta qua nước Trần, nước Thái, đến nay chẳng còn ai theo ta nữa ( vì một số ra làm quan, đi buôn bán hoặc đã chết).
11.3. (Học trò ta nổi tiếng ) Về đức hạnh có Nhan Uyên , Mẫn Tử Khiên , Nhiễm Bá Ngưu , Trọng Cung . Ngôn ngữ có Tể Ngã , Tử Cống . Chánh sự có Nhiễm Hữu , Quý Lộ . Văn học có Tử Du , Tử Hạ.


[11.4]. Khổng Tử khen: "Trò Hồi chẳng giúp gì cho ta vậy. Những điều ta giảng dạy, trò đều vui lòng.
[11.5].Khổng tử nói: " Mẫn Tử Khiên thật là người con hiếu. Cha mẹ, anh em đều khen ngợi, mà người ngoài cũng ca tụng.
[11.6]. Nam Dung, học trò đức Khổng, thường đọc thơ Bạch Khuê. Đức Khổng đem con người anh gả cho.


[11.7].Quý Khang Tử hỏi đức Khổng: "Trong hàng đệ tử ai là người hiếu học? "Ngài đáp:" Có Nhan Hồi hiếu học nhưng chẳng may mất sớm rồi.Ngày nay không còn ai là người hiếu học."

[11.8]. Nhan Uyên chết, ông Nhan Lộ ( cha Nhan Uyên ) đến xin chiếc xe của đức Khổng để làm quách chôn con. Đức Khổng quở: "Dù nó có tài hay bất tài, cũng chỉ là con. Con ruột của ta (Bá Ngư) đã thác, ta chỉ tẩm liệm bằng áo quan, chẳng cần cái quách bao ngoài. Không lẽ ta đi bộ, bán cỗ xe mua quách sao? Bởi ta đi sau hàng đại phu, không lẽ đi bộ sao?
[11.9]. Nhan Uyên chết, đức Khổng than: " Ôi! Trời chôn ta! Trời hại ta rồi!"


[11.10]. Nhan Uyên chết, Khổng Tử khóc ai oán. Các đệ tử thưa: Thầy khóc bi ai quá! Ngài đáp rằng : Ta bi ai lắm à? Ta chẳng vì người ấy mà bi ai thì há vì ai?"
[11.11].Nhan Uyên chết, các đệ tử của đức Khổng muốn làm lễ mai táng trọng hậu. Ngài bảo: "Không nên" nhưng các đệ tử vẫn chôn cất trọng thể. Sau đức Khổng nói rằng: " Trò Hồi coi ta như cha, nhưng theo lễ, ta chẳng được coi trò như con. Việc chôn cất long trọng không phải do ta mà do mấy đứa học trò ta.

[11.23]. Đức Khổng Tử bị một phen sợ hãi ở đất Khuông ( Đã nói ở Chương IX), Nhan Uyên lạc ở phía sau. Khi gặp lại Nhan Uyên, Không Tử nói: "Ta tưởng ngươi đã chết rồi!" Nhan Uyên đáp: "Thầy còn sống , Hồi này sao dám chết!"

[14.13]. Khổng Tử hỏi về Công Thúc Văn Tử ( đại phu nước Vệ) với một người nước Vệ là Công Minh Giả rằng : "Thầy ngươi không hay nói, không hay cười, không nhận món chi hết, có phải như vậy chăng?
Công Minh Giả đáp: " Tin đồn đó không đúng sự thật lắm. Lúc cần nói thì thầy tôi nói, cho nên người nghe không chán; Có vui thì thầy tôi mới cười, cho nên người ta thấy cười mà chẳng chán; Còn phải nghĩa thì thầy tôi mới nhận, cho nên người ta thấy nhận mà chẳng chán. Đức Khổng hỏi: "Thật vậy không? Có phải vậy không?

[14.21]. Trần Thành Tử ( đại phu nước Tề ) giết vua Giản công. Khổng Tử tắm gội xong, vào thưa với Lỗ Ai Công: "Trần Hằng ( tên Trần Thành Tử ) giết vua, xin chúa thượng đem binh trừng phạt. Vua Ai công bảo: " Khanh nên đến nói cho ba nhà đại phu nghe đi". Khổng Tử nói một mình: Ta tuy không còn làm quan, vẫn là đại phu, nghe chuyện tày trời đó không lẽ không tâu vua. Sao vua lại bảo ta đến cho ba nhà kia hay? Ngài bèn đến ba nhà đại phu, cả ba đều chẳng tán thành ý ngài. Khổng Tử bèn nói một mình: " Bởi ta là quan đại phu nên chẳng dám im lặng nên phải lên tiếng vậy"



[14.43]. Nguyên Nhưỡng ngồi đợi Khổng Tử. Khổng Tử trách: " Hồi nhỏ, người không biết kính thuận bậc tôn trưởng, lớn lên chẳng làm được gì, đến già chẳng chết đi, chỉ làm giặc cỏ thôi! Ngài bèn lấy gậy gõ vào ống chân Nguyên Nhưỡng!
[14.44]. Một gã trai trong xóm Khuyết đảng được Khổng Tử giao việc trao thư và mời khách. Có người hỏi: Gã đồng tử ấy học hành ra sao, có tiến bộ không?"
Khổng Tử đáp: "Ta thấy nó chưa biết lễ, nó cả gan ngồi vào chỗ người lớn, đi ngang hàng bậc trưởng thượng. Gã ấy chẳng muốn tiến lên từng bậc, mà muốn mau thành người cao cả.


[14.36]. Khổng Tử than: "Ôi đời chẳng biết ta!" Tử Cống nói:"Tại sao thầy than chẳng ai biết ta? Khổng Tử đáp: "Ta không oán Trời, trách người" Ta học từ thấp để lên cao, biết ta chăng chỉ có trời!
[14.37]. Công Bá Liêu ( người Lỗ) nói dèm Tử Lộ với họ Quý Tôn. Tử Phục Cảnh Bá (đại phu nước Lỗ) thuật lại chuyện đó với Khổng Tử, rồi nói rằng: "Bởi Công Bá Liêu dèm pha nên họ Quý nghi ngờ Tử Lộ. Tôi đây có thế lực mạnh có thể làm cho Công Bá Liêu chết phơi thây nơi chợ hay triều đình. Đức Khổng Tử nói: " Đạo ta lưu hành được là do Trời. Đạo ta bị phế bỏ cũng là do Trời. Công Bá Liêu làm sao tránh được mạng Trời!



[14.37]. Khổng Tử nói: "( có 4 hạng ẩn dật ) : tị thế, tị địa, tị sắc và tị ngôn.
[14.38]. Khổnng Tử nói: Hiện nay nước Lỗ có bảy người ẩn dật. Tử Lộ theo thầy chu du liệt quốc, nủa đêm đến Thạch Môn ( nước Tề). Sáng sớm quan mở cổng thành thấy Tử Lộ, hỏi: :" Ông từ đâu lại? Tử Lộ đáp: "Từ họ Khổng. Quan này hỏi: Có phải ông này biết việc không thành mà vẫn làm phải không?

[1439]. Đức Khổng đánh nhạc Khánh ở nước Vệ. Có người gánh cỏ đi ngang cửa ngài trọ, than rằng: " Người đánh khánh kia có bụng lo đời thay!"
Khen xong, người ấy chê: Tiếng nhạc thô lậu quá! Đời chẳng ai biết mình thì thôi đi cho xong. (Kinh Thi có câu )" Qua rạch, qua ngòi, gặp chỗ sâu thì vén áo, chỗ cạn thì xăn quần". Nghe những lời ấy, đức Khổng nói: " Người ấy quả quyết và dứt khoát thay! Nếu chẳng vì nhân tâm thế đạo thì nào có khó khăn gì!"



[15.1]. Vệ Linh Công hỏi về chiến trận. Ngài đáp: "Tôi thường nghe việc lễ nhạc, cúng tế, còn việc chiến trận thì chưa học. Hôm sau, Khổng Tử bỏ mà đi.
[15.2]. Tại Trần, Khổng Tử hết lương thực, các học trò đi theo ngài đều bị bệnh, chẳng ai đứng dậy nổi. Tử Lộ tức giận, vào thưa cùng Khổng Tử: " Bậc quân tử mà cũng gặp cảnh khốn cùng sao?"
Khổng Tử nói" Người quân tử cũng gặp lúc khốn cùng. Còn tiểu nhân gặp khốn cùng thì làm càn.

[15.3]. Đức Khổng Tử kêu Tử Cống mà dạy: " Này trò Tứ. Ngươi cũng cho ta học nhiều nhớ nhiều phải không? Tử Cống đáp: " Chẳng phải vậy sao hở thầy?" Khổng Tử đáp: Chẳng phải vậy. Ta nắm lấy một một đầu mối mà thông suốt tất cả. ( Giống chương Lý nhân: Ngô đạo nhất dĩ quán chi 4.15).
[15.42]. Ông thầy Miện ( người mù dạy nhạc) thăm KhổngTử. Khi ông sắp bước lên thềm, KHổng Tử nói: "Thềm đây". Khi ông đến gần chiếu, Khổng Tử nói :Chiếu đây. Khi ngồi rồi, Khổng Tử giới thiệu quan khách với ông Miện: Ông X ngồi đậy, ông Y ngồi đây... Khi ông Miện đi rồi, Tử Trương hỏi: Phải chăng đây là cách nói chuyện với nhạc sư? Khổng Tử đáp: Phải. Đó là cách thức dắt dẫn người mù..

[15.31].Khổng tử nói: " Trước đây ta suốt ngày không ăn, cả đêm không ngủ chỉ để suy tư. Xét ra việc ấy không ich lợi gì. Lo việc học thì hơn.
[14.33]. Vi Sanh Mẫu nói với đức Khổng Tử rằng:" Ông Khâu ơi, tại sao ông cứ lo giáo hóa người đời vậy? Ông dùng lời nịnh hót người đời ư? Đức Khổng đáp: " Ta chẳng dám dùng lời khôn khéo nịnh hót, ta ghét những kẻ cố chấp!

[17.1]. Dương Hóa muốn Khổng Tử đến thăm y. Khổng tử không muốn đến nhà y. Ông ta lập mưu sai người biếu Khổng Tử một con heo luộc. Khổng tử chọn lúc Dương Hóa đi vắng liền đến cám ơn. Giữa đường ,ngài gặp Dương Hóa, Khổng Tử nói: "Xin mời ông lại đây, chúng ta cùng nói chuyện." Người có của quý lại đem cất giấu đi. Nước loạn, tại sao ông không đem tài ra giúp nước. Như vậy là có lòng nhân không? Khổng tử đáp: "Không?"Dương Hóa nói:"Ngày tháng qua mau, chẳng chờ đợi ta." Khổng Tử đáp:" Tôi sắp ra làm quan đây".

[17.4]. Khổng Tử đi đến Vũ Thành (là một ấp nhỏ ở Lỗ, do Tử Du làm quan tể) , nghe tiếng đàn ca từ nhà dân chúng đưa ra , ngài cười mà nói:" Giết gà cần gì dao mổ trâu!" Tử Du đáp: " Ngày xưa Yển này nghe thầy dạy : " Người quân tử do học đạo mà thương dận, kẻ tiểu nhân nhờ học đạo mà biết tuân lệnh trên, " Khổng Tử bảo: Này các trò, trò Yển nói đúng lắm. Mấy lời ta vừa nói ra chỉ là nói đùa mà thôi."

[17.5]. Công Sơn Phất Nhiễu chiếm ấp Phi chống lại chủ ( là họ Quý), bèn sai sứ giả triệu Khổng tử. Khổng Phu Tử muốn đến, nhưng Tử Lộ ngăn cản mà nói rằng: " Chẳng nên đi. Cần gì mà theo bọn Công Sơn". Khổng Tử nói": Người ta mời mình chẳng có lý do chánh đá Người ta dùng mình, mình há lại không làm cho đất nước ( Lỗ ) thịnh vượng như thời Đông Châu sao?"



[17.7].Phật Bật mời đức Khổng đến, ngài muốn đi, nhưng Tử Lộ ngăn cản. Tử Lộ nói: Ngày xưa, Do này nghe thầy nói: "Người quân tử không theo phe đảng bọn xấu. Phật Bật (được họ Triệu ở nước Tấn cho làm quan tể ấp Trung Mâu) chiếm đất Trung Mâu mà phản họ Triệu. Thầy muốn đến với y là lẽ làm sao? Đức Khổng nói: "Phải, trước kia ta có nói vậy. Ta cũng đã nói: Vật gì bền chắc, dẫu mài cách gì cũng chẳng mòn sao?" Ta có tài nên dùng, há như trái bầu mà người ta treo mà không ăn sao?

[17.17]. Phu Tử nói:" Ta ghét màu tía là vì nó làm mất màu châu ( màu đỏ tự nhiên) Ta ghét tiếng đàn nước Trịnh vì nó làm loạn nhạc tao nhã; Ta ghét kẻ lợi khẩu vì làm tai hại nước nhà.
[17.18]. Đức Khổng nói: "Ta chẳng muốn nói.Tử Cống thưa:" Nếu thầy chẳng muốn nói, bọn đệ tử chúng con làm sao đem lời thầy truyền bá cho người đời. Đức Khổng dạy:" Trời có nói gì đâu mà bốn mùa cứ xoay vần mãi. Trời có nói gì đâu!"


[17.19]. Nhữ Bi ( người nước Lỗ) muốn yết kiến Khổng Tử. Ngài từ chối, lấy cớ bệnh. Khi sứ giả đi khỏi, ngài lấy cây đờn sắt vưà đàn vừa ca, khiến cho sứ giả nghe biết.


[18.3]. (Khi Khổng Tử đến nước Tề) Tề Cảnh Công bàn việc tiếp đãi Khổng Tử. Vua Tề nói: Ta không thể đãi Khổng Tử ngang họ Quý (quyền thần bậc nhất của nước Lỗ). Ta có thể đãi Khổng Tử ở giữa họ Thúc và họ Mạnh (hai họ này dưới họ Quý). Kế đó vua phán:" Ta nay đã già, không đủ sức thi hành chính sách của ông ấy, nên ta chẳng trọng dụng ông ấy." Nghe được lời này, đức Khổng đi ra khỏi nước Tề!


[18.4]. Vua Tề tặng vua Lỗ một ban nữ nhạc. Quý Hoàn Tử thay vua Lỗ tiếp nhận. Ba ngày liền, vua quan nước Lỗ say mê nữ nhạc mà bỏ việc triều chính.Đức Khổng bèn bỏ nước mà đi!
[18.5]. Một ẩn sĩ nước Sở tên là Tiếp Dư, giả khùng, ca hát trước xe Khổng Tử (khi Khổng Tử qua nước Sở): Chim Phượng ơi! Chim Phượng ơi! Đạo đức giờ suy đồi! Việc qua rồi không can gián được; còn việc tới, không thể theo đuổi. Hãy thôi đi! Hãy chấm dứt đi! Ngày nay làm chính trị thì nguy hiểm lắm!" Khổng Tử vội xuống xe để nói chuyện thì ông đã mau chân tránh đi, nên Khổng Tử không nói được lời nào cùng Tiếp Dư!




[18.6]. Tràng Thư và Kiệt Nịch (hai ẩn sĩ ở biên giới Sở, Thái) cùng nhau làm ruộng. Khổng Tử đi xe ngang qua đó, sai Tử Lộ đến hỏi thăm bến đò. Tràng Thư hỏi: " Này cậu, người ngồi cầm cương trên xe là ai?
-Ấy là ông Khổng Khâu
- Có phải Khổng Khâu ở nước Lỗ không?
-Phải.
-Nếu phải thì ông ấy biết bến đò rồi!
Tử Lộ bèn hỏi Kiệt Nịch. Kiệt Nịch hỏi:Ngươi là ai?
-Tôi là Trọng Do.
-Có phải ngươi là đệ tử của Khổng Khâu nước Lỗ chăng?
-Phải.
Kiệt Nịch nói: "Khắp thiên hạ đều loạn như nước chảy cuồn cuộn, Ngươi có thể cùng ai mà đổi loạn ra trị? Ngươi chỉ theo bậc sĩ tị nhân thôi! Sao bằng theo bậc sĩ tị thế? Ông cứ tiếp tục gieo giống chẳng ngừng tay.
Tử Lộ bỏ đi rồi kể lại với Khổng Tử. Ngài ngậm ngùi than:" Người ta không thể làm bạn với cầm thú. Nếu ta không sống với loài người thì sống với ai? Nếu thiên hạ có đạo lý thì cần gì phải thay đổi!



[18.7]. Tử Lộ (theo Khổng Tử từ nước Sở qua nước Thái), bị lạc lại sau, gặp một ông lão quảy giỏ nơi đầu gậy trên vai. Tử Lộ hỏi: Ông có thấy thầy tôi không? Ông lão nói: " Nhà ngươi chẳng lao động chân tay cần mẫn, chẳng phân biệt được các giống ngũ cốc. Ta đây chẳng biết ai là thầy ngươi. Nói xong, ông cắm gậy xuống đất rồi lo việc bừa cỏ. Tử Lộ chấp tay cung kính đứng chờ. Ông mời Tử Lộ ở lại nghỉ đêm . Ông giết gà , nấu cơm, và cho hai con trai ra mắt. Rạng ngày, Tử Lộ ra đi, gặp đức Khổng, thuật việc trên. Đức Khổng nói: " Đó là một bậc ẩn sĩ. Ngài dạy Tử Lộ trở lại viếng ông lão . Khi Tử Lộ đến thì ông đi vắng. Tử Lộ nói rằng " Có tài đức mà không ra làm quan là thiếu nghĩa quân thần. Như ông lão này, biết giữ lễ tiết với một học trò nhỏ, há bỏ nghĩa vua tôi sao? Nếu giữ thân trong sạch thì trái ngũ luân. Người quân tử ra làm quan để thi hành nghĩa trung quân, ái quốc to lớn, chứ chẳng vì mưu cầu phú quý. Còn đạo mà không thi hành được thì ta đã rõ rồi!

【19.22】. Vệ công Tôn Triều ( đai phu nước Vệ) hỏi Tử Cống:" Thầy ông là Trọng Ni học với ai mà giỏi như vậy?" Tử Cống đáp:" Đạo lý của vua Văn, vua Võ chưa bị hủy hoại, còn tồn tại ở thầy tôi. Bậc hiền đức học được phần lớn, kẻ tầm thường học được phần nhỏ. Ở đâu cũng có đạo thống của Văn vương, Võ vương. Thầy tôi há chẳng học ở đó ư? Cần gì nhất định phải có một bậc sư phụ?"


【19. 23】. Thúc Tôn Võ Thúc ( đại phu Lỗ quốc) nói với các quan trong triều:" Tử Cống hiền đức hơn Trọng Ni". Tử Phục Cảnh Bá thuật lời đó với Tử Cống, Tử Cống nói:" Xin đem vách tường trong cung thất làm thí dụ. Vách tường của tôi bằng vai người,đứng ngoài tường có thể thấy mọi vật trong nhà. Vách tường của thầy tôi cao mấy nhận (1), nếu không đứng cửa nhìn vào thì không thấy cái đẹp của nhà tông miếu cùng những đồ trang sức của bách quan. Những người được nhận làm môn đệ ít lắm. Vậy thì lời nói của Thúc Tôn Võ Thúc thật là sai lầm!


【19. 24】
.Trần Tử Cầm nói với Tử Cống:" Anh khiêm nhượng đó thôi chứ thật ra anh giỏi hơn Trọng Ni nhiều! Tử Cống trách:" Người quân tử nói một lời được thiên hạ khen là có trí, nói một lời bị chê là bất trí. Vậy khi nói nên cẩn thận. Tài năng, đức độ của thầy ta chẳng ai bằng, giống như bắc cái thang không thể lên đến Trời. Thầy ta nếu được nước mà cai trị thì ắt thành tựu to lớn hơn là câu cổ ngữ này:" Gầy dựng cho dân thì dân tự lập. Chỉ đường cho dân thì dân biết đường mà đi. Giuáp dân an ổn thì dân đến với mình; làm cho dân cảm động thì dân hòa thuận với nhau; như vậy, bậc quân tử khi sống được dân tôn vinh, khi chết được dân thương tiếc." Như vậy thì ai theo kịp người?"




Chương XI

TẠP LỤC

(5.1). Khổng Tử nói về Công Dã Tràng (học trò của Ngài) : "Có thể gả con gái cho trò này vậy. Trò này ở trong tù nhưng thực ra không phạm tội ." Rồi đem con gái gả cho.
Khổng Tử nói về Nam Dung ( học trò của Ngài) : "Nước nhà yên ổn, vẫn giữ được chức quan. Nước loạn, ( vẫn giữ đạo đức ) không bị tù ngục; " Rồi đem con gái của anh gả cho.
(5.2). Khổng Tử nói về Tử Tiện, "Quân tử thay người ấy! Nước Lỗ mà không có người quân tử, thì sao có được như thế?"


(5.3).Tử Cống hỏi rằng: "Tứ con thì như thế nào ạ?"
Khổng Tử nói: "Anh à, như đồ dùng vậy."
Hỏi: "Đồ dùng nào ạ?"
Khổng Tử nói: "Cái bát đựng xôi cúng ấy."
(5.4).Có người nói: "Anh Ung có lòng nhân mà không khéo ăn nói." Khổng Tử nói: " Cần gì phải giỏi ngôn luận? Lấy tài ăn nói mà đè bẹp người ta thì bị oán ghét. Ta không biết trò Ung có nhân hay không, nhưng cần gì tài hùng biện ?"


[5.5].Khổng Tử khiến ông Tất Điêu Khai ra làm quan. Ông nói: "Đệ tử chưa tin ở đức độ của mình." Khổng Tử nghe nói lấy làm vui lòng.
[5.6]. Khổng Tử nói : "Không thi hành được đạo thì nên thả bè lênh đênh trên biển. Đi theo ta phải chăng chỉ có một mình trò Do? Tử Lộ nghe nói thế thì lấy làm vui vẻ. Khổng Tử nói:" Trò Do dũng cảm hơn ta nhưng thiếu trí phán đoán.

{5.7}. Mạnh Vũ Bá hỏi Khổng Tử: " Tử Lộ có lòng nhân không?" Khổng Tử nói " Ta không biết".
Ông ấy lại hỏi nữa. Ngài đáp: " ( Ta biết ) Trò Do có thể điều khiển quân đội cho nước chư hầu có ngàn cỗ xe, nhưng ta không biết trò ấy có lòng nhân hay không.
Mạnh Vũ Bá hỏi tiếp:" Ông Cầu như thế nào?"-Đức Khổng đáp: Trò Cầu có thể làm quan Tể cho một ấp ( thành phố) có một ngàn nhà, hoặc làm quan Tể cho một một đại gia có trăm cỗ binh xa. Ta không biết trò ấy có lòng nhân hay không.
Ông Xích như thế nào? Khổng Tử đáp: "Trò Xích có thể mặc lễ phục, buộc đai, đứng ở triều đình tiếp khách, còn trò ấy có lòng nhân hay không, ta không biết.

[5.8]. Khổng Tử gọi Tử Cống mà hỏi:" Ngươi với Hồi, ai hơn? Tử Cống thưa: " Tứ này sao sánh với Hồi! Hồi nghe một biết mười. Tứ này nghe mười biết một, hai mà thôi. Đức Khổng Tử khen: "Thật ngươi chẳng bằng Hồi vậy. Ý ta cũng giống ngươi cho rằng ngươi chẳng bằng Hồi vậy!
[5.9]. Tế Dư có thói ngủ ngày. Khổng Tử nói: " Cây mục không chạm trổ được, vách đất không tô vẽ được. Ta trách trò Dư làm gì? Khi trước, muốn xét người thì ta quan sát tính nết của họ có phù hợp với lời nói không. Nay thì ta quan sát hành động có phù hợp với lòi nói không. Vì trò Dư mà ta thay đổi ý kiến vậy.

[5.10].Đức Khổng nói: "Ta chưa thấy ai là người cương quyết.' Có người trả lời: " Có Thân Trành . Ngài bảo: "Trành là người tham dục làm sao mà cương quyết?

[5.17]. Khổng Tử nói: " Tàng Văn Trọng nuôi rùa trong một căn nhà lớn, cột nhà chạm hình núi non, rường nhà vẽ rong rêu. Như vậy sao gọi là người có trí?
[9.28].Khổng tử nói: Người trí thì không bị mê hoặc, người nhân thì không lo buồn, người can đảm không sơ hãi.
{5.26].Nhan Uyên và Quý Lộ đứng hầu đức Khổng. Khổng Tử bảo: " Sao không nói ý chí của các ngươi cho ta nghe? Tử Lộ nói : "Tôi mong có xe mà đi, có ngựa mà cỡi, có áo khinh cừu mà mặc và để cho các bằng hữu cùng hưởng với tôi. Dẫu họ có dùng hư hao, tôi cũng chẳng buồn.
Ông Nhan Uyên nói " Chí nguyện của tôi là không khoe khoang điều thiện của tôi, và không tâng bốc công lao của tôi.
Tử Lộ bèn thưa rằng:" Chúng con muốn nghe ý nguyện của Thầy.
Khổng Tử đáp: :"Ta muốn cho người già cả được an vui, bạn bè tin cậy ta và trông nom bọn trẻ."



[8.16].Khổng tử nói: Ta không cần biết đến những kẻ ngông cuồng mà không ngay thẳng, ngu si mà không trung hậu, khù khờ mà lại không tin tưởng.

10.17. Con chim khi thấy người có khí sắc dữ tợn thì cất cánh bay. Khi đáp xuống, nó liệng vòng quan sát rồi mới đậu. Thấy vậy, đức Khổng nói: " Kìa con chim trĩ mái đang đậu trên cầu trong núi, nó biết thời cơ lắm thay! Nó biết thời cơ lắm thay!" Tử Lộ chực vồ bắt, nó bèn kêu ba tiếng mà bay đi.

[11.7].Quý Khang Tử hỏi đức Khổng: "Trong hàng đệ tử ai là người hiếu học? "Ngài đáp:" Có Nhan Hồi hiếu học nhưng chẳng may mất sớm rồi.Ngày nay không còn ai là người hiếu học."
[11.8]. Nhan Uyên chết, ông Nhan Lộ ( cha Nhan Uyên ) đến xin chiếc xe của đức Khổng để làm quách chôn con. Đức Khổng quở: "Dù nó có tài hay bất tài, cũng chỉ là con. Con ruột của ta (Bá Ngư) đã thác, ta chỉ tẩm liệm bằng áo quan, chẳng cần cái quách bao ngoài. Không lẽ ta đi bộ, bán cỗ xe mua quách sao? Bởi ta đi sau hàng đại phu, không lẽ đi bộ sao?
[11.9]. Nhan Uyên chết, đức Khổng than: " Ôi! Trời chôn ta! Trời hại ta rồi!"


[11.16]. Tử Cống hỏi ( Khổng Tử ): Sư ( Tử Trương ) và Thương (Tử Hạ) ai là kẻ hiền tài?"Khổng Tử đáp: " Sư thì thái quá, còn Thương bất cập. " Như vậy là Sư giỏi hơn phải không? Người quá dáng và người chẳng kịp đều giống nhau."

[11.17]. Họ Quý giàu hơn Châu công, thế mà trò Cầu (Nhiễm Hữu) lại làm tôi họ Quý, thâu thuế bóp chẹn dân, thu của cho nhà giàu. Đức Khổng truyền : "Kẻ ấy chẳng phải học trò ta nữa. Các người nên công kích y.

[11.18]. (Đức Khổng Tử phê phán bốn học trò của ngài rằng) Sài (Cao Sài, tự Tử Cao) ngu, Sâm (Tăng Tử) đần độn, Sư (Tử Trương) chưng diện, Do (Tử Lộ ) quê mùa.

[11.19]. Trò Hồi rất hoàn hảo ( trung thứ) , gần đạt đạo, vì luôn an phận nghèo. Trò Tứ chẳng tuân mạnh Trời, nên đi buôn bán làm giàu nhưng suy nghĩ điều gì cũng trúng.
[11.20]. Tử Trương hỏi: " Người có tính thiện tự nhiên là người như thế nào? Khổng tử nói: "Đấy là người chẳng học cổ nhân cũng trở nên người lành, nhưng không vào được thánh thất.

[11.26]. Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa ngồi hầu đức Khổng nói: "Các người đừng ngại ta lớn tuổi , cứ việc nói rõ chí hướng của mình. Ở nhà các ngươi thường nói: "Thiên hạ chẳng ai biết ta." Nếu thiên hạ biết các ngươi, dùng các ngươi thì các ngươi sẽ làm gì?"

Tử Lộ vội đứng dậy nói: " Ví như một nước có một ngàn cỗ binh xa, bị ép giữa hai nước lớn, thêm thêm có chiến tranh, dân chúng rất đói khổ. Nếu Do này cai trị nước ấy, trong ba năm sẽ làm cho dân chúng trở nên anh dũng và biết nghĩa vụ".
Khổng Tử mỉm cười, hỏi Nhiễm Cầu:" Trò Cầu, trò sẽ làm gì?
"Nếu đệ tử cai trị một vùng vuông sáu, bảy chục dặm,hay năm, sáu chục dặm, trong ba năm , Cầu sẽ làm cho dân no đủ. Còn về lễ nhạc thì tôi kém tài, phải đợi người quân tử.
Đức Khổng hỏi Công Tây Hoa:" Trò Xich, trò sẽ làm gì?"
Công Tây Hoa thưa:
" Tôi không có tài về lễ nhạc, tôi muốn học hỏi. Trong những cuộc tế tự nơi tông miếu, hoặc trong các buổi hội chư hầu, tôi sẽ mặc áo "huyền đoan" (3), đội mũ " chương phủ" (4), xin làm tiểu tướng (5) thôi!"
Đức Khổng hỏi Tăng Tích:
"Trò Điểm sẽ làm gì?"
Tăng Tích đương gảy đàn sắt nghe thầy hỏi thì ngưng gảy đàn nhưng tiếng đàn còn vang, liền bỏ đàn xuống, đứng dậy đáp:" Chí tôi khác ba bạn kia.
Đức Khổng bảo:" Không hề gì.Mỗi người đều nói chí hướng của mình.
Tăng Tích thưa: " Về cuối mùa xuân tiết tháng ba, áo mùa xuân đã may xong, cùng năm sáu người bạn cỡ hai mươi, cùng sáu bảy cậu trai trạc 16 tuổi, dẫn nhau đi tắm ở sông Nghi (6), hứng gió ở đàn Vũ Vu (7). , rồi trên đường về cùng nhau ca vịnh."
Khổng Tử than: " Ta không bằng trò Điểm vậy."
Khi ba đệ tử kia lui rồi, Tăng Tích còn ở lại, bèn hỏi thầy:
"Thầy nghĩ gì về ý kiến của ba anh kia?"
Khổng Tử đáp: " Ai cũng nói chí hướng của mình thôi."
-Thế sao thầy mỉm cười khi nghe anh Do nói?"
-Bực trị quốc cần có lễ nhượng, mà lời trò Do lại thiếu lễ nhượng. Vì vậy mà ta mỉm cười.
-Cònh anh Cầu chẳng phải nói việc trị nước ư?
-Một địa phương sáu, bảy chục dặm,hay năm, sáu chục dặm, chẳng phải là một nước nhỏ.
-Còn anh Xich chẳng phải nói việc trị nước, thưa thầy?
-Việc tế tông miếu và hội chư hầu là việc của các vua chư hầu. TRò Xích xin làm tiểu tướng thì ai làm đại tướng? (8)

[12.5]. Tư Mã Ngưu (1) buồn rầu, lo lắng mà than: " Người ta có anh, có em, còn tôi thì không.Tử Hạ nói: "Thương này từng nghe thầy nói:" Sống chết có số, giàu sang tại Trời." Bậc quân tử lúc nào cũng thành kính, không phạm lỗi lầm, đối với người thì khiêm cung, lễ nhượng. Bốn bể đếu là anh em. Bậc quân tử lo gì không có anh em."

[13.7]. Khổng Tử nói" Chính sự nước Lỗ, nước Vệ giống nhau như anh em.
[13.8]. Khổng Tử khen công tử Kinh ( đại phu nước Vệ) giỏi về quản trị gia đình . Ban đầu thu vén được một it tiền của thì ông nói" Tom góp như vậy cũng đủ dùng." Sau thu thập nhiều thêm, ông nói: Cũng khá rồi." Sau ông trở nên giàu, ông nói: "Tốt đẹp lắm rồi.".

[14.11]. Đức Khổng Tử nói: " Mạnh Công Xước ( đại phu nước Lỗ) nếu làm gia thần cho họ Triệu, họ Nguỵ ( quan khanh nước Tấn thì được nhưng làm cho nước Đằng, nước Tiết thì tài chẳng đủ.

[14.32]. Khổng Tử nói: Mình không biết có kẻ gian trá, với mình, mình không ngờ có người bội tín, với mình nhưng khi đối diện với họ thì mình biết ngay! Như vậy cũng đáng gọi là bậc hiền rồi!

[15.14]. Đức Khổng Tử nói: " Tạng Văn Trọng là kẻ ăn trộm chức vị phải không?. Ông ấy biết ông ông Liễu ở Hạ Huệ là người hiền mà không tiến cử vào triều.




[17.12]. Đức Khổng nói: " Nhiều kẻ ngoài mặt oai vệ mà trong lòng nhu nhược, ta cho họ là tiểu nhân, chẳng khác bọn trèo tường, khoét vách.


[17.13]. Khổng Tử nói: " Những bọn hương chức trong làng mà dân chúng khen là thành thật thường là bọn phá hoại phong hóa, đạo đức.
[17.14]. Phu Tử nói:" Những kẻ nghe chuyện ngoài đường rồi thuật lại ngoài đường thì bỏ mất cái đức của mình vậy.
[17.15]. Đức Khổng nói: "Có nên để cho bọn đê hèn cùng ta phụng sự vua không? Bọn ấy khi chưa có địa vị, lợi lộc thì tìm cách luồn cúi, khi được rồi thì sơ mất lộc vị cho nên việc gì tàn ác, xấu xa mà chẳng dám làm!

[17.21]. Đức Khổng Tử nói :" Kẻ nào suốt ngày ăn không ngồi rồi, thì khó mà làm nên việc gì. Sao chẳng chơi cờ? Chơi cờ còn hơn là ở không.


【19. 14】. Tử Du nói" Trong tang chế, gốc là đau thương!"
【19. 15】.Tử Du nói: " Bạn ta là Tử Trương, ưa làm những việc khó mà người ta làm chẳng nổi dù bạn ta chưa phải là bậc nhân.
【19. 16】.Tăng Tử nói:"Bạn Tử Trương đáng mạo oai nghi thay! Nhưng ta khó đứng chung làm nhân với anh ấy.


No comments: