Thursday, July 23, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG 4

Tôn Phượng Minh

Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch


Triệu Tử Dương nói: về vấn đề của tôi, ngay trong [vòng] nửa năm, bọn họ đã kiểm tra rõ trong nội bộ; từ năm ngoái, vốn đã nói phải kết thúc vụ án. Thế nhưng có người già bảo: bây giờ vừa mới yên ổn mà [trước mắt] lại xử lý vấn đề kết án Triệu Tử Dương ngay, chẳng phải là sẽ đưa sóng gió tới à? Thế là lại kéo dài ra.

Về vấn đề của Bào Đồng, Triệu nói: đại để là Kiều Thạch đã tỏ thái độ, do Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giám sát cùng viết một báo cáo gửi Trung ương, thuyết minh không đủ điều kiện khởi tố. Thường vụ Trung ương đều đã phê duyệt báo cáo này, và không đề xuất ý kiến bất đồng. Sau đó báo cáo này được chuyển đến chỗ Đặng Tiểu Bình, nghe nói, đối với báo cáo này Đặng xem mà cũng không xem, chỉ nói: vì sao lại không kết tội vậy? Bào Đồng là một kẻ xấu mà! Và thế là xử Bào Đồng 7 năm tù.

Triệu Tử Dương lại nói: Về vấn đề “4-6”, tôi chỉ nêu phương pháp xử lý và ý kiến bất đồng mà còn trị tội tôi, thực hiện giam lỏng, hạn chế tự do của tôi, điều này tôi không hề nghĩ đến.

Đến đây, Triệu Tử Dương có chút căm giận, nói: đó là vi phạm hiến pháp, sự nhẫn nại của tôi chỉ có giới hạn, [sẽ] đến thời gian, nhất định tôi phải tố cáo những điều đó với xã hội.

Lương Bá Kỳ, phu nhân của ông, cũng một lần nói với tôi: không để cho làm Tổng Bí thư, thì không làm nữa! Ông nguyện nhường ghế, không nghĩ là như vậy lại trị tội người! Nhìn thần thái của Lương Bá Kỳ, tôi thấy rất thương cảm, lúc đó tôi chỉ có thể dùng ánh mắt đồng tình để biểu thị với bà thôi, chứ [tôi] còn có thể nói được điều gì!

Cái khiến tôi cảm thán là, quốc gia nhân trị, chính thể chuyên chế đều như vậy thôi. Luật pháp chỉ có hình thức, là làm ra vẻ; đối với Tổng Bí thư mà còn như thế, thì chẳng cần nói đối với nhân dân nói chung làm gì. Trên thực tế hoàn toàn là căn cứ vào đòi hỏi chính trị, đòi hỏi thống trị và quan hệ lợi ích của mình để định vấn đề, là lấy lời [nói] thay cho pháp luật. Không chỉ như thế, mà hơn nữa, dưới loại thể chế này, không khí chính trị của nó là điều mà Lý Thuỵ Hoàn đã chỉ ra trong một lần nói chuyện: “vẫn là ai nắm quyền thì mọi cái đều đúng.” Cũng có nghĩa là nói, mọi người đều tán tụng; “nhưng một khi mất quyền, thì chẳng cái gì đúng nữa”. Không chỉ như vậy mà tôi còn cho rằng, thậm chí đã trút hết sai lầm vào đầu những người đã mất quyền, không thể nêu một chữ về thành tích lịch sử của họ. Thậm chí còn có người còn tiến hành một cách giả vờ thành thật cái gọi là “vạch trần phê phán”; tất nhiên cũng chỉ là để lấy lòng lãnh đạo, để thể hiện mình mà mượn gió bẻ măng; còn người bị phê phán thì lại không có bất kỳ sự tự do biện bạch nào, làm đến mức ranh giới đúng sai không rõ, làm hỏng cả phong khí xã hội. Lại nữa, mặc dù công khai rêu rao không liên quan gì đến con cái và gia thuộc, nhưng trên thực tế sau sự kiện “4-6”, con rể Triệu Tử Dương đang công tác tại Bộ Tổng Tham mưu đã bị điều đi, hơn nữa, trước sau vẫn chưa phân công công tác mới. Theo tôi được biết, sự kiện này trước tiên do Trì Hạo Điền đề xuất, được Giang Trạch Dân phê chuẩn chấp hành. Một thân thích khác của Triệu công tác tại bệnh viện, ý định đề bạt người này đã bị gạt ra ngoài. Đó chẳng phải là điển hình của việc lấy người vạch ranh giới à, hoàn toàn là làm theo kiểu liên lụy phong kiến, lấy đâu ra văn minh hiện đại!

Triệu Tử Dương nói: Tôi còn một điều không hề nghĩ tới: đó là nhân dân cả nước đã dành cho tôi tín nhiệm và kỳ vọng lớn đến như vậy.

Tôi nói tiếp: Sau sự kiện “4-6” hình tượng và uy vọng của ông trong tim óc nhân dân cả nước không thấp đi mà lại cao hơn. Tiện đây nói mấy việc mà tôi đã tự mình trải qua:

Một là, một lần tôi đến một hiệu ảnh lấy tấm ảnh chụp chung với Triệu Tử Dương, khi người chủ hiệu nhìn thấy hình Triệu Tử Dương đã nói ngay: rửa ảnh Triệu Tử Dương, không lấy tiền, ông ấy là người tốt.

Một là, có một khách trung niên đến chơi, thấy ảnh Triệu Tử Dương ở chỗ tôi, đã lập tức tỏ ra xúc động, chảy nước mắt.

Một là, một lần tôi tới Hải Nam tham dự hội nghị hàng năm của Hội nghiên cứu Uỷ ban Cải cách Thể chế Quốc gia, có một thầy dạy khí công biết tôi quen Triệu Tử Dương, đã vội vàng đi tới trước mặt và nói với tôi: nhất định phải thay mặt ông ta hỏi thăm sức khoẻ Triệu Tử Dương, và nói ông vô cùng khâm phục Triệu Tử Dương. Sau khi hội nghị họp xong khi tôi ăn cơm tại phòng đợi tại sân bay, một Hoa kiều biết tôi quen Triệu Tử Dương đã mua ngay một làn quả xoài tặng tôi và nhờ tôi nói với Triệu Tử Dương, ông ta muốn mời Triệu đi Tây An tham quan chỉ đạo công ty do mình mở ở đó. Như thế là thân giá của tôi hình như cũng được nâng cao lên.

Một là, một xí nghiệp hương trấn ở Lai Dương, Sơn Đông, vừa gặp tôi đã nói: không có Triệu Tử Dương thì không có xí nghiệp hương trấn chúng tôi, nhất định nhờ tôi chuyển tới Triệu Tử Dương, ông ta muốn tới thăm Triệu Tử Dương. Giám đốc khách sạn Tứ Xuyên ở Bắc Kinh cũng nhờ tôi chuyển lời: Triệu Tử Dương làm cho Tứ Xuyên không ít việc tốt, ông ta sẽ làm những món ăn ngon nhất để thết đãi cả nhà Triệu Tử Dương. Nhưng ông hiện nay bị hạn chế, không tự do, không thể đến dự tiệc được. Mọi người đều biết, nhân dân Tứ Xuyên từ lâu đã lưu truyền câu “muốn ăn cơm, tìm Tử Dương”.

Lại nữa, một thân thích của tôi tên là Tôn Thư Linh ở Hồng Kông, nhìn thấy ảnh Triệu Tử Dương tại nhà tôi, khi biết tôi và Triệu Tử Dương có quan hệ thân thiết đã nhờ tôi dẫn tới thăm ông, nói rằng: cả nhà em đều tôn kính ngưỡng mộ Triệu Tử Dương, nhất là chồng em, dù là người nước ngoài nhưng đã từng học tập công tác tại Trung Quốc, hễ khi nào nói tới Triệu Tử Dương là anh ấy đều cúi người xuống tỏ ra vô cùng kính phục. Sau này tôi gửi tặng cô em đó một chai Long Tuyền tửu do Triệu Tử Dương tặng tôi. Cô em hứa sẽ giữ gìn cẩn thận và trưng bầy chai rượu ngay trong nhà. Sau đó không lâu, còn từ Hồng Kông gửi về một bài thơ:

Long tuyền ngọc dịch Triệu quân tặng.
Minh huynh tích ẩm tứ Thư Linh
Thức Hàn [1] niệm thiết tửu ý nồng.
Khất kiến dẫn giai hối Thư Linh.


Dịch nghĩa:

Ngọc dịch long tuyền Triệu quân tặng Anh Minh không uống cho Thư Linh Ngưỡng mộ người mới quen ý rượu nồng Xin gặp theo bậc thềm tới dạy Thư Linh

Tôi cũng đã từng nói chuyện với Đỗ Nhuận Sinh về một số việc mà tôi đã trải qua, Đó là lòng dân cả nước hướng về, là sự biểu đạt đối với chính nghĩa và chân lý.

Còn nhớ nhà triết học Vương Nhược Thủy đã từng nói với tôi: nếu như thực hiện nhân dân toàn quốc bầu cử trực tiếp, khẳng định là mọi ngưṾi sẽ chọn Triệu Tử Dương chứ không phải là Lý Bằng. Đại khái điều này là kết luận khách quan.

Tôi cho rằng bất kể từ nay trở đi Triệu Tử Dương ở vào địa vị nào, giam lỏng cũng vậy mà lại trở lại [làm việc] cũng vậy, thậm chí vào trại giam cũng thế thôi, hình tượng, ngọn cờ của ông trước sau vẫn tồn tại. Vì vậy tôi dẫn một đoạn bình luận trong cuốn sách Tấn năng bát động của tác giả Khai Nhan [2] : “Triệu Tử Dương không chỉ toàn lực thúc đẩy cải cách mở cửa về kinh tế mà về chính trị cũng đột phá lập trường cứng nhắc của Đặng Tiểu Bình, trở thành nhân vật đại biểu trong nội bộ Đảng Cộng sản thúc đẩy chính trị dân chủ.” “Về mặt kinh tế, Triệu Tử Dương là tiên phong của đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình, là đại biểu sắc bén nhất trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.” “Ở trong Đảng, Triệu Tử Dương cũng sáng tạo ra mô thức Triệu Tử Dương mới, thể hiện rõ giá trị của chân lý và lòng tin, thể hiện rõ giá trị cá tính.” Ông cho rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản “từ Bành Đức Hoài đến Lưu Thiếu Kỳ, từ Đặng Tiểu Bình đến Hồ Diệu Bang… những công việc mà mấy vị lãnh đạo đương thời đã làm đều được lịch sử chứng minh là chính xác”, dù luôn nhận “sai”, nhận “tội”. “Điều này đã giúp cho tệ nạn không phân biệt phải trái, chủ nghĩa mù quáng, cứ cấp trên là theo trong Đảng phát triển.” “Triệu Tử Dương đã thay đổi truyền thống sai lầm đó.” “Nhưng ông đã chịu rủi ro rất lớn”, “thậm chí khả năng chết vì tai nạn.”

Đúng là trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Triệu Tử Dương đã “phá lệ”! Cần có dũng khí phi phàm! Triệu Tử Dương cho rằng là chính xác thì kiên trì không dao động; cho rằng là chính nghĩa thì dũng cảm kiên trì, không sợ mất mũ cánh chuồn; vì chính nghĩa mà không cần “ghế báu”, cam chịu tù đầy chứ không sợ hãi! Theo tôi biết, bản thân Triệu Tử Dương đã có sự chuẩn bị ngồi tù, sau khi viết xong bài tự bào chữa tại hội nghị Trung ương lần thứ 4 và sau khi giao cho người ở bên mình xem xong, khi nói đến vấn đề liệu có vào trại giam hay không đều đã có sự chuẩn bị. Vì “giá trị của chân lý và lòng tin” nguyện hy sinh tất cả của mình!

Đúng như Hàn Sơn Bích [3] , Hồng Kông, viết bài bình luận Triệu Tử Dương, đã nói: “Trong ‘sự kiện 4-6’ Triệu Tử Dương mới được coi là đã thể hiện được phong độ của một nhà chính trị, khiến hình tượng ông càng cao lớn hơn, thiết lập một tấm gương cho đời sau, khiến người ta ca ngợi, khâm phục khí phách của ông. Đúng như câu thơ của Cao Thích đời Đường: “Tính linh xuất vạn tượng; phong cốt siêu thường thâu” [linh thiêng hơn mọi cảnh vật, phong cốt khác thường] Đó là một khắc họa Triệu Tử Dương rất thích hợp.

Xét từ những điều căn bản hơn, tôi cho rằng đó vẫn là sự phát huy lớn tinh thần, quan niệm mà suốt đời Triệu Tử Dương ôm ấp.


I. Bi kịch của Đặng Tiểu Bình

Triệu Tử Dương nói: nỗi lo buồn âm thầm nhất của Đặng là “4-6” đó là vấn đề hàng đầu ông ta phải suy tính. Việc sắp xếp ban lãnh đạo cũng xuất phát từ đây. Do cách nhìn của Dương Thượng Côn và Vạn Lý với ban lãnh đạo mới không nhất trí với bản thân Đặng Tiểu Bình, lo lắng sau này sẽ xẩy ra phản phúc, tiến tới sợ ảnh hưởng tới vấn đề “4-6”. Do đó quan hệ giữa Đặng và Dương Thượng Côn, Vạn Lý không thân. Nghe nói hai người không thể gặp được Đặng, về căn bản không nói gì được với Đặng. Đặng đã để cho hai người Dương, Vạn ra rìa. Nếu không thế thì sau khi Vạn Lý thôi giữ chức Uỷ viên trưởng [Ủy ban Thường vụ Quốc hội], việc đảm nhiệm Chủ tịch nước là điều hợp lẽ.

Triệu nói: xưa nay không bao giờ Đặng trực tiếp nhận điện thoại. Vương Thụy Lâm [4] thư ký của Đặng có tác dụng rất lớn trong cuộc sống cuối đời của ông ta. Quan hệ của Vương Thụy Lâm với Trì Hạo Điền [5] tốt, nhưng quan hệ với Dương Thượng Côn lại không thân. Để quân đội nghe theo chỉ huy của ban lãnh đạo mới chỉ có thể dùng Lưu Hoa Thanh và Trương Chấn. Còn việc có nắm chắc được tình hình hay không đã không tính toán tới.

Triệu Tử Dương nói: phương châm chỉ đạo của Đặng là, về kinh tế thì bất cứ cải cách gì cũng đều được cả, bất kể hình thức sở hữu nào cũng đều không quan trọng, nhưng quyền lãnh đạo của Đảng thì không thể buông. Có nghĩa là chỉ có thể đơn thuần cải cách kinh tế, địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản quyết không thể dao động, đó là định luật tuyệt đối của Đặng.

Tôi nói: điều đó [nghĩa] là Đảng Cộng sản nhất định muốn thực hiện chế độ tập quyền, không thể nào chia hưởng quyền lực. Về đại thể, Đặng Tiểu Bình đã tiếp thu bài học Liên Xô tan rã, cho rằng chính là vì Gorbachov đề xướng dân chủ hoá, công khai hoá, thực hiện cải cách chính trị nên mới dẫn đến làm tan rã chủ nghĩa xã hội Liên Xô. Vì thể phải thực hiện tập trung về chính trị. Đại khái Đặng Tiểu Bình còn rút kinh nghiệm bài học lịch sử Trung Quốc, cho rằng một nước lớn như Trung Quốc, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phát sinh “khoảng trống quyền lực”, như thế nhất định Trung Quốc sẽ xuất hiện nội loạn giống như cục diện quân phiệt hỗn chiến sau khi vua nhà Thanh thoái vị.

Tôi nói: Bây giờ không ít người cho rằng cải cách mở cửa và bốn nguyên tắc cơ bản của Đặng Tiểu Bình tự mâu thuẫn với nhau. Mọi người nói, tại bài nói trong hội nghị Bộ Chính trị mở rộng năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất rõ ràng: phản đối “tập quyền cao độ”, phản đối “cá nhân đứng trên tổ chức”, phản đối coi “tổ chức là công cụ của cá nhân”, phản đối “tác phong gia trưởng trong đội ngũ cách mạng” thế nhưng ông ta lại để cho Bạc Nhất Ba nhắn lời cho Trần Vân: “chỉ có thể có một mẹ chồng”. Cuối năm 1986, ông ta dùng danh nghĩa Chủ tịch Uỷ ban Cố vấn Trung ương và Chủ tịch Quân uỷ, đã chỉnh [đánh] đổ Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang; năm 1989 ông ta lại dùng danh nghĩa Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương đánh đổ Tổng Bí thư thứ hai và đưa người thừa kế thứ ba của mình và phong làm “hạt nhân”, thực hiện tập quyền cao độ. Như thế là ông ta đã tự thu lại những cái ông ta đã tự phản đối. Ông ta phản đối Mao Trạch Đông một người nói là xong, phản đối Mao Trạch Đông làm “thái thượng hoàng” nhưng lại đưa mình lên ngồi vào vị trí “thái thượng hoàng”, thực hiện “buông rèm nghe chính sự”. Đối với những ý kiến bất đồng của hai Tổng Bí thư, mà đó là những ý kiến chính xác cũng không dung thứ, mà bác bỏ hết. Loại hiện tượng như vậy trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều, không có gì lạ. Như Hồng Tú Toàn của Thái bình Thiên quốc, một mặt rêu rao: “thiên phụ”, “thiên huynh”, “thiên hạ một nhà”, mặt khác, các lãnh tụ của Thái bình Thiên quốc lại tranh quyền đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau; một mặt rêu rao: “bình đẳng”, “bình quân”, “thiên hạ đều là anh em”, một mặt lại xây dựng chế độ đặc quyền đẳng cấp nghiêm nhặt, cưỡi trên đầu nhân dân ra oai làm phúc, hình thành vương triều mới. Kết quả là lật đổ hoàng đế cá biệt rồi tự mình lại làm hoàng đế, cái gọi là “sáu đường luân hồi” lại trở lại điểm cũ. Bây giờ mọi người đều rõ đó là hình thái ý thức chuyên chế phong kiến mấy ngàn năm nay ở Trung Quốc rất thâm căn cố đế, nếu như không trải qua sự hun đúc đào tạo của giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản, không qua lễ rửa tội của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, ai ở vị trí đó cũng đều sẽ như vậy. Và tất nhiên là Đặng Tiểu Bình cũng không ngoại lệ. Đương nhiên nếu tư tưởng không cứng nhắc mà xuất phát từ thúc đẩy tiến bộ xã hội, thích ứng với trào lưu thời đại thì tình hình sẽ có khác. Mọi người công nhận Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương là nhân vật đại biểu của thế hệ sau.

Cuối cùng, Triệu Tử Dương nói: về cơ bản, Đặng đã bị “bốn nguyên tắc cơ bản” do mình chế định buộc chặt lấy mình mà không thể thoát ra, và đó là bi kịch của ông ta.

Cách nhìn của tôi, về căn bản mà nói là, Đặng Tiểu Bình nhận định tư tưởng chính trị quyền uy, chủ trương cá nhân nói là quyết định, tất nhiên gồm cả màu sắc hình thái ý thức chuyên chính cá nhân.

Theo Lý Nhuệ nói thì Đặng từng nói với Giang Trạch Dân: “Mao cho là Mao nói là xong, tôi cho là tôi nói là xong, bao giờ anh nói là xong thì tôi mới yên tâm.” Điều này đã thuyết minh đầy đủ hình thái ý thức của Đặng. Có loại hình thái ý thức đó thì không thể thực hiện được chính trị dân chủ. Cuối cùng tôi truyền đạt ý kiến của Đồng Đại Lâm [6] , ông ấy nói: từ nay trở đi, liệu không biết Triệu Tử Dương có thể hoạt động đối ngoại với thân phận cá nhân độc lập như các nhân vật quốc tế [Henry] Kissinger, bà [Margaret] Thatcher… để từ trên quốc tế ảnh hưởng vào trong nước không. Triệu Tử Dương nói: bọn họ không thể để tôi ra nước ngoài hoạt động, sợ mở rộng ảnh hưởng của tôi. Đồng thời hoạt động trên quốc tế, cũng chưa chắc cá nhân đã thích ứng. Triệu cho rằng từ nay trở đi mình có ba con dường có thể suy tính: Một là, viết hồi ký, đặc biệt là mười năm gần đây.
Hai là, làm một chút nghiên cứu, nhưng khó phát biểu trong nước, mà chỉ theo quan điểm trong nước thì chẳng có ý nghĩa gì. Muốn nghiên cứu ra được cái gì đó cũng không dễ, cũng rất tốn công sức. Ba là làm cả hai điểm đó, nhưng sợ rằng tinh lực không đủ, làm không nổi. Những cái đó đều đòi hỏi rất nhiều công sức. Có thể thấy, mặc dù thân tại “lao tù” lại vào lúc cuối đời Triệu Tử Dương vẫn muốn làm cái gì đó. Còn đối với nhà đương cục thì đúng như ông đã tự nói: “Chỉ xem thủy triều chứ không rỡn thủy triều.”

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Thơ Lý Bạch, ý chỉ ngưỡng mộ người mới quen.
[2]Khai Nhan, tác giả cuốn Tám tiềm năng - tình hình chính trị Trung Quốc trong mười năm tới, do Học viện Tân truyền bá Đài Bắc xuất bản năm 1996.
[3]Hàn Sơn Bích, bút danh của nhà văn Hàn Văn Phố, Hồng Kông, tác giả cuốn Truyện Đặng Tiểu Bình.
[4]Vương Thụy Lâm (1930 -) người Sơn Đông, từng làm Chủ nhiệm văn phòng Đặng Tiểu Bình, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thượng tướng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương.
[5]Trì Hạo Điền: người Sơn Đông, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.
[6]nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban cải cách thể chế quốc gia, nhà kinh tế.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219



=

Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Ngày 5 tháng 7 năm 1992

I. Lý luận cải cách và đặc sắc của cải cách Trung Quốc

Lần này tôi nêu vấn đề trước. Tôi nói: giới nhân sĩ lý luận mà tôi tiếp xúc cho rằng. cải cách của Trung Quốc không có lý luận, chỉ là mò đá qua sông, không biết cách nhìn của ông như thế nào? Đặc sắc của cải cách Trung Quốc là gì? Ông cũng thử nói xem sao?

Triệu nói: cái gọi là lý luận cải cách, là cách mạng ở các nước lạc hậu sau khi thắng lợi, không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội, những nước đã xây dựng chủ nghĩa xã hội là đã đi “quá bước”, tất phải lùi về. Đó là tiến hành cải cách đối với chế độ hiện có, làm cho nó thích ứng với trình độ sức sản xuất hiện có, mà cũng là làm điều kiện chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội, hoặc là nói chỉ có thể xây dựng giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội.

Triệu nói: cái gọi là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là phải dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thông qua phát triển chủ nghĩa tư bản để gia tăng thành phần xã hội chủ nghĩa, để phát triển kinh tế, phát triển sức sản xuất xã hội. Đó cũng là những bàn luận về chủ nghĩa dân chủ mới mà chủ tịch Mao đã trình bầy. Do chủ tịch Mao đã kết thúc quá sớm giai đoạn chủ nghĩa dân chủ mới, thực hiện chủ nghĩa xã hội một cách vượt giai đoạn, muốn nhanh nên không đạt, cũng làm loạn tư tưởng mọi người. Điều này về tư tưởng cần phải được xử lý lại cho tốt.

Cái gọi là vượt giai đoạn, là Triệu muốn chỉ trình độ công hữu hóa quá cao. Ông nói: mọi cách làm trước đây đều trói chặt người ta, công xã và các đơn vị đều quản tất cả mọi cái của cá nhân, cái gì cũng bao hết, sinh đẻ, già, ốm, chết cái gì cũng can thiệp, bao gồm cả đời sống gia đình cá nhân, đời sống cá nhân v.v..kết quả là càng quản càng nhiều, càng bao càng nặng, đường cũng càng đi, càng làm, càng không thông.

Triệu nói: Chủ tịch Mao vốn đã không vừa lòng với mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, nhất là việc Trung ương tập trung quyền lực quá nhiều, quản lý địa phương và doanh nghiệp quá chặt, quản quá nhiều, đè nén tính tích cực của địa phương và doanh nghiệp, phải tiến hành cải cách, thực hiện trao quyền xuống dưới. Nhưng trước đây do chỉ nói năng bàn bạc tới việc phân chia quyền lực, kết quả là rơi vào cái vòng kỳ quái: hễ buông ra là loạn, hễ loạn là lại thu hồi, hễ thu hồi là lại thoi thóp. Loại cải cách như vậy không ổn. Sau này Chủ tịch Mao phát động “Đại Cách mạng Văn hóa” triệt để đập nát cơ cấu quan liêu của cái nhà nước này; thực hiện công xã nhân dân, nhất thể hóa công, nông, binh, học, thương, vừa công lại vừa nông vừa văn lại vừa võ, cho rằng như vậy có thể khôi phục được “thể liên hợp người tự do” trên ý nghĩa vốn có của chủ nghĩa Marx, là con đường lớn đi tới chủ nghĩa cộng sản. Kết quả là lại rơi vào cái không tưởng của chủ nghĩa xã hội nông nghiệp.

Khi bàn đến đặc sắc của cải cách Trung Quốc, Triệu nói: đó là phát triển thành phần kinh tế phi quốc hữu ngoài thể chế, trước tiên làm “sống động” cái mảnh đó, đó là đặc sắc của cải cách Trung Quốc. Điều này khác với con đường Liên Xô, bọn họ chỉ quanh co trong thể chế, chuyển đi chuyển lại trước sau cũng không “sống động” lên được.

Triệu nói: thực hiện khoán đến hộ tại nông thôn, làm cho nông dân có quyền tự chủ kinh doanh, điều đó có nghĩa là làm sụp đổ thể chế công xã. Đồng thời cũng hình thành thị trường nông thôn rộng khắp. Phát triển xí nghiệp hương trấn ở nông thôn, sắp xếp cho thanh niên chờ công ăn việc làm ở thành phố, phát triển xí nghiệp tập thể cũng như xí nghiệp “ba loại vốn” và hộ cá thể đồng thời làm cho chúng đi đầu hình thành điểm sinh trưởng của thị trường, như vậy là đả phá cục diện “nhất thống thiên hạ” của doanh nghiệp quốc hữu. Ngoài ra thực hiện chế độ hai giá đối với các xí nghiệp lớn và vừa bên trong thể chế, tức là cho phép tiến vào thị trường ngoài kế hoạch, làm cho các xí nghiệp ngoài kế hoạch cũng có thể có được nguyên liệu vật liệu, nếu không bộ phận xí nghiệp này không thể phát triển lên được, còn các xí nghiệp trong thể chế cũng có thể thu được lợi nhuận ngoại ngạch, cộng thêm việc “buông quyền”, “nhường lợi” càng có thể gia tăng thu nhập, cũng có tính tích cực. Bàn đến đây, Triệu nhấn mạnh nói: có học giả kinh tế đề xuất: “quản chặt tiền tệ, mở cửa giá cả” chủ trương một bước làm xong ngay cải cách giá cả, đó là cách làm của những con mọt sách. Ai chẳng biết, trong tình hình xí nghiệp quốc hữu chiếm địa vị lũng đoạn, chính đông đảo nhân dân là người chịu hại.

Triệu nói tiếp: như vậy, bất kể là thành thị hay là nông thôn đều có thể hình thành thị trường, từ đó cũng thuận tiện cho việc đẩy xí nghiệp quốc hữu ra thị trường. Ông một mực thuyết minh với tôi, thị trường không phát dục được, không có cơ chế cạnh tranh thị trường thì không thể cải cách được xí nghiệp quốc doanh. Ông nói: nếu chỉ đơn thuần cải cách từ trong thể chế thì khó khăn và sức cản đều rất lớn. Cải cách của Liên Xô khó khăn là ở chỗ đó, bất kể là “liệu pháp sốc” [1] hay là “mò đá qua sông” [2] đều rất khó. Mà điều then chốt là phải xử lý tốt quan hệ chế độ sở hữu, làm rõ quan hệ sở hữu về tài sản, đó là điều căn bản nhất.

Tiếp đó tôi nói đến một số bàn luận trên xã hội. Tôi nói: cải cách hiện nay không đi sâu được, vấn đề là ở chỗ: hễ đề xuất phát triển kinh tế tư nhân là đã có người cho rằng đó là phục hồi chủ nghĩa tư bản; hễ đề xuất tới chế độ cổ phần là đã có người cho rằng đó là tư hữu hóa, là muốn thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa; hễ nhấn mạnh phải nhập khẩu vốn nước ngoài là đã có người cho rằng đó là đi con đường thực dân hóa. Như thế là trói chặt chân tay người ta.

Tôi dẫn chứng một đoạn bình luận của chuyên gia nước ngoài, cho rằng chính sách mà Trung Quốc đang thực hiện hiện nay là tự mâu thuẫn. Họ nói: một mặt Trung Quốc phản đối tự do hóa, tư hữu hóa; một mặt lại thực hiện tự do hóa, tư hữu hóa.

Tôi nói: trên thực tế chế độ công hữu hình thành trên chế độ sở hữu quốc gia, bất kể là ở Liên Xô, Đông Âu hoặc Trung Quốc đều xuất hiện chế độ sở hữu tầng lớp quan liêu, bọn họ dựa vào quyền phân phối quản lý vật [chất], tiến hành thống trị với người. Cái gọi là sở hữu toàn dân là “giả”. Còn chiếm hữu của tầng lớp quan liêu mới là “thật”. Nói đến đây, tôi dẫn một câu của Marx về lý luận chế độ sở hữu. Marx đã chỉ ra một cách đúng đắn: “chế độ sở hữu là chỉ toàn bộ sự chiếm hữu tư liệu sản xuất, nhưng bản chất của nó suy cho cùng là chiếm hữu lao động của con người.”. “Chiếm hữu cả người lao động và đất đai là chế độ nô lệ..., chiếm hữu đất đai và thông qua việc thuê mướn đất đai, chiếm hữu sức lao động là chế độ phong kiến..., chiếm hữu nhà xưởng và thông qua trao đổi chiếm hữu sức lao động là chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa...”

Tôi nói: nguyên lý này của Marx cũng thích hợp với chế độ công hữu dưới thể chế kinh tế kế hoạch. Lúc này, “chế độ công hữu” trên thực tế đã biến thành chế độ sở hữu của tầng lớp quan liêu, người lao động không chiếm hữu tư liệu sản xuất, giống như vậy, không thể không chịu nô dịch.

Triệu xen vào: liệu có thể không dẫn chứng những lời của Marx làm căn cứ không? Ông dẫn chứng như vậy, người khác cũng có thể dẫn chứng như vậy.

Tiếp đó tôi nói: tôi vô cùng tán thành quan điểm của Vương Ban [3] , giáo sư trường đảng, nhà kinh tế, ông này cho rằng cái gọi là cùng giầu có, tất phải có tài sản, có quyền chi phối tài sản; không thể chi phối tài sản thì không thể nói là cùng giầu có.

Triệu lại xen vào: Marx vốn không phản đối chiếm hữu cá nhân, chỉ phản đối lũng đoạn cá nhân.

Đối với điều này, tôi nói: tôi đã từng tìm đọc nguyên tác của Marx. Marx nói: đặc điểm của chủ nghĩa cộng sản không phải là loại bỏ chế độ sở hữu nói chung; mà là loại bỏ chế độ sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Có thể thấy, việc chấp hành của chúng ta trước đây là có sai lệch.




Ngày 24 tháng 12 năm 1992

II. Lưu động nhân tài có lợi cho việc thực hiện giá trị con người

Trước tiên, Triệu bàn từ chuyện “đi đánh lẻ”. Ông nói, trong xã hội cũ, khi thành lập đội kịch đi biểu diễn đều lấy danh nghĩa những diễn viên tài sắc hoặc diễn viên nổi tiếng để thành lập; những diễn viên khác đều chịu làm vai phụ, đội kịch sắp sếp thứ tự theo tài sắc, và mọi người không có ý kiến. Mọi người đều cho rằng không có diễn viên nổi tiếng thì kịch diễn không thành, đều chịu không có cơm ăn. Vì vậy, mỗi người đều chịu làm vai phụ, tiền lương nhiều ít cũng vui lòng chịu hạn chế, cũng không so sánh. Còn nếu cho rằng ở đó không thích hợp, không phát huy được tài năng của mình thì tự động “đi đánh lẻ” để đi đến nơi khác. Nhưng từ khi thành lập Trung Quốc mới, thể chế đã thay đổi, tất cả đều do người lãnh đạo hành chính sắp xếp, ai diễn vai gì, ai không diễn vai gì đều phải phục tùng sự phân phối. Diễn viên nổi tiếng cũng không được can thiệp, tác dụng của nhân tài khó phát huy hợp lý. Còn về tiền lương cũng phân phối bình quân theo cấp bực hành chính. Khi nâng lương, đề bạt, không đề bạt ai, ai cũng chẳng dám có ý kiến. Cũng giống như nhà nước cải cách tiền lương, nhân viên khoa học kỹ thuật đều tăng, tiền lương cán bộ cơ quan thấp cũng được nâng; còn nhà máy, xí nghiệp là tuyến đầu của sản xuất không nâng cũng không được. Như vậy hình thành việc luân lưu nâng lương, kết quả là mấy lần cải cách tiền lương đều thất bại.

Tôi nói: không chỉ cải cách tiền lương mà cải cách cơ cấu mấy lần cũng thất bại. Cải cách cơ cấu trở thành nơi danh nghĩa sắp xếp cán bộ, nâng cao cấp bậc, sắp xếp người thân kéo bè kết cánh. Kết quả là cơ cấu càng cải cách càng phù thũng, nhân viên càng giảm càng nhiều.

Triệu tiếp tục: cách làm tất cả đều áp dụng sự can thiệp hành chính và thủ đoạn hành chính để sắp xếp nhân viên như vậy, không thực hiện được giá trị của “nhân tài”. Hiện nay, đang tiến hành cải cách thể chế thực hiện nhân viên lưu động, người có tài từ chức “hạ hải” [đi kinh doanh, buôn bán] hoặc được mời đến các đơn vị khác. Xem ra bên ngoài đã có chút loạn, trên thực tế chỉ có như vậy giá trị của “nhân tài” mới được thực hiện. Điều này cũng giống như trước đây tiến hành cải cách hai loại thể chế, hai loại giá cả bề ngoài cũng loạn. Bây giờ xem ra, đúng là do phát triển trước các loại thành phần kinh tế ngoài thể chế, đồng thời trong thể chế thực hiện hai loại giá trong kế hoạch và ngoài kế hoạch đối với doanh nghiệp quốc doanh, khiến các thành phần kinh tế ngoài thể chế có được nguyên liệu mà có thể phát triển. Các doanh nghiệp quốc doanh cũng do được tự tiêu thụ sản phẩm ngoài kế hoạch mà có được thu nhập ngoài hạn ngạch, mới “sống động” được. Từ đó làm thị trường phát dục, khiến kinh tế phồn vinh lên.

Triệu còn nói: làm như vậy, đã hình thành cơ chế thị trường, đã có cạnh tranh; cộng thêm việc nhân viên lưu động là có thể phá bỏ được cách làm “đổi chỗ làm quan”, sắp xếp nhân viên theo lối hành chính; thực hiện cạnh tranh trong việc cử người giữ chức, từ đó thực hiện giá trị của “nhân tài”.

Theo hiểu biết của tôi, Triệu rất coi trọng nhân tài. Đó là một đặc sắc của cá nhân ông.


III. Chỗ thành công của cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc

Triệu nhấn mạnh: cải cách thể chế của Trung Quốc nếu như chỉ tiến hành cải cách trong thể chế thôi thì khó khăn và sức cản rất lớn, bất kể là dùng “liệu pháp sốc” hay “mò đá qua sông” đều rất khó. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp quốc doanh là một cục diện đại thống nhất, không có cạnh tranh, không có cơ chế thị trường là rất khó cải cách; mà doanh nghiệp quốc hữu bản thân lại là một doanh nghiệp [như là một] xã hội, phụ trách rất nặng, không có hiệu quả, rất khó tiến hành cải cách. Vì vậy lối ra là ở chỗ phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế, ra sức phát triển kinh tế hàng hoá, hình thành cơ chế kinh tế thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp quốc doanh hướng ra thị trường; kinh tế thị trường càng phát triển càng có lợi cho việc cải tạo doanh nghiệp quốc doanh. Từ đó thuyết minh, sự phát triển của các thành phần phi quốc hữu ngoài thể chế vừa có thể giải quyết được việc làm lại vừa gia tăng thu thuế, giải quyết khó khăn tài chính, đồng thời cũng làm kinh tế phồn vinh.

Triệu nói: tóm lại, không phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế hình thành cơ chế cạnh tranh thị trường thì không cải cách được doanh nghiệp quốc doanh. Đó là một trong những kinh nghiệm thành công của cải cách thể chế Trung Quốc. Tất nhiên cũng không thể vứt bỏ cải cách từng bước trong nội bộ doanh nghiệp quốc doanh như giao quyền xuống dưới, nhường lợi, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp v.v.. Trước đây đối với cải cách thể chế Trung Quốc, trước tiên từ phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế, thực hiện cách làm hai loại giá trong kế hoạch và ngoài kế hoạch là mình bị bắt buộc, nên thiếu sự tự giác lý tính. Bây giờ quay đầu nhìn lại thì lại đúng là chỗ thành công của cải cách thể chế Trung Quốc. Nếu như chỉ đơn thuần cải cách cải cách trong thể chế khẳng định là không thành công, mà còn làm chậm lại; mà càng chậm lại càng làm lòng người hốt hoảng, tất sẽ làm cho sản xuất giảm xuống, phát sinh lạm phát, kết quả là chỉ có thể xảy ra động loạn, cải cách cũng sẽ kết thúc bằng thất bại. Con đường cải cách của Gorbachov Liên Xô cũ chính là như vậy.

Khi tôi nói đến tiến hành cải cách trong nội bộ doanh nghiệp quốc doanh hiện nay đang áp dụng chế độ cổ phần, Triệu nói: vấn đề là ở chỗ áp dụng chế độ cổ phần tính chất gì. Nếu như là chế độ cổ phần có tính chất quốc hữu, cùng tham gia cổ phần với nhau tiến hành kinh doanh lại cộng thêm cơ chế thị trường chưa thể hình thành thì tình hình sẽ giống như tình trạng vốn có của doanh nghiệp quốc doanh không biết đi đến đâu; nếu như là bán cổ phiểu để hình thành cổ phần lại có thể phát sinh hiệu quả thấp, vần đề là người ta mua hay không mua cổ phần; như Yelsin của Nga áp dụng biện pháp phân phối cổ phiếu khiến quần chúng có được cổ phần nên mọi người thuờng cho rằng đó là của cải không ngờ mà có, nên về căn bản không quí, tiếc mà dễ tuỳ tiện tiêu đi. Tình hình hiện nay là doanh nghiệp quốc doanh một khi hợp doanh với nước ngoài là sống động. Đó là vấn đề gì vậy ? Đó chính là chính phủ không thể can thiệp vào doanh nghiệp nữa, doanh nghiệp cũng không thể lại như một xã hội nữa. Nhà nước chỉ quản lý chỉ tiêu tăng trưởng tiền lương của doanh nghiệp, chính phủ chỉ có thể quản lý thu thuế, còn tất cả những thứ khác đều do doanh nghiệp độc lập tự chủ kinh doanh. Như vậy cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp tự nhiên thay đổi.

Còn hơn thế nữa, khi Triệu cho rằng, doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp cá thể Trung Quốc cũng có thể dùng biện pháp này để kinh doanh chung vốn với doanh nghiệp quốc hữu. Triệu nói một cách rõ ràng: đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài được làm như vậy, tại sao lại không thể cho phép người Trung Quốc cũng làm như vậy? Đó là dùng biện pháp “ ghép cây” đối với doanh nghiệp quốc doanh, vẫn có thể xem là một con đường cho cải cách doanh nghiệp quốc doanh nước ta.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Liệu pháp sốc: những năm 90, nước Nga thi hành chiến lược cải cách kích tiến, lấy tự do hóa và tư hữu hóa làm chủ thể. Do Thủ tướng Gaida chủ trì.
[2]Mò đá qua sông: đầu những năm 80, Đặng Tiểu Bình đề xuất câu tục ngữ miền nam Trung Quốc để biểu đạt dòng suy nghĩ cải cách tiệm tiến.
[3]Vương Ban, nhà kinh tế, giáo sư cấp đặc biệt Trường đảng cộng sảnTW , Hội trưởng Hội nghiên cứu kinh tế thị trường Trung Quốc.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219

No comments: