Thursday, July 23, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG 1

Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch

Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch


Cuốn sách Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng của tác giả Tôn Phượng Minh đã được dịch giả Dương Danh Dy giới thiệu trên mạng 4 bài:
  1. Dương Danh Dy - Giới thiệu cuốn “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng”, talawas 28.5.2007
  2. Triệu Tử Dương - Đánh giá một số vấn đề xung quanh sự kiện Thiên An Môn (1989), talawas 19.7.2007
  3. Tôn Phượng Minh - Triệu Tử Dương đánh giá Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, talawas, 30.7.2007
  4. Triệu Tử Dương - Phát ngôn của tôi, Tạp chí Thời đại Mới số 11 tháng 7/2007
Từ kỳ này, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu 81 câu chuyện mà tác giả đã ghi chép. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sắp xếp kết hợp giữa lối biên niên (ghi theo ngày tháng) của tác giả và chủ đề với hi vọng giúp độc giả nắm vững hơn tư tưởng của một trí tuệ siêu việt: Triệu Tử Dương.
talawas
>
Ngày 9 tháng 10 năm 1991

I. Hai hiện tượng lạ lùng

Lần gặp này sau khi bắt tay, Triệu Tử Dương nói trước: trải qua những suy ngẫm trong thời gian này, tôi [Tôn Phượng Minh] phát hiện được hai hiện tượng lạ lùng, đó là chủ nghĩa Marx chưa khai hoa kết quả trong các nước xã hội chủ nghĩa, mà đã mọc rễ trong các nước tư bản chủ nghĩa. Ông nói, hiện nay tại các nước tư bản chủ nghĩa thành phần xã hội chủ nghĩa nhiều hơn là tại các quốc gia chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Nghe phán đoán đó của Triệu, tôi trình bày bản khảo sát do Hồ Tích Vỹ, nguyên Tổng Biên tập Nhân dân nhật báo, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ quốc hội viết sau khi thăm Mỹ trở về, nội dung: về mặt phúc lợi xã hội, sự quan tâm và phục vụ của nước Mỹ đối với người tàn tật người cao tuổi đều khiến người ta khâm phục. Các nơi công cộng như đường phố, cửa hàng, công viên, bến xe v.v.. đều có đường đi cho xe lăn, nhà nước đúng là đã bỏ tiền ra chi... chiếu cố người cao tuổi còn tốt hơn người tàn tật; tại các nơi công cộng, chỉ cần có thu phí là người cao tuổi tự nhiên được ưu đãi, chỉ cần giá vé thuyết minh là được thì không cần kiểm tra chứng minh thư nữa... Ở một số trung tâm người cao tuổi phường, quận còn được ăn bữa trưa hầu như miễn phí, Nhà văn Qua Dương [1] bẩy mươi sáu tuổi đã thường xuyên ăn trưa ở đây với giá 50 xu Mỹ một bữa. Bản khảo sát còn giới thiệu: trên một nửa người Mỹ theo đạo, chủ yếu là tín ngưỡng Cơ đốc giáo và Thiên chúa giáo... giáo hội ở đây, đề xướng mọi người tu dưỡng đạo đức phẩm hạnh, làm một người cao thượng văn minh, người bỏ ác làm thiện, người giúp nghèo cứu kẻ yếu, người vui vẻ làm điều thiện, hay bố thí, người nhiệt tình với sự nghiệp công ích và các loại sự nghiệp phúc lợi; giáo hội xây dựng ở khắp nơi các trạm phúc lợi, bệnh viện và các nơi hoạt động thể dục và vui chơi giải trí, rất được mọi người hoan nghênh; các trạm phúc lợi còn nhiệt tình giúp đỡ các trường trung, tiểu học, hướng dẫn mọi người quyên tặng trạm phúc lợi những quần áo, vật dư thừa; do nhận được những thứ đó trạm phúc lợi lại chuyên môn mở những cửa hàng giá rẻ, tiền bán được lại tặng cho các trường trung, tiểu học; trường học của giáo hội còn có những buổi diễn xuất dành riêng cho tài trợ lưu học sinh nước ngoài.

Tôi lại nói, ngay tại các nước do Đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan v.v.. cũng đều thực hiện các chính sách nói trên, nhất là một số biện pháp phúc lợi, khiến cuộc sống của người người đều được đầy đủ, cho rằng cuộc sống đã có “có xu thế như nhau”; mọi người đều cùng hưởng thụ hạnh phúc của văn minh hiện đại. Những người đã tham quan trở về nói: “thành phần xã hội chủ nghĩa của người ta ở nơi đó so với chúng ta nhiều hơn nhiều”.

Ở đây, sở dĩ tôi có những trình bầy như trên là muốn thuyết minh cho Triệu những quan sát trên là phù hợp sự thực. Đồng thời cũng có thể thuyết minh tính chính xác của nguyên lý chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội được sản sinh trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển cao độ. Mặt khác, tôi cho rằng sở dĩ chủ nghĩa xã hội hiện thực bị vấp váp, thất bại là vì đã làm trái qui luật phát triển của xã hội; trong điều kiện chưa phát triển đầy đủ sức sản xuất đã phát triển nhân tố xã hội chủ nghĩa.

Triệu nói tiếp: kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội hiện thực là thất bại, nhưng tư tưởng sáng ngời của Marx là không gì sánh được, cho đến nay nhiều vấn đề trong xã hội như phát triển, thay đổi vẫn tuân theo nguyên tắc mà ông đã ý tưởng. Còn chủ nghĩa xã hội thực tiễn của chúng ta trước đây vẫn là chủ nghĩa xã hội dị hình, không phù hợp với chủ nghĩa xã hội với ý nghĩa vốn có của Marx. Như mục tiêu mà Marx ý tưởng đối với chủ nghĩa xã hội là phải xây dựng một thể liên hiệp của những người tự do, chứ không phải là xây dựng một chính thể chuyên chế.. Trong cuốn Sự khốn cùng của triết học, Marx đã đề xuất: “Trong quá trình phát triển, giai cấp công nhân sẽ sáng tạo ra một thể liên hiệp xóa bỏ giai cấp và đối lập giai cấp thay thế xã hội tư bản cũ”. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đề xuất: “Thay thế xã hội cũ tư bản tồn tại giai cấp và đối lập giai cấp sẽ là một thể liên hiệp mà ở đó, phát triển tự do của mỗi một người là điều kiện phát triển tự do của mọi người.”

Triệu lại nói: như vấn đề thực hiện quốc hữu hóa đất đai, ban đầu Lenin không đồng ý; và cũng không đồng ý thực hành chuyên chính dân chủ hay là chính trị tập trung giữa thể chế chính trị và nguyên tắc tổ chức; trong thời kỳ Stalin, trong thực hiện tập thể hóa nông thôn đã có những bất đồng càng nghiêm trọng hơn, trước tiên Bukharin [2] chủ trương: phải thông qua biện pháp thị trường tiến hành tập thể hóa, phản đối Stalin thông qua biện pháp cưỡng bức, thực hiện biện pháp tước đoạt đối với nông dân. Stalin còn dùng biện pháp trục xuất phú nông đến các vùng dân tộc thiểu số để thực hiện tập thể hóa, đã phá hoại sức sản xuất cực lớn, kết quả làm chết rất nhiều người. Phàm (những ai) giữ ý kiến bất đồng, Stalin đều dùng tội danh “phần tử cơ hội hữu khuynh”, “phái phản đối”, “gián điệp”, “kẻ thù của nhân dân” để xử tử, giết người bừa bãi tạo thành án oan, án giả, án sai cho hàng ngàn hàng vạn người. Stalin áp dụng biện pháp sức ép cao để thực hành chủ nghĩa xã hội, bài học là nặng nề, cái giá phải trả là quá cao, mất hết lòng người. Vì vậy [Mikhail Sergeyevich] Gorbachov nói: thực hiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là “bài học đau khổ”, còn [Boris] Yeltsin thì cho rằng là “một tai họa”. Ở Trung Quốc cũng như thế, để tiến hành thực nghiệm lý tưởng xã hội chủ nghĩa nông nghiệp Chủ tịch Mao đã phát động “Nhảy vọt lớn”, thi hành nhân dân công xã, cũng chết một số người.

Tôi nói: do không đồng ý với công xã nhân dân, Bành Đức Hoài đã viết một bức thư chính xác, thực sự cầu thị cho Chủ tịch Mao, phản ánh một số tình hình thực tế nhưng lại gây ra họa lớn. Đã phê phán bức thư Bành Đức Hoài gửi cho cá nhân chủ tịch Mao là Thư ý kiến, tiếp đó lại nâng cấp lên là cương lĩnh có kế hoạch, có tổ chức, có mục đích tấn công vào đường lối chung của đảng. Sau đó lại “làm trái nguyên tắc thực sự cầu thị nhất tề thanh toán món nợ lịch sử mới cũ.” Nói, Bành Đức Hoài xưa nay đều chống chủ tịch Mao, ý đồ âm mưu cướp đảng. Như vậy lại đề lên thành chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội. Do Bành Đức Hoài đã đi thăm Liên Xô, Đông Âu, nên có người đã mượn cớ đó nói Bành Đức Hoài tư thông với nước ngoài, cuối cùng lại nâng lên là phối hợp từ xa với thế lực phản động quốc tế, làm đại hợp xướng.

Triệu xen vào: Sai lầm của Chủ tịch Mao, Chủ tịch Mao tự nói mới phải, người khác nói không được.

Triệu nói tiếp: cách mạng xã hội chủ nghĩa không ở các nước phát triển mà đều phát sinh tại các nước đang phát triển, chủ yếu là do mâu thuẫn xã hội tại các nước này tập trung mà lại đột xuất, bất kể các nước như Trung Quốc hay nước Nga đều như vậy thôi. Nhưng đảng cộng sản dũng cảm đứng ra, đại biểu cho ý chí của nhân dân, dựa vào tổ chức chặt chẽ cùng dũng khí phi phàm và chiến lược chiến thuật linh hoạt đã giành được cách mạng thắng lợi, cướp được chính quyền; cướp được chính quyền và củng cố chính quyền sau đó đều đòi hỏi áp dụng tập quyền và tập trung cao; nếu không, trong tình hình đấu tranh chính trị nghiêm nhặt đó vừa không thể giữ được chính quyền cũng không thể duy trì được chính quyền. Vì thế điều kiện tập quyền và tập trung cao độ đó, cũng là tất yếu của lịch sử.

Triệu lại nói: bất kể ở Liên Xô hay Trung Quốc, thời kỳ cầm quyền lâu dài trước đây đã thực hiện thống trị cực quyền khép kín còn ghê gớm hơn cả Quốc dân Đảng; có thể nói, nhân dân không có bất kỳ tự do nào. Trước đây do mâu thuẫn xã hội đột xuất, trong thời kỳ cách mạng nhân dân còn có thể chịu đựng, nhưng trong thời kỳ hòa bình, vẫn sử dụng chính sách sức ép cao nhân dân sẽ không tiếp thụ nữa, mà cũng không nên thế. Vấn đề là nhà nước xã hội chủ nghĩa định một mô thức (chỉ kinh tế kế hoạch, chế độ công hữu, thể chế chuyên chính), rồi cố định rất chặt, hơn nữa còn thành khu cấm. Còn nhà nước tư bản trước sau đều tự mình điều chỉnh trong cạnh tranh, không ngừng đổi mới phát triển, khiến nhà nước tư bản không những ngày một hiện đại hóa mà còn bao gồm nhiều thành phần xã hội chủ nghĩa, còn nhiều hơn so với quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Nhưng Triệu lại nói: trong các nước đang phát triển, do mâu thuẫn xã hội nhiều, không có sự tập trung nhất định, không có một môi trường ổn định, không có một quyền uy có sức mạnh để lãnh đạo thì khó có thể thi hành cải cách xã hội; ở một số nước này không nên thực hiện chế độ nhiều đảng, nếu không sẽ tạo thành hỗn loạn, cũng khó mà thi hành cải cách.

Triệu đưa ra ví dụ: như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông (đương nhiên Hồng Kông là do thống đốc Hồng Kông, đại biểu Nữ hoàng Anh thống trị) v.v… bắt đầu là dưới sự lãnh đạo của chế độ một đảng, sự phát triển kinh tế cũng có hiệu quả. Thực hiện chế độ một đảng, nhưng cần trao quyền lực cho dân, thực hiện tự do ngôn luận, lập hội, xuất bản, thực hiện giám sát đôn đốc, bảo đảm nhân quyền.

Triệu nói: nhân quyền và dân chủ là hai chuyện, Hồng Kông là thuộc địa, không thực hiện bầu cử dân chủ, nhưng cho nhân dân tự do, có thể phê bình chính phủ và bất kỳ người nào.

Triệu nói: chỉ có hình thành cái gọi là giai cấp trung lưu, có một loạt lớn nhà doanh nghiệp, có rất nhiều nhân viên kinh doanh quản lý, nhân viên công trình khoa học kỹ thuật và các loại chuyên gia, có như vậy mới có thể ổn định, mới có thể thực hiện chế độ nhiều đảng, nếu không, xã hội đối lập lưỡng cực sẽ không ổn định được.

Tôi nói: có một số nước đang phát triển như Nam Phi, chẳng phải là cũng thực hiện chế độ nhiều đảng mà kinh tế cũng phát triển ư?

Triệu nói: các giai cấp tại các nước phát triển trải qua nhiều lần vật lộn chiến đấu với nhau, đấu tranh đến mức mày sống tao chết. Thế nhưng để không cùng chết sau khi đã trải qua một giai đoạn đau khổ, các bên bắt đầu thỏa hiệp, mới thực hiện chế độ nhiều đảng.

Triệu nói: sau Cách mạng tháng Mười, Liên Xô hình thành mô thức Stalin vẫn là phục hồi phương thức châu Á phương Đông [3] . (Tôi cho rằng đây là một tổng kết bản chất của ông đối với thực tiễn hơn nửa thế kỷ nay của chủ nghĩa xã hội Liên Xô cũ)

Triệu nói: đế quốc Liên Xô rất khó tránh khỏi tan rã, giống như sự tan rã của đế quốc Áo-Hung sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và sự tan rã của các nước thuộc địa các nước đế quốc sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ba nước vùng biển Baltic (Lithuania, Estonia, Latvia) vốn bị Liên Xô thôn tính căn cứ vào một hiệp định bí mật giữa Liên Xô và nước Đức Hitler, chính quyền nhiều nước Đông Âu cũng là do Liên Xô xuất quân áp đặt. Thế nhưng dân tộc Nga vẫn là một dân tộc có thành tích.


II. Hai mặt của một vấn đề

Triệu nói: thị trường và chế độ sở hữu là hai mặt của một vấn đề, chỉ làm thị trường, không được, còn phải giải quyết quan hệ chế độ sở hữu. Không thay đối chế độ sở hữu, thị trường khó hình thành cạnh tranh. Sở dĩ kinh tế quốc doanh của các nước phương Tây có thể làm tốt là vì có sự đối lập giữa cạnh tranh thị trường và kinh tế tư nhân, có nghĩa là nói có cơ chế động lực đấu tranh sinh tồn đối mặt với thị trường, đối mặt với kinh tế tư nhân. Kinh tế quốc doanh Trung Quốc không giống như vậy, chỉ có thể chịu lãi chứ không thể chịu lỗ; vì vậy không làm cuộc mổ xẻ lớn với doanh nghiệp quốc doanh không được.

Triệu nói: lâu nay kiên trì tiêu chí xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu hơn nữa còn trở thành khu cấm không thể nghi ngờ. Không đột phá khuôn khổ đó, cải cách không có đường ra. Mà ngay làm chế độ cổ phần lấy chế độ công hữu làm chủ thể, giống như vậy cũng không được; vì điều đó không có khác biệt gì lớn với chế độ công hữu, nếu thực hiện chế độ cổ phần thì cũng phải có ít nhất một phần ba là kinh tế tư nhân mới được. Ngoài số ít doanh nghiệp cơ sở, sự nghiệp công ra, đều nên để dân quản.

Triệu nói: chỉ có thay đổi chế độ quốc hữu, chính phủ mới có thể không can thiệp xí nghiệp, mới có thể tách rời chính quyền và doanh nghiệp, mới có thể tránh được giao dịch quyền tiền, mới có thể giải quyết vấn đề hủ bại; đồng thời chỉ có làm như thế mới có thể hình thành cơ chế cạnh tranh thị trường công bằng, doanh nghiệp mới trở thành chủ thể của thị trường. Vì thế thay đổi chế độ sở hữu là căn bản. Chế độ sở hữu chưa thay đổi, trong tình hình doanh nghiệp quốc doanh còn ở vào địa vị lũng đoạn, nếu hoàn toàn mở cửa giá cả thì chỉ tổn hại người tiêu dùng hơn nữa còn nguy hiểm. Hiện nay không đi sâu cải cách được, độ khó của cải cách, đều ở vấn đề chế độ sở hữu.

Đến đó Triệu cảm khái nói: về tư tưởng bản thân tôi còn mấy vấn đề chưa giải quyết:

Một là, vừa muốn cải cách, lại muốn duy trì khu cấm, khó thay!

Một là, vừa muốn nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy tính tích cực, lại vừa muốn duy trì công ăn việc làm ổn định, khó thay!

Một là, dưới sự khống chế của “chính trị những ông già”, muốn tôn trọng người già, lại muốn thay đổi mô thức tư duy chính trị cũ của những ông già, khó thay!

Triệu lại nói: không thay đổi sự can thiệp, khống chế của đảng, tiến hành cải cách quả là khó. Nhưng nếu không có lực ngưng tụ cũng khó.

Triệu nói: Ở Trung Quốc, tôi đề xuất “cải tạo” công tác chính trị tư tưởng, đều nói không được, dẫn tới Bí thư các tỉnh phản đối, sức cản rất lớn, chỉ có thể nêu “tăng cường cải thiện sự lãnh đạo của đảng”. Tại Liên Xô, Gorbachov áp dụng biện pháp đảng ra rìa, thành lập một Ủy ban dưới Tổng thống và áp dụng biện pháp bầu cử trực tiếp lãnh đạo cải cách.

Triệu nói: cải cách ở Liên Xô, một cái là [Nikita] Khrushchev đột phá sùng bái cá nhân Stalin; một cái là Yeltsin đột phá chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Yeltsin là một nhân vật, nhưng cũng có hai loại khả năng tính.

Triệu cho rằng cải cách có những rủi ro nhất định. Gorbachev chỉ làm cân bằng, không dám chịu trách nhiệm, như thế cũng không được.

Tôi hiểu là ở đây Triệu đề xuất Yeltsin có hai tiền đề, một là cải cách thành công, hai là thế lực bảo thủ Liên Xô lớn, có khả năng phục hồi, từ dó dẫn tới cải cách thất bại. Tôi cho rằng: ở đây, Triệu đề xuất “cải tạo” công tác tư tưởng, ý nghĩa của nó rất trọng đại. Nếu như nói chỉnh phong Diên An năm 1942, chủ tịch Mao đề xuất: cải tạo việc học tập của chúng ta là nhằm vào đường lối tả khuynh do Vương Minh là đại biểu, lấy bối cảnh là chủ nghĩa giáo điều quốc tế cộng sản do Stalin là đại biểu; thế thì, lần này Triệu đề xuất phải “cải tạo” công tác chính trị tư tưởng là nhằm vào mô hình xã hội chủ nghĩa Liên Xô; đó là muốn thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa thì phải đổi mới chế độ lãnh đạo của đảng. Điều này có thể thuyết minh trong nội dung cuốn sách Triệu Tử Dương và cải cách chính trị của Ngô Quốc Quang [4] . Trong bài viết Gorbachev nhớ lại lần gặp Triệu có nói, Triệu đã từng hỏi ông ta: “chính thể một đảng liệu có thể thực hiện thông suốt không? (tức chế độ một đảng liệu có thể bảo đảm phát huy dân chủ hay không? Dưới điều kiện chế độ một đảng liệu có thể tiến hành giám sát đôn đốc có hiệu quả mặt trái không? Liệu có thể tiến hành đấu tranh với hiện tượng lừa đảo mưu lợi trong cơ quan đảng, chính?) Đoạn nói này cũng có thể thuyết minh Triệu đã có tư tưởng nhìn trước, muốn tiến hành cải cách chính trị.

Tiếp đó Triệu lại bàn đến hiện nay kinh tế thế giới đang hướng tới nhất thể hóa, sự phát triển của công ty siêu quốc gia, sẽ làm cho quan niệm của người ta đối với khái niệm chủ quyền quốc gia, thậm chí quan niệm dân tộc phát sinh thay đổi.

Ngay khi đó, tôi đã nói tới mấy cách nhìn hình thành qua mấy năm tự mình quan sát suy nghĩ: bất kể là chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ, chỉ cần gia tăng của cải cho xã hội loài người thì là chủ nghĩa tốt; bất kể chế độ này chế độ kia, chỉ cần có thể phát triển sức sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân thì là chế độ tốt; bất kể loại hình thái ý thức này hay hình thái ý thức nọ, chỉ cần thúc đẩy xã hội loài người tiến bộ thì là hình thái ý thức có giá trị. Sẽ có thể thoát khỏi sự trói buộc của hình thái ý thức cũ.

Triệu hỏi tôi: quan niệm của anh đã thay đổi như thế nào?

Tôi nói: ngày hôm nay khi toàn cầu thị trường hóa, kinh tế thế giới nhất thể hóa, đặc biệt là đi tới thông tin hóa, đã là thị trường trong nước quốc tế hóa, thị trường quốc tế quốc nội hóa; đã là trong anh có tôi, trong tôi có anh, chặt chẽ không thể tách rời; đang ở trong thời kỳ cách mạng kinh tế mới; tự do, dân chủ, khoa học, pháp trị đã thành qui luật phổ biến của nhân loại tiến bộ; sự phát triển của xã hội loài người đã vượt qua giới hạn của dân tộc và địa vực quốc gia; nhất là với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân, sự phá hỏng môi trường sinh thái, lợi ích của nhân loại đã được nâng lên vị trí thứ nhất, đòi hỏi phải có ý thức toàn cầu, không thể còn cuộc đấu tranh hình thái ý thức “mày sống tao chết” nữa.

Triệu lại hỏi tôi: cái quan niệm mới này của anh đã lại thay đổi như thế nào đấy?

Tôi nói: hiện nay các vùng, các dân tộc trên thế giới dưới sự thúc đẩy của lực lượng thị trường đã đi vào thời kỳ kết nối lớn, kỷ nguyên mới của xã hội loài người sẽ đến, không còn do chủ nghĩa nào đó làm mục tiêu cuối cùng, bởi vì xã hội loài người cuối cùng đang vận động, phát triển tiến lên cũng giống như các sự vật khác là không có chỗ tận cùng, tất cả đều đang thay đổi, làm gì có mục đích cuối cùng? Bất kể là chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội đều đang tự mình vứt bỏ, và phát triển thay đổi, trước đây chính là đã thiết kế một mục đích cuối cùng, lại nâng lên thành hình thái ý thức và tiến hành cuộc đấu tranh “mày sống tao chết” không từ thủ đoạn, nên mới dẫn tới nhiều lần tai họa lớn cho xã hội loài người trong thế kỷ XX.

Tôi nói: trước đây có khả năng tôi là một người lý tưởng chủ nghĩa, từ tuổi thiếu niên đã theo đuổi xây dựng một xã hội mới lý tưởng, cũng vì lý tưởng đó mà có nhân sinh quan suốt đời phấn đấu, cho dù có hy sinh cũng không tiếc; thế nhưng xã hội hiện thực làm cho tôi bất mãn với hiện trạng, tôi bắt đầu suy ngẫm lại, nhất là đàn áp phong trào dân chủ yêu nước của học sinh trong sự kiện “4-6” [5] , quân đội nhân dân đàn áp nhân dân khiến tôi cảm thấy không thể suy nghĩ gì nữa. Đại khái có thể là do tôi cũng xuất thân từ tham gia phong trào dân chủ yêu nước học sinh, cuộc đàn áp “4-6” làm tôi nản lòng thoái chí, đối với lý tưởng đã tan tành như ảo mộng; cộng thêm ảnh hưởng cuả trào lưu thế giới mới và sự xuất hiện của trào lưu tư tưởng mới, lại làm cho tầm mắt của tôi mở rộng, cho rằng bây giờ nên cứu toàn nhân loại, sự sinh tồn của loài người là thứ nhất, nhất là tôi hiểu được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại có hiện tượng “hướng về đồng thuận” với chủ nghĩa xã hội, có thể có nhiều con đường đi tới hiện đại hóa, thực hiện văn minh hiện đại. Vì thế tôi cần nhẩy ra khỏi sự trói buộc của hình thái ý thức cũ.

Cuối cùng tôi kiến nghị với Triệu: hy vọng ông có thể nghiên cứu một số vấn đề, do từng trải của cuộc đời ông là phong phú, cần ghi chép lại những tư liệu quí báu đó.

Đối với việc này, ông trả lời: tâm tình tôi tiêu cực, mục tiêu lý tưởng phấn đấu suốt đời cũng không muốn thay đổi, những vấn đề lịch sử này, thế hệ sau sẽ có người thanh lý, bởi vì có nhiều người có chí vì việc này.

Triệu lại nói: hiện nay tôi vừa không thể xem hồ sơ mà ngay đến những bài nói trước đây của tôi, những tài liệu công khai hay không công khai, muốn lấy về tham khảo một chút đều không cho, lại không thể hẹn người đến thảo luận, khêu gợi lẫn nhau. Rất nhiều cách nhìn mới, quan điểm mới được xuất hiện trong những khêu gợi lẫn nhau, tranh luận với nhau, vì vậy không dễ nghiên cứu.

Tôi nói: đó đúng là vấn đề thực tế.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Qua Dương (1916- ), nữ, từng là chủ biên tạp chí Tân quan sát, năm 1989 lưu vong sang Mỹ.
[2]Nikolaj Ivanovich Bukharin (1888 - 1938), nhà hoạt động chính trị Liên Xô. Vào Đảng Bônsêvich từ 1906. Lênin đánh giá Bukharin là một trong những nhà lí luận xuất sắc nhất của Đảng. Có nhiều ý kiến sâu sắc, đúng đắn trong việc thực hiện chính sách kinh tế mới của Lenin trong nông nghiệp và đối với nông dân. Bị xử tử năm 1938.
[3]thống trị chuyên chế phong kiến (ND)
[4]Ngô Quốc Quang (1957- ), năm 1986 là nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu Cải cách Chính trị TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến sĩ trường Đại học Princeton... Tháng 7 năm 1997 xuất bản cuốn Triệu Tử Dương và cải cách chính trị.
[5]Sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219


=

Ngày 12 tháng 1 năm 1992

I. Thăm dò thảo luận chỉ tiêu mới của tiến bộ xã hội

Hôm nay sau khi gặp nhau nói mấy câu chuyện phiếm, Triệu nói trước: chỉ tiêu của tiến bộ xã hội từ nay trở đi liệu có thể lấy môi trường sinh thái, tức chất lượng sống, trình độ văn hóa, tức tố chất của con người, trình độ sống, tức trình độ giàu có cũng như sự chênh lệch giữa lao động trí óc và lao động chân tay, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, thu nhập trung bình theo đầu người, công bằng xã hội v.v.. làm chỉ tiêu, không lấy chế độ xã hội như xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa làm ranh giới chỉ tiêu tiến bộ hay không. Loại hình xã hội liệu có thể phân chia làm xã hội phát triển, xã hội kém phát triển và xã hội đang phát triển, hoặc là xã hội hậu công nghiệp, xã hội công nghiệp và xã hội công nghiệp kém. Từ nay trở đi liệu có thể lấy trình độ sức sản xuất để phân chia các loại hình quốc gia, tức nước có sức sản xuất phát triển cao, nước phát triển trung bình và nước phát triển thấp.

Suy ngẫm này của ông rất phù hợp với quan điểm của tôi, liệu đó có phải cũng là tư tưởng đi tới “thế giới đại đồng” của Khổng Tử; tư tưởng giải phóng toàn nhân loại của Marx; tư tưởng “thiên hạ vi công”mà Tôn Trung Sơn đề xướng, một số cách nghĩ nào đó trong “cuốn sách đại đồng” của Khang Hữu Vi, đã được truyền từ đời này sang đời khác hay không? Tôi cho rằng là như vậy.

Vì thế tôi nói: tôi vô cùng tán thành, vô cùng khâm phục cách nêu đó của ông.

Triệu nói tiếp: sự phát triển của xã hội hiện đại, càng là ở các nước tư bản phát triển thì ảnh hưởng của đảng cộng sản càng nhỏ, nhân dân các nước này càng không muốn vùng dậy làm cách mạng lật đổ chế độ xã hội đó. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại thay đổi rất lớn, trong mươi năm từ nay về sau, thay đổi sẽ càng lớn, rốt cuộc chủ nghĩa tư bản tương lai sẽ như thế nào, đúng là nhìn chưa rõ. Cách nhìn của ông là ”nghiên cứu theo không kịp sự thay đổi nhanh”.

Tôi nói: Sự phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hiện đại đã làm cho hình thức thực hiện chế độ tư hữu của chủ nghĩa tư bản phát sinh thay đổi, do sự xuất hiện của chế độ cổ phần, “tư bản tư nhân” đã biến thành hình thái “tư bản xã hội”, người sở hữu cổ phần đã không chỉ là cá nhân mà chủ yếu là các công ty lớn và các loại tổ chức quỹ, tức đã biến thành quản lý xã hội rồi. Các nước tư bản phát triển thực hiện lần phân phối thứ hai và nhà nước can thiệp, qui định tiền lương tối thiểu cho công nhân đồng thời thực hiện các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, y tế và dưỡng lão v.v.. hết sức thỏa mãn lợi ích vật chất của công nhân; thực hiện giáo dục không phải trả tiền đối với nhi đồng trong tuổi đi học, và cũng chiếu cố những gia đình đông con cũng như người cao tuổi. Đúng là nhân dân ở những nước đó đã bị những hiện pháp phúc lợi này chinh phục, đời sống tương đối được thỏa mãn, bọn họ cho rằng cuộc sống của người ta “có xu thế đồng thuận”, đều đang được hưởng những cái tốt của văn minh hiện đại, hạnh phúc xã hội và phồn vinh công nghiệp; nhân dân ở đó cho rằng lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân là nhất trí, đã hình thành “thể cộng đồng”, đều muốn phụ thuộc vào xã hội có cơ chế này, vui lòng bảo vệ và ủng hộ chế độ xã hội này. Có người nói, công nhân đã bị “đồng hóa” rồi; xem ra hiệu triệu làm cách mạng, đập nát bộ máy quốc gia này là khó khăn.

Tôi lại nói: cơ cấu giai cấp tại các nước tư bản phát triển cũng đã thay đổi, do thực hiện phát triển với “luật chống lũng đoạn”, “luật cạnh tranh công bằng”, nâng đỡ xí nghiệp nhỏ và vừa” đặc biệt là tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng người máy, sự xuất hiện của máy tính điện tử, thời đại thông tin đã tới, nhất là sự phát triển của ngành dịch vụ đã khiến cho tầng lớp tri thức, tầng lớp kinh doanh, những nhân viên có tính dịch vụ phát triển rất mạnh, mở rộng rất lớn, tạo thành tầng lớp trung gian hùng mạnh, trở thành trung kiên của xã hội; còn nhân số của đội ngũ nhà tư bản và người vô sản đã giảm nhỏ một cách tương đối; cái gọi là công nhân cổ trắng đang gia tăng, công nhân cổ xanh đang không ngừng giảm nhỏ; đó là những hiện tượng phổ biến ở những quốc gia tư bản chủ nghĩa này.

Triệu xen vào: những thay đổi này của chủ nghĩa tư bản, cả Marx và Lenin đều không dự kiến tới, cũng như vậy, Marx không dự kiến tới sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng có thể đi tới văn minh hiện đại, ông chỉ ý tưởng con đường lật đổ chủ nghĩa tư bản xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến vào văn minh hiện đại.

Triệu lại nói: thế nhưng chúng ta không được oán trách quá nhiều tiền nhân. Một người dù vĩ đại đến đâu cũng vẫn bị thời đại mình đang sống hạn chế. Quan điểm của Marx, đúng là có thành phần không tưởng, như thủ tiêu tiền tệ, không còn hàng hóa, như vậy thì làm thế nào để thúc đẩy tiến bộ xã hội? Còn sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đương đại đúng là không giống với sự phân tích của Lenin đối với chủ nghĩa tư bản giai đoạn, chủ nghĩa đế quốc. Cho dù người đương thời cũng có cách nhìn bất đồng đối với phân tích của Lenin. Nhưng Triệu cho rằng phân tích của Marx về tính dã man của tích lũy nguyên thủy tư bản vẫn còn chính xác. Ông nhấn mạnh nói, nếu Trung Quốc thực hiện tư hữu hóa, cũng tất nhiên xuất hiện tích lũy nguyên thủy, điều này nhân dân rất khó tiếp nhận.

Khi bàn đến chế độ xã hội chủ nghĩa, Triệu nói: lý tưởng xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp, nhưng chủ nghĩa xã hội hiện thực lại không thành công; chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực đã đi tới mặt trái mà không có ngoại lệ, đều không “giải phóng người” mà là thống trị nhân dân, là chủ nghĩa xã hội làm trái với ý nghĩa vốn có của chủ nghĩa Marx. Rốt cuộc lý tưởng xã hội chủ nghĩa thông qua con đường nào để thực hiện, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Triệu cho rằng: lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta không phải là cùng một câu chuyện, với con đường xã hội chủ nghĩa cũng vậy.

Tôi nói: căn cứ vào sự khu phân này, tôi cho rằng lý tưởng xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp, nhưng con đường thực hiện chủ nghĩa xã hội trước đây là sai lầm, còn mô hình, chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực lại thất bại.

Khi bàn đến cải cách thể chế xã hội chủ nghĩa, Triệu nói: trên vấn đề cải cách, con đường đi của Liên Xô và Trung Quốc không giống nhau (chỉ Trung Quốc bắt đầu từ ngoài thể chế, Liên Xô bắt đầu từ trong thể chế).

Triệu nói: về cải cách xã hội chủ nghĩa vừa không thể trở về thể chế vốn có, lại cũng không thể là chủ nghĩa tư bản, từ nay trở đi có thể là loại hình xã hội “hậu chủ nghĩa xã hội” tức “kinh tế hỗn hợp”. Thế nhưng mô hình thì nhiều kiểu nhiều dạng, như các nước tư bản hiện nay mỗi nước có sắc thái riêng của mình, mỗi nước có hình thức phát triển không giống nhau của mình, có đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ cầm quyền, có đảng phái khác cầm quyền hoặc liên hiệp cầm quyền. Như Liên Xô lần này, nếu loại bỏ Yelsin thành công, đảng cộng sản lại cầm quyền, nhưng không có khả năng đảng cộng sản vẫn cầm quyền theo mô hình cũ; đồng thời cũng không có khả năng xây dựng lại đảng cộng sản Liên Xô thống nhất.

Khi bàn đến nguyên nhân Liên Xô tan rã, Triệu nói: sở dĩ Liên Xô bị tan rã chủ yếu là vì chủ nghĩa chia rẽ dân tộc, đó là điều Gorbachev không dự đoán được trước. Những tâm tình chủ nghĩa dân tộc này lợi dụng “tính công khai”, “tính dân chủ” ngóc đầu dậy; còn Gorbachev lại không áp dụng việc thừa nhận ba nước vùng biển Baltic trước, lại ép các nước cộng hòa khác không cho phép độc lập. Vừa muốn phải làm thống nhất, tức dùng thái độ điều hòa xây dựng “liên minh quốc gia có chủ quyền”, điều này là không thể và cũng không làm được.

Triệu nhấn mạnh nói: SNG hiện nay tốt hơn so với quốc gia có chủ quyền, đối với sự tan rã của Liên Xô, cuốn sách “Bàn cờ lớn” của Z. Brzezinski [1] đã dự kiến từ sớm, đã có trình bầy. Nhưng Gorbachev lại muốn giải quyết một cách thành công chế độ khống chế của đảng, cái gọi là vấn đề cơ chế chướng ngại, ông ta áp dụng biện pháp để đảng ra rìa, tức dưới Tổng thống thiết lập một Ủy ban trực tiếp lãnh đạo cải cách và bầu cử. Thế nhưng ông ta đã không giải quyết tốt một loạt biện pháp khống chế, kết quả dẫn tới hỗn loạn. Nhưng Liên Xô chưa phát sinh nội chiến, mặc dù mở cửa giá cả, giá cả tăng vọt dẫn tới bất mãn, cũng không phát sinh động loạn lớn, điều này thuyết minh tố chất của nhân dân Liên Xô là tốt.

Triệu cho rằng: từ nay trở về sau, Nga vẫn là nước lớn siêu cấp, một là tài nguyên phong phú, địa vực rộng lớn; hai là đã vứt bỏ được gánh nặng hình thái ý thức và chạy đua vũ trang; ba là tố chất nhân dân cao, có tinh thần dân tộc, cái gọi là “nước Nga là vô địch” là tự hào dân tộc. Nhưng Nga còn có dư chấn, tranh chấp dân tộc, mâu thuẫn nội bộ sẽ vẫn còn tiếp tục phát sinh.


II. Tác dụng đặc biệt của Đặng Tiểu Bình

Triệu nói: cải cách Trung Quốc, do tồn tại tác dụng đặc biệt của Đặng Tiểu Bình nên đã khiến vừa kiên trì được sự khống chế của đảng, tức cái gọi là không cho phép sự lãnh đạo của đảng được dao động; lại vừa kiên trì cải cách mở cửa, từ đó đã làm cho cải cách mở cửa đi được tới vị trí hiện nay. Thế nhưng ở Trung Quốc sức cản của cải cách vô cùng lớn. Tôi chỉ đề xuất phải cải tạo công tác chính trị tư tưởng, là dư luận trong đảng đã huyên náo lớn, mếch lòng nhiều Bí thư tỉnh và doanh nghiệp, những người được lợi ích. Nếu như tiên sinh Đặng “ tạ thế”, hoàn toàn có khả năng một số ông già còn lại sẽ tiến hành lật lại cải cách. Thế nhưng bọn họ không dùng danh nghĩa chống cải cách, mà là dùng “chống diễn biến hòa bình”, mượn dùng danh nghĩa chống hủ bại; đề xuất “hủ bại là do cải cách tạo ra” để đả kích phái cải cách.

Tôi nói: hình thái ý thức chính thống cũ là thâm căn cố đế, trói buộc tư tưởng người ta; thể chế cũ đang khống chế chặt chẽ đời sống, hành vi của con người; mấy lần phong trào chính trị đã chỉnh người ta đến nỗi không dám vượt qua một phạm vi nào đó, lòng vẫn còn nơm nớp lo sợ; nếu không có quyền uy của Đặng Tiểu Bình, thì cải cách mở cửa của Trung Quốc khó mà tưởng tượng được. Tôi lại nói: đường lối này của Đặng Tiểu Bình có ý nghĩa cột mốc trên lịch sử Trung Quốc. Nếu như nói đường lối của Chủ tịch Mao làm cho cách mạng giành được thắng lợi, xây dựng nên Trung Quốc mới, nhưng chưa giải quyết được vấn đề nghèo nàn; thì đường lối này của Đặng Tiểu Bình đã làm cho nhân dân Trung Quốc đi tới giầu có, có hy vọng. Tất nhiên chính sách cải cách mở cửa của ông ta là có mâu thuẫn với kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản.

Ngoài ra khi bàn đến vấn đề người thừa kế của cách mạng Trung Quốc, Triệu nói: vấn đề này trước sau chưa được giải quyết, cái gọi là hạt nhân lãnh đạo, hạt nhân lãnh đạo mới, chỉ có thể hình thành trong đấu tranh, trong sóng gió, mới có thể giải quyết. Dựa vào con người phong cho hoặc tự phong là không được. Trước mắt cách nêu hạt nhân lãnh đạo thế hệ thứ ba là không chuẩn xác, vẫn là thời kỳ quá độ, chỉ cần những người già còn sống thì vẫn là người già cầm quyền.

Triệu đưa ví dụ: mặc dù mình là Tổng Bí thư đảng, nhưng chẳng qua chỉ là Bí thư trưởng [2] ; cho dù một người già ra đi [tạ thế], những người già khác vẫn còn thì vẫn là người già nắm, cho dù người già không nắm quyền nữa thì cũng như cũ. Điều này là do điều kiện lịch sử Trung Quốc quyết định, bất kể là nhấn mạnh lãnh đạo tập thể như thế nào, bao giờ cũng có (người) có tác dụng chủ đạo, đã nói là quyết định, mà cũng là thực tế yêu cầu vậy.

Khi bàn đến vấn đề hủ bại trong xã hội, Triệu nói: đó là sản phẩm của chế độ, hiện nay một nửa Trung Quốc là kinh tế thị trường, một nửa là thể chế kế hoạch, tất nhiên sản sinh hủ bại; chính quyền quản càng nhiều, hủ bại càng lợi hại, hiệu quả kinh tế cũng càng thấp. Cũng giống thế, sự lãnh đạo khống chế của Đảng cũng là do chế độ quyết định. Đảng lãnh đạo khống chế càng nhiều, càng khó tách rời Đảng và chính quyền; không tách rời Đảng, chính quyền càng không thiết lập được dân chủ, pháp trị.

Khi bàn đến các doanh nghiệp loại lớn và loại vừa, Triệu nói: không từ trên căn bản khai đao [quan hệ sở hữu] doanh nghiệp loại lớn và loại vừa không được. Chung vốn trong và ngoài nước là một biện pháp, chế độ cổ phần cũng là một biện pháp. Đã cho người nước ngoài chung vốn vì sao lại không thể cho phép tư bản tư nhân Trung Quốc tham gia. Chỉ thay đổi cơ chế kinh doanh đối với các doanh nghiệp lớn và vừa là không được, cần động phẫu thuật lớn. Điều này đòi hỏi phải sắp xếp việc làm cho nhân viên, sẽ gia tăng gánh nặng của xã hội. Nếu như để ổn định, không dám động, sợ chịu rủi ro, sợ dẫn tới xã hội động loạn thì sẽ khó làm được, hơn nữa còn lỡ thời cơ.

Khi nói đến vấn đề “4-6”, tôi nói: nhà đương cục đang làm nhạt đi, cách viết xã luận có nhượng bộ.

Triệu nói: lúc đó chỉ cần Đặng có thể nói một câu như: “xem ra, tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như báo cáo của thành ủy Bắc Kinh” chỉ cần Đặng nói câu đó, là tôi có thể giải quyết vấn đề. Bởi vì sau đó học sinh đã quá mệt nhọc, yêu cầu có cái thang để xuống, chủ yếu là sợ sau này tính sổ.

Triệu lại nói: đối với tôi bây giờ là không giết không thả; sợ tôi tự do sẽ mở rộng ảnh hưởng, không có lợi cho người đang cầm quyền, “đại hội 14” cũng chưa chắc giải quyết; trên thế giới có Hội quỹ những nguyên thủ là tổ chức của các nguyên thủ các nước sau khi rút lui, đã từng mời tôi tham gia, tôi cũng không biểu thị thái độ.

Tôi nói: có một số đồng chí già hy vọng ông viết cái gì đó, hoặc là ghi âm, sau đó bảo người khác chỉnh lý.

Triệu nói: về việc viết lách, biến động theo lớn, không có người đến giao phong (?), cũng không có cách làm nghiên cứu.

Cuối cùng khi đề cập tới công trình Tam Hiệp, tôi nói: rất rõ ràng, có hai loại ý kiến bất đồng, hơn nữa số người kiên trì chủ trương không làm là không ít. Lý Nhuệ là một đại biểu. Ngay khi Mao Trạch Đông còn sống, ông vẫn kiên trì như vậy.

Triệu nói: nếu như tôi đang tại chức thì sẽ để lại cho đời sau xử lý, bởi vì liên quan tới rất nhiều nhân tố chưa biết, khó dự đoán.

Lần nói chuyện này đến đây kết thúc.

Ăn cơm xong, Triệu viết vào một mảnh giấy nhỏ giới thiệu tôi đến chỗ Đỗ Nhuận Sinh kết nối trao đổi một số tình hình. Trước đây ông không đồng ý làm việc này. Đại khái là vì ông đang ở vào chỗ bị thẩm tra, sợ xuất hiện phiền phức. Đỗ Nhuận Sinh là quyền uy lý luận kinh tế được mọi người công nhận. Ông vốn là người phụ trách Ban Nghiên cứu chính sách nông thôn của Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc và Trung Tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn của Quốc Vụ viện, đã lập công lớn trong cải cách phát triển nông thôn. Theo ý kiến của Triệu, không lâu sau, tôi đến thăm Đỗ Nhuận Sinh. Ông nói: kết quả lập án thẩm tra vấn đề của Triệu, tổ chuyên án chỉ rêu rao không có “vấn đề mới” và kết thúc rồi. Mọi tài liệu đều dính dáng đến việc không định tính là “ủng hộ động loạn”, “chia rẽ đảng”; việc xử lý Triệu xem ra là căn cứ vào nhu cầu chính trị để định. Vừa không thả được, cũng không chống được, lại không giết được. Nhất là muốn chống Triệu mà không chống được, trên dưới đã thu được đồng thuận. Đỗ lại nói: Triệu về Trung ương công tác tám năm nay, thay đổi tư tưởng rất lớn, đúng là một nhân tài, rồi thở dài nói với tôi: “rất đáng tiếc”!

Đỗ Nhuận Sinh cho rằng, cải cách, phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện nay là đang tiến hành trong quanh co lặp đi lặp lại, trong trạng thái bị động, là bên dưới thúc đẩy bên trên. Đã lấy ổn định làm điểm xuất phát thì không có khả năng làm cái gì lớn. Kinh tế kế hoạch không được rồi, kinh tế thị trường lại không ra sức làm, thì làm sao được! Mô hình chế độ công hữu là không được, doanh nghiệp quốc doanh từng bước bị đào sạch bách, xuất hiện cái gọi là “hiện tượng rỗng ruột”, điều này chỉ có thể bồi dưỡng tầng lớp đặc quyền. Nước ngoài, Liên Xô, Đông Âu đang làm tư hữu hóa.

Đỗ Nhuận Sinh nói: ở Liên Xô con đường cải cách đi không thông, dứt khoát không cần những cái vốn có, hoàn toàn làm theo cách phương Tây; không bàn chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ nữa, chỉ cần phát triển kinh tế là được. Như vậy sẽ thoát khỏi “ba lô” hình thái ý thức, lại vứt bỏ được gánh nặng chạy đua vũ trang; từ nay trở đi có thể sẽ phát triển nhanh hơn. Ở Trung Quốc, tình hình phải đối mặt hiện nay là nghiêm trọng. Nội bộ Trung Quốc đang đứng trước sự suy yếu của doanh nghiệp quốc doanh. Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ nay trở đi cũng có khả năng xuất hiện mấy loại hình, như loại hình thị trường tự do mới, loại hình chính phủ hướng dẫn xuất hiện trong chủ nghĩa tư bản.

Về vấn đề dân chủ, Đỗ nói: đó là vấn đề thực tiễn, đòi hỏi từng bước nâng cao ý thức dân chủ, thói quen dân chủ của mọi người trong thực tiễn; không thể nhấn mạnh tình hình đất nước, không thể làm ba thời kỳ quân chính, huấn chính, hiến chính của Quốc dân Đảng để huấn luyện, giáo dục người ta [3] .

Phương Tây làm nhiều đảng chính trị, thực hiện cạnh tranh, giám sát đôn đốc lẫn nhau, có thể thúc đẩy tiến bộ xã hội, có thể đạt được sự phụ trách với cử tri.

Cuối cùng Đỗ rất cảm khái, nói: những chế độ của chúng ta, chế độ công hữu bồi dưỡng đặc quyền, hủ bại, tầng lớp lãnh đạo quan liêu hóa. Quần chúng bị trói, và còn để lại sự phụ thuộc về nhân thân, như thế thì làm thế nào thúc đẩy xã hội phát triển lên phía trước được? Ắt phải cải cách.

© 2007 talawas



[1]Zbigniew Brzezinski, Bàn cờ lớn (The Grand Chessboard), Lê Phương Thuý dịch, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999 (BT)
[2]Bí thư trưởng: một chức vụ về đảng và chính quyền mà Việt Nam không có chức tương ứng. Bí thư trưởng TƯ đảng, xếp sau Uỷ viên Bộ Chính trị. Bí thư trưởng Quốc vụ viện xếp sau các Phó Thủ tướng. Bí thư trưởng tỉnh đảng bộ, xếp sau các ủy viên thường vụ, Bí trưởng Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp sau các Phó Chủ tịch v.v… (ND)
[3]Triệu Tử Dương đề xuất thời kỳ huấn chính để khêu gợi dân trí là có đạo lý. (TG)
>Bàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"

No comments: