Monday, June 8, 2009

NGUYỄN THIÊN THỤ * VĂN CHƯƠNG TRUYỀN KHẨU XLIII




NGUYỄN THIÊN THỰ
sưu tầm




TRUYỆN HÀI XHCN


tập 43

MỤC LỤC

781. KINH NGHIỆM
782. CHUYỆN BÊN NGA
783. CHUYỆN TRONG HẼM
784.ƯỚC MƠ TƯƠNG LAI
785. NÂNG BI
786. ĐÀN VOI TRẮNG
787. KHOA HỌC XHCN
788. NHỮNG KẾ HOẠCH MỚI
789. CHIẾN SĨ THI ĐUA
790. SỰ HY SINH CAO CẢ
791. TIẾNG VỌNG
792. TÒA ÁN XHCN
793. ẨM THỰC HÀ NỘI
794. CHỊ EM NHÀ MUỖI
795. BÁC SĨ GIẢI PHẨU
796. TRIỆU PHÚ
797. THUỐC TRỪ GIÁN
798. TÀI NĂNG THỦ TRƯỞNG
799. NHÀ CỬA THÀNH PHỐ
800. VÒNG LUÂN HỒI CỦA CHAI RỰỢU



781. KINH NGHIỆM

Mấy anh công an nói chuyện với nhau. Anh công an kinh tế nói:
- Tôi chỉ cần quét mắt vô biển số các xe là biết xe nào từ tỉnh lên, tư nhân hay là nhà nước.
Anh công an giao thông cười:
- Vậy là xưa rồi. Tôi chỉ cần coi lái điều khiển xe qua ổ gà, ổ nước, ổ điện... lập tức biết ngay xe nào của tư hay của công.
Một anh công an khác nói:
-Còn tôi, tôi chỉ nhìn qua xe là biết ông nào là triệu phú, ông nào là tỷ phú!


782. CHUYỆN BÊN NGA


Ở nước Nga thuộc liên bang Xô Viết có một người dành dụm tiền để cuối cùng có thể mua cho mình một chiếc ô tô. Khi anh ta trả tiền, người ta nói với anh ta rằng ba năm sau đến nhận xe.
- Ba năm ư! - anh ta nói. - Tháng mấy ?
- Tháng Tám.
- Tháng Tám ? Ngày bao nhiêu ?
- Mồng hai tháng Tám, người ta trả lời.
- Buổi sáng hay sau bữa ăn trưa ?
- Sau bữa ăn trưa. Mà có vấn đề gì quan trọng không?
- Buổi sáng nhân viên kỹ thuật sẽ đến nhà chúng tôi.


783. CHUYỆN TRONG HẺM

Chuyện xảy ra ở một con hẻm cụt, đầy ổ gà, đã lâu không ai thèm sửa chữa. Cũng phải thôi, ai đi để ý đến cái hẻm nhỏ xíu này khi còn biết bao nhiêu việc quan trọng khác trong thành phố, như xây thêm các cầu vượt cho người đi bộ chẳng hạn. “Thôi thì góp tiền nhau mà làm vậy”, các hộ dân trong hẻm quyết định.

Thế là cuộc họp toàn hẻm được tổ chức ngay lập tức. Ông hẻm trưởng tuyên bố như đinh đóng cột: cần phải công bằng trong việc đóng tiền. Nhưng thế nào là công bằng? Ý kiến ông hẻm trưởng là cứ chia đều kinh phí cho các hộ dân. Rất cơ bản! Có khi mọi người đã xuôi tai nếu như không có một ý kiến cho rằng như thế là không công bằng bởi mỗi nhà có số nhân khẩu khác nhau, tức mức độ làm… mòn đường hẻm cũng khác nhau, tại sao lại chia đều?

Phải chia theo đầu người. Nghe cũng có lý. Nhưng như thế lại sinh ra vấn đề người thì cũng có người lớn kẻ nhỏ, người mập kẻ ốm. Trẻ con tất nhiên không thể làm mòn đường như người lớn được. Vậy sao không chia kinh phí theo tổng trọng lượng các thành viên trong gia đình?

Tưởng như thế đã là hay, thế mà lại có ngay một ý kiến còn hay hơn rằng đâu phải chỉ có những người trong gia đình tham gia làm mòn hẻm mà còn có khách khứa của họ nữa chứ. Vậy cần phải xét thêm quan hệ xã hội nữa...

Có nguy cơ vấn đề cũng đi vào ngõ cụt như cái ngõ của xóm thật. Nhưng rồi có một ý kiến mang tính đột phá là đề nghị cả hẻm làm đơn nhờ... nhà nước xác nhận rồi qua bên Nhật vay vốn. Làm đường xong ta đặt một trạm thu phí ngay đầu hẻm thu tiền trả nợ. Ý kiến này bị phản bác ngay vì nếu lập trạm thu phí thì có nguy cơ đám con gái trong hẻm sẽ ế chồng mất.

“Tại sao lại không dựa vào cái đạo lý “lá lành đùm lá rách”?” Một ý kiến cảm động đề nghị nộp tiền theo mức độ giàu nghèo. Nhưng cả hẻm chẳng ai cho mình là giàu cả.Ai cũng là vô sản, không ai là tư sản, là kẻ thù của nhân dân.

Tất nhiên cuối cùng cũng tìm ra được phương cách giải quyết hợp tình hợp lý: đóng tiền làm đường theo bình quân thu nhập mỗi gia đình. Một ban kiểm tra được lập ra để thẩm định các bản kê khai thu nhập và đã xác nhận rằng các gia đình đều khai báo trung thực. Ví dụ như chị Sáu bán bánh canh mỗi ngày lời ba chục ngàn vị chi một tháng gần triệu bạc, anh chồng chạy xe ôm cũng kiếm được khoảng chừng đó, hai đứa con đứa bán vé số, đứa đánh giày cộng lại mỗi tháng cũng cả triệu bạc.

Gia đình anh Tư thì tệ hơn một tí, cả hai vợ chồng đều là nhân viên ngành bưu điện, lương tháng mỗi người chỉ gần bằng số tiền các cuốc xe ôm của anh Sáu, đã vậy còn phải lo cho hai đứa con học trường điểm. Hoặc như gia đình ông Hai tiếng là làm sếp một cơ quan gì đấy nhưng cũng khổ: lương tháng của ông (có giấy trắng mực đen hẳn hoi) cũng chỉ xấp xỉ tiền lời của nồi bánh canh nhà chị Sáu, bà Hai thì thất nghiệp ở nhà nội trợ vậy mà còn phải nuôi ba con chó “bẹc rê” cùng hai đứa con chưa làm ra tiền, đều đang đi học ở nước Úc xa xôi nào đó...

Căn cứ vào đó, người ta liệt kê theo thứ tự thu nhập từ thấp đến cao và rồi cứ theo tỷ lệ ấy mà thu tiền làm đường.

Thế là chẳng bao lâu sau con đường hoàn thành. Phải nói là nó đẹp và rộng hẳn ra. Anh tài xế đến đón sếp Hai đi làm cứ khen luôn miệng. Chiếc xe “A còng” của anh chị Tư không còn dính bụi như trước kia. Riêng chị Sáu cứ vừa múc bánh canh cho khách vừa khoe rằng gia đình chị góp tiền nhiều nhất cho con đường mới này. Ai cũng có vẻ hài lòng. Mà cũng đúng thôi, chẳng hài lòng sao được khi lẽ công bằng được thực hiện.



784.ƯỚC MƠ TƯƠNG LAI

Để hiểu học trò hơn, cô giáo bảo học sinh vẽ vào một tờ giấy mơ ước mai sau của mình. Khi cô xem, có em vẽ hình máy bay tỏ ý muốn làm phi công, em thì vẽ ống nghe muốn làm bác sĩ... Riêng một em gái để tờ giấy trắng nguyên, cô hỏi:
- Chẳng lẽ lớn lên em không muốn làm gì cả sao?
Em bé băn khoăn đáp:
- Em muốn làm tổng bí thư nhưng không biết nên vẽ hình con bú dù hay con chó!


785. NÂNG BI

Một anh tài xế do dậy trễ nên đến cơ quan bị thủ trưởng rầy.
Thủ trưởng:- Một lần nữa thì tôi cho anh nghỉ việc luôn đấy.
Tài xế:- Dạ em biết rồi thủ trưởng.
Suốt trên đường đi thủ trưởng không nói gì cả , anh tài xế mới tỏ vẻ nịnh.
Tài xế: - thủ trưởng ơi! hồi tối em nằm mơ thấy điều kỳ lạ lắm.
Thủ trưởng: - Chuyện gì?
Tài xế:- Em thấy em bị té xuống hầm cầu, còn thủ trưởng thì té xuống hầm mật ong.
Thủ trưởng: -vậy à.
Tài xế:- Em leo lên và thủ trưởng cũng leo lên. Thấy thủ trưởng em chạy lại liếm thủ trưởng, và thủ trưởng cũng liếm lại em.
Thủ trưởng: - Vậy hả? Ngày mai anh khỏi chạy cho tôi nữa.

786. ĐÀN VOI TRẮNG

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ. Nhân dân còn rất ngu muội. Trong làng có một anh thanh niên rất thông minh, anh ta mới nói với dân làng rằng anh ta biết ổ một đàn voi trắng. Anh nói: -"Bà con biết không, voi đẻ ra trứng và trứng nó nở thành voi. Một con voi có thể đẻ ra trăm trứng.

Sau đó anh ta vào rừng nhặt được một hòn đá to, trắng, nhẵn trông rất giống một quả trứng. Anh ta đem về và nói với bà con rằng: "Đây là trứng voi , mai sau nó nở thành voi. Lúc đó ta sẽ có cả bầy voi đem đi bán được bộn tiền."

Dân làng tin tưởng anh liền đem tiền đến đặt mua trứng voi. Dân làng tin tưởng anh nên bầu anh làm trưởng làng. Anh bày ra một đội bảo vệ mang gươm giáo tiền hô hậu ủng rất oai vệ. Anh làm trưởng làng nên anh được ban hội tề bầu vào chức vụ chủ tế. Mỗi lần tế là anh được làng mang về nhà anh biếu một đầu heo, một mâm xôi và một chai rượu. Từ khi anh làm trưởng làng, tháng nào cũng hội hè, cúng tế. Vui thì có vui nhưng phải đóng góp nhiều dân cũng khổ. Rồi thì đóng góp đủ thứ. Tiền sửa đình làng, miếu thành hoàng, tiền lễ cầu an, lễ chiến sĩ trận vong, chương trình xóa đói giảm nghèo, tiền nuôi dân quân tự vệ. . .Ai có ý chống đối anh, hoặc không tin tưởng anh, thì anh cho dân quân đến đánh cho một trận nhừ tử.

Còn việc kinh doanh trứng voi, anh vẫn tiếp tục vận động dân làng đăng ký và nộp tiền trước. Hai ba năm, sáu bảy năm trôi qua, dân làng vẫn không thấy anh giao trứng voi hay voi con. Ai hỏi thì anh đáp: " Tất yếu là chúng ta sẽ giàu. Một đàn voi sẽ về. Chúng ta sẽ chờ một, hai hay ba bốn thế hệ nữa, đàn voi sẽ về. Chúng ta nhất định thành công, đại thành công!"

787. KHOA HỌC XHCN

Nước ta là một nước nông nghiệp cho nên việc nghiên cứu các giống lúa mới, các phân và thuốc trừ sâu đều được đảng và nhà nước chú trọng.
Có một cán bộ làm ở viện nghiên cứu thuốc diệt côn trùng. Một hôm, vợ anh ta chạy lên thẳng phòng thủ trưởng của anh ta và than thở:
- Thủ trưởng xem thế nào chứ nhà em mãi nghiên cứu một loại thuốc gì đó mà cứ đâm ra mê mẩn ở phòng thí nghiệm, mấy đêm nay không về nhà rồi ạ.
Thấy thế, thủ trưởng của anh chàng này cũng than thở:
- Ừ! Mấy hôm nay tôi cũng không thấy anh ấy ra khỏi đó rồi, thôi để tôi tìm người phá cửa phòng thí nghiệm vậy…

Thủ trưởng chưa nói dứt lời thì anh chàng kia đã đạp cửa phòng thí nghiệm, xông ra rồi hét to:
- Ra rồi! Tôi tìm ra rồi!
Mọi người chặn lại hỏi:
- Anh phát minh ra chất gì thế?
Nhìn thấy mặt cô vợ hớn hở ở đó, anh ta càng hét to hơn:
- Thuốc diệt muỗi tuyệt diệu!
Mọi người càng khâm phục anh chàng này hơn, hỏi dồn dập:
- Anh giỏi thế, thế diệt thế nào?
Nhà khoa học trẻ đưa ra một lọ thuốc nhỏ khoe:
- Bất kỳ loại muỗi nào trên thế giới, chỉ cần ngắt đít, bôi một tí thuốc này vào sẽ chết… ngay lập tức.
Nghe đâu nhà khoa học chúng ta có bà con với thủ tướng nên được chính phủ ca ngợi và anh được chọn là "anh hùng lao động", và " nhà khoa học ưu tú".



788. NHỮNG KẾ HOẠCH MỚI

Sau một ngày đăm chiêu suy nghĩ anh thứ nhất trình Giám đốc bản quy định sau:

Đã đi vệ sinh là phải đi thẳng, không tạt ngang tạt dọc. Cấm các nhân viên không được đi vệ sinh tập thể, tránh tình trạng “buôn” trong nhà vệ sinh. Đặc biệt là các nữ nhân viên vì họ có rất nhiều chuyện để “buôn”. Vẫn để tránh tình trạng đi tập thể, đề nghị bỏ bớt các thiết bị vệ sinh, chỉ để lại một chiếc, như vậy mọi người sẽ nhường nhau để đi. Đặc biệt, nghiêm cấm nói chuyện điện thoại trong WC, nếu ai vi phạm sẽ có chế tài, có thể là bị trừ một tháng lương.

Anh thứ 2 ngay ngày hôm sau cũng trình Giám đốc một bản quy định. Xem ra anh này khá nặng tay:

Trong thời gian qua, rất nhiều nhân viên đã sử dụng thời gian làm việc để ngồi trong nhà vệ sinh. Bắt đầu từ bây giờ, mỗi người chỉ có thể ở trong đó 3 phút. Quá thời gian trên, giấy vệ sinh sẽ tự động thụt vào tường, chuông sẽ reo, cửa tự động mở và máy ảnh sẽ tự động chụp ảnh kẻ lười biếng. Nếu bị bắt gặp lần thứ 2, ảnh kẻ vi phạm sẽ bị đăng tải trên trang web của công ty, trong mục “Tái phạm nhiều lần”. Nếu phát hiện nhân viên nào cười trong ảnh sẽ bị buộc nghỉ việc ngay.

Không biết Giám đốc công ty có đau đầu vì phải lựa chọn 2 bản nội quy này không nhỉ?


789. CHIẾN SĨ THI ĐUA


Lúc bấy giờ là thời kháng Pháp, đảng và nhân dân sống nghèo khổ, quanh năm chỉ trông cậy vào ruộng lúa, nương khoai. Nhà chú Bảy Trâu ở khu rừng, chuyên nghề rẫy bái. Năm ấy, mấy chục công lúa của bác đang cấy cặp mé rừng, tới mùa không còn thu hoạch được một hột để nhổ râu. Lúc lúa đứng cái, lũ nai kéo về cả bầy, ăn tới tới. Cất chòi giữ ngày giữ đêm, giật banh mất chục cái thùng thiếc mà chúng vẫn trơ trơ không sợ. Đánh bẫy, giăng giò bắt được một, thì chúng kéo lại hai. Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc.

Ai cũng bảo là chắc phải để xứ này cho nai ở. Bác Bẩy nhất định không chịu thua, cố tìm hết cách để trị lũ nai này. Đêm đêm bác đi rình xem cách chúng ăn lúa. Nó ăn cũng như trâu bò ăn vậy thôi. Nghĩa là lưỡi cũng le ra, ngoéo gọn bụi lúa rồi giựt mạnh lên.

Bác về nhà, ngồi suy nghĩ, nhủ thầm: "Như vậy là chết cha chúng mày rồi!". Xách mác ra vườn, bác đốn những cây tre lồ ô mang vô. Bác lần lượt bập nhẹ nhẹ lưỡi mác vào cật cây tre rồi lẩy ra lấy một miếng cật tre dài cỡ chiếc đũa bếp, hai bề cạnh bén như nước. Làm tới chiều, bác đem ra ruộng, mỗi bụi lúa bác cắm vào giữa một miếng tre cho thật chắc. Làm xong về nhà, bác biểu mấy đứa nhỏ cứ việc ngủ cho thẳng giấc đi, đừng lo canh tuần gì nữa.

Sáng bữa sau, bác chống chiếc xuống be ra ruộng. Bác xăn quần lội xuống, tay nắm be xuồng dắt tới, vừa đi vừa mò theo từng gốc lúc mà lượm lưỡi nai. Thứ tre lồ ô chẻ mỏng, cật bén như nước. Vô phúc cho con nai nào nhè ngoéo cái lưỡi vô đó mà giật lên thì thế nào cũng phải đứt lưỡi ra.

Bác kể rằng mùa đó, ngoài cái chuyện bán thịt lưỡi nai tươi cho bà con lối xóm nhậu chơi, bác còn khoe rằng bác phơi khô chở lên Sài Gòn bán cho cửa hàng xuất khẩu sang Hồng Kông, Singapore được một tấn hai lưỡi nai khô. Vì thành tích này, ban đầu bác được huyện bầu làm " chiến sĩ thi đua" toàn quốc. Nhưng than ôi, vì bác giao thiệp với bọn Sài Gòn cho nên sau đó bác bị bắt . Họ hỏi tiền bán khô nai đâu phải nộp cho đảng vì nai là tài sản của nhân dân và đảng. Bác kêu là chỉ nói đùa thôi nhưng đảng thì không thích đùa. Đảng kết tội bác phản động, bắt bác ngồi tù ở rừng U minh mất mười năm!



790. SỰ HY SINH CAO CẢ

Một cặp vợ chồng làm lễ kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Sau khi hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp cùng nhau, người chồng hỏi:
- Hãy nói thật xem, liệu đã có bao giờ em phản bội anh chưa.
- Em không bao giờ phản bội anh, nhưng em luôn luôn hy sinh cho anh ba lần.
- Sự việc xảy ra như thế nào?
- Lần đầu tiên khi chúng ta mới cưới nhau được ít lâu. Anh bị đau tim cần phẫu thuật gấp mà chúng ta lại không có tiền. Vì thế em đã chấp nhận hy sinh để ông bác sĩ mổ miễn phí cho anh.
- Em thật cao cả. Thế còn lần thứ hai.
- Anh có nhớ chút nữa anh đã không được đề bạt làm trưởng phòng kinh doanh không? Em đã phải tổ chức gặp gỡ riêng với ông tổng giám đốc đấy.
- Anh thật là xấu hổ, lẽ ra đó phải là việc của anh. Còn lần thứ 3, chắc chắn thêm một lần nữa anh không thể đền đáp công lao của em phải không?
- Anh đừng nói thế. Chúng ta là vợ chồng mà. Em phải hết sức giúp đỡ anh chứ. Ba năm trước, em thấy anh mong muốn trở thành bí thư tỉnh ủy, em phải vận động với 40 tỉnh ủy viên để họ bỏ phiếu cho anh.


791. TIẾNG VỌNG

Tại Thanh Hóa có hang Tiếng Vọng. Một hôm có hai ông bà Quảng Nam cùng đi du lịch nơi đây. Họ thấy một hang núi có tấm biển đề "Tiếng vọng", cô vợ tò mò: - Anh thử xem!
- Tào lao quá đi thôi! Nhưng cũng thử xem sao! - người chồng nói rồi hét thật to - Chúng mày nói láo!
Sau một phút chẳng có gì xảy ra, vợ anh giục thử lần nữa, người chồng lại hét:
- Đảng cộng sản bách chiến bách thắng!
Bây giờ hang núi mới thèm đáp lại họ:
- Chúng mày nói láo... !

792. TÒA ÁN XHCN

Một cán bộ cao cấp bị cấp trên " hy sinh" nên phải ra tòa. Ông đến gặp vị luật sư riêng của mình nói:
- Nếu luật sư cãi thế nào để tôi chỉ bị án chừng một năm tù thôi, thì tôi sẽ cho luật sư nữa triệu đồng.
Hai tuần sau, phiên tòa nhóm họp đem vụ này ra xử và tuyên phạt thương gia nọ một năm tù ở, đúng như ý bị can mong muốn.
Sau phiên xử, vị luật sư nói với người thương gia:
- Theo lời ông, tôi đã phải cố gắng vận động để can thiệp cho ông bị một năm tù ở đó; vì tòa án họ lại muốn phạt ông một năm tù... treo.



793. ẨM THỰC HÀ NỘI


Khi mà quán cháo chửi nổi tiếng cạnh Nhà thờ Lớn... hết chửi (có thể do thưa khách dần, và cháo gà không đủ hấp dẫn thực khách bằng những món ăn hiện đại mới "nổi"), người sành ăn Hà Nội lại bổ sung vào danh sách ghé chân, là những quán ăn mới, vừa bán vừa chửi "ác liệt" hơn. Bà chủ quán bún ngan trên phố Trần Hưng Đạo, tay bán, miệng leo lẻo mắng người làm. Ảnh: Hoàng Dũng Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng thơm ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, hông chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... "xả giận".

Trưa 15/02, một khách mới dừng xe trước quán hỏi: "Chị ơi, để xe ở đâu?". Bà đốp ngay vào mặt: "Để lên nóc nhà này này!" Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: "Đây không có rau, tự trồng mà ăn!".

Nghe bà chửi đã quen, một chị khách sau bữa trưa ngon miệng dũng cảm lại gần bà bảo: "Chị gói cho em một cái lưỡi về nhà, nhà em ít người, chị cho cái be bé". Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi ngút khói, mặt đỏ phừng phừng quắc mắt: "Đây không có hàng bé! 60 nghìn đổ đầu". Chị khách bắt đầu hãi, gật đầu ngay. Nhưng bà hàng chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng, múc nước chấm, vừa nguýt chị khách: "Đã muốn ăn ngon lại còn đòi rẻ!". Rồi cơn cáu giận dâng cao trào, bà móc cái lưỡi lợn ra khỏi túi nilon định đưa cho khách, ném vào rổ: "Thôi không bán nữa đâu, về đi!". Chị khách tím mặt lủi thủi ra về.

Tại nhiều quán đông và ngon khác ở Hà Nội, cảnh các thượng đế "xin ăn" không khiến nhiều người ngạc nhiên. Chị Hồng Hạnh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) kể, một lần cùng chồng đến quán mỳ vằn thắn trên phố Trần Hưng Đạo, chờ mãi không thấy nhân viên đến hỏi, chồng chị đành ra tận quầy bà chủ quán gọi món. 10 phút sau không thấy ai mang đồ ăn ra, hai vợ chồng ngại quán đông, đứng dậy ra về. Vừa ra khỏi cửa, đã nghe một giọng đàn ông chửi với theo: "Loại giẻ rách, có C. tiền mà ăn!".

Trước Tết, chị Hằng cùng bạn đến hàng quẩy trên phố Tô Hiến Thành. Gọi 2 suất nhưng bà chủ mang ra một đĩa đầy và bảo ăn không hết thì trả lại. Đĩa quẩy còn 5 cái, chị Hằng xin trả lại để tính tiền, bà hàng trừng mắt: "Mang về cho chó nó gặm nhé, chó chê thì vứt sọt rác".
Ở hàng hủ tiếu nổi tiếng trong "ngõ ẩm thực" phố Hàng Chiếu, bà hàng cũng phải chửi người làm liên tục mới bán được. Được cái, bà này chua với người làm bao nhiêu thì ngọt với khách bấy nhiêu. Nên "bài chửi" của bà du dương với cả "nốt thăng" lẫn "nốt giáng": "Mày có rồ không mà cắt rau dài thế này? - Em không ăn rau sống, nhỉ?", "Cái con ngu vạ ngu vật kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài mà cứ đứng như con chết rồi thế kia? - Chưa đến lượt em, đợi tí, gái nhé!", "Xéo về quê mà hốc C.! Loại lười thối thây như mày chỉ tổ ngứa mắt tao! - Ngồi xuống đây em, chật chội tí, thông cảm nhá!"...

Qua trò chuyện, nhiều người khẳng định họ đều ít nhất một lần vừa ăn hàng vừa... được nghe chủ quán chửi người làm. Bà Lan (bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần trước, cả nhà bà đến quán hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến Thành. Bà chủ ở đấy đang quát tháo một nhân viên, thỉnh thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía cậu người làm; cậu này thì mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì. Các cháu bà Lan ngồi cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng trước mặt.

Trước những chủ quán mồm năm miệng mười, chửi người làm như hát hay, ối khách nghẹn. "Nuốt chưa hết miếng đã muốn đứng lên, ăn một lần là cạch đến già" - bà Lan nói. Nhưng cũng với ối người, nghe chửi ở quán hàng thường như... vừa ăn vặt vừa xem biểu diễn (cốt sao tiếng chửi không dành cho mình!). Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn (vốn đã ngon hơn nhiều quán) thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến người ăn nhớ rồi thành nghiện "ghé".

Thế nên, "phong cách bán hàng" kiểu... chửi không chỉ tự phát ở các quán hàng nhỏ, mà còn được lẳng lặng xây dựng ở hệ thống nhà hàng bậc trung như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố Phan Bội Châu)... Mặc kệ những khách âm thầm ôm bực về nhà rồi cạch mặt nhà hàng, nhà hàng kiên trì giữ "phong cách", để lượng "fan" sẵn sàng xem chửi khi chống cằm đợi thức ăn đông dần. Cứ thế, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" không còn xa lạ với một bộ phận người Tràng An. Và đôi khi, một số người âm thầm chấp nhận như một "nét riêng" của Hà Nội.


794. CHỊ EM NHÀ MUỖI

Tới tuổi trưởng thành, chị em nhà muỗi nọ chia tay nhau mỗi kẻ một phương trời kiếm ăn. Sau một thời gian, chúng gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng rồi hàn huyên chuyện làm ăn.
Muỗi em hỏi muỗi chị: - Dạo này sao trông chị gầy xác xơ thế?
Muỗi chị lắc đầu: - Chán lắm em ạ! Vì lâu nay cặp vợ chồng nơi chị cư ngụ không... cãi nhau nữa.
- Việc họ cãi nhau thì liên quan gì đến chị? - Muỗi em ngạc nhiên.
Muỗi chị giải thích: - Sao em chậm hiểu thế! Họ mà cãi nhau, anh chồng bỏ ra ghế xa lông... ngủ thì chị mới có cơ hội "làm ăn" chứ!

Muỗi em thương hại: - Hay là chị ra công viên với em đi! Ở đó có nhiều cặp tình nhân ôm nhau chẳng biết trời đâu đất đâu nữa. Lúc đó chúng mình tha hồ "làm ăn"...
Muỗi chị rụt vòi: - Không dám đâu! Nghe nói ở đó lắm kẻ nghiện ngập lắm. Lỡ mình chích nhầm chúng rồi đâm nghiền lây, cứ phải tìm dân nghiện mà chích thì khổ cả một đời.
-Hay là chị vào các nhà lãnh đạo đảng xem sao. Chắc chắn là bảo đảm ấm no, hạnh phúc.
-Làm sao biết nhà nào là nhà quan đại thần của đảng?
-Dễ hiểu quá. Nhà lãnh đạo trung ương thường nhà cao cửa rộng, đóng kín cổng, có lính canh và đàng trước có hàng trăm, hàng ngàn dân oan đứng nằm ngồi và cầm biểu ngữ đòi nhà, đòi đất!

795. BÁC SĨ GIẢI PHẨU

Có một tay bác sĩ ngoại khoa rất nổi tiếng, ông có khả năng kỳ diệu là có thể phẫu thuật thay thế những bộ phận của con người. Một hôm có một khách hàng đến đòi phẫu thuật đôi mắt mù lòa của mình. Ông ta bèn lấy mắt chó để thay thế cho anh ta. Cuộc phẫu thuật khá thành công, khi khám lại bệnh nhân thì ông ta nhận được những lời như sau:
- Dạ thưa bác sĩ đôi mắt của tôi thật là tuyệt vời, có thể nhìn trong bóng đêm như ban ngày nhưng chỉ mỗi tội mỗi khi nhìn thấy phân thì lại... thèm!

Một thời gian sau, có một anh chàng đau tim đến gặp bác sĩ đòi thay tim mới. Bác sĩ suy nghĩ, những lần trước mình dùng những bộ phận của súc vật đều gặp phải những rủi ro thôi thì lần này mình lấy bộ phận của người vậy. Ông ta bèn lấy trái tim của một tỉnh ủy chết vì tai nạn xe hơi. Sau một thời gian gặp, bệnh nhân hồ hởi đến thông báo tình hình:
- Thật là tuyệt vời thưa bác sĩ, sau khi phẫu thuật, tôi rất tích cực chứ không bi quan, yếm thế như trước kia. Có điều là tôi thích ăn đô la ,vàng và đất mà thôi!


796. TRIỆU PHÚ

Một hôm nhà tân triệu phú Việt Nam đến một khách sạn ở New York hỏi thuê một căn buồng rẻ nhất. Ông hỏi: - Giá thuê buồng là bao nhiêu?
Chủ khách sạn nói cho ông biết. Ông lại hỏi: - Buồng đó ở tầng mấy?
Người chủ lại trả lời ông. Rồi ông lại hỏi: - Có phải đó là buồng rẻ nhất ở đây không? Tôi ở đây có một mình nên chỉ cần một căn buồng nhỏ thôi.

Chủ khách sạn nói với ông ta rằng đó là phòng nhỏ nhất của khách sạn và nói thêm: - Nhưng tại sao ông lại thuê cái buồng rẻ nhất như thế trong khi con ông đến đây, anh ta chỉ thuê toàn buồng đắt tiền nhất?
- Đúng thế! - Nhà triệu phú trả lời - Cha của nó hiện nay là một tư sản đỏ, và nó là giám đốc một đại công ty; còn bố tôi thì lại là một người vô sản, còn tôi là người thiến heo! Hai bên khác nhau xa!



797. THUỐC TRỪ GIÁN

Trao gói thuốc trừ gián cho khách hàng, chủ tiệm nói đầy vẻ tự tin:
-Thuốc của hãng tôi chế tạo có giai cấp tính và chiến đấu tính.
-Nghĩa là làm sao?
-Khi xịt thuốc này thì lũ gián nhà ông sẽ bỏ sang nhà giàu bên cạnh. Đó là giai cấp tính. Và sau khi xịt thuốc này, lũ gián nhà ông sẽ đánh nhau kịch liệt với lũ gián các nhà lân cận. Như vậy là chiến đấu tính.
Mấy hôm sau vị khách hàng trở lại tiệm, chủ tiệm vồn vã hỏi: - Thế nào, thuốc phát huy tác dụng chứ?
- Vâng, lũ gián vĩ đại của nhà tôi chiến đấu rất anh dũng và bắt về nhà cơ man nào là tù binh!

798. TÀI NĂNG THỦ TRƯỞNG

Thủ trưởng sinh thời là một người khôn ngoan, đa mưu kế. Các đảng viên cộng sản đa số sống rất thọ, rất tiếc, đồng chí giám đốc Bùi Như Lạc mới 50 mà đã chết trong một tai nạn xe hơi. Hôm giỗ đầu thủ trưởng, các con cháu định đốt cho ông vàng, đô la, nhà lầu, xe hơi. . . nhưng bà thủ trưởng quyết liệt chống đối.

Thằng con thủ trưởng, khi ra quán cà phê đã kể chuyện với các bạn bè. Một người bạn nói:
- Chà, mẹ cậu trước đây nổi tiếng mê tín, bây giờ tiến bộ thế kia à?
- Mẹ tớ bảo: "Gửi nhiều quá, túi rủng rỉnh, bố mày lại rửng mỡ đi với gái chứ báu gì? Hơn nữa, bố mày tài ba làm tiền dễ dàng, vàng và đô la thiếu gì, cần gì mà phải " chở củi về rừng!"


779. NHÀ CỬA THÀNH PHỐ

Với mỗi người dân thành phố, vấn đề nhà ở không thể gọi là quan trọng mà phải gọi là quan trọng nhất. Chả thế mà giá đất, giá nhà còn được chú ý hơn giá vàng, và thị trường thì lưu truyền khẩu hiệu làm tiêu chuẩn kén chồng của các cô xinh đẹp: "Nhà mặt phố, bố làm to". Nghĩa là nhà đứng trên tất cả. Nắm bắt được nhu cầu này, Tập đoàn xây dựng Caraven B (để phân biệt với thuốc Caraven A) đã chọn một địa điểm lý tưởng, xây dựng một chúng cư vào loại hiện đại bậc nhất ở một quận trung tâm, sau đó bán các căn hộ để kiếm lời. Ngày khai trương thật rầm rộ, có cắt băng khánh thành, có truyền hình trực tiếp và múa minh họa. Giá cả đương nhiên là cao, nhưng tập đoàn đã quảng cáo nhấn mạnh những ưu điểm của căn hộ như sau:
1 - Có thang máy.
2 - Có bể bơi trong sân.
3 - Có bảo vệ canh gác suốt ngày đêm.
4 - Có hệ thống cứu hỏa tự động.
5 - Có siêu thị ngay trong khu nhà.
6 - Có hệ thống camera quan sát.
7 - Không bị kẹt xe.
8 - Gần nơi làm việc

Với 8 ưu thế vượt trội trên, tập đoàn Caraven B chắc mẩm là chỉ vài tuần các căn hộ sẽ được mua sạch (thậm chí ban giám đốc tập đoàn còn lén lút mua trước vài căn ở vị trí tốt, hy vọng sau này bán kiếm lời). Nhưng ngạc nhiên thay, cả tuần, rồi cả tháng sau cũng chả thấy ma nào tới mua. Ban quản lý họp một tuần sáu buổi, đề ra các phương thức quảng cáo ì xèo trên tivi và báo chí, lập ra các giải khuyến mãi hấp dẫn, hứa hẹn các buổi tham quan du lịch Thái Lan kèm Mexico. ..

Vô ích, vẫn chẳng có một căn hộ nào được người mua ngó tới. Lo sợ cuống cuồng, ban quản lý dự án phải mở cuộc điều tra toàn diện. Kết quả đã gây bất ngờ, sửng sốt và choáng váng cho họ: cao ốc ấy không bán được vì nó được xây dựng bên một đại lộ bị nước mưa ngập triền miên. Khách hàng lý luận:

1 - Việc gì phải cần đến thang máy khi tại khu phố ấy hễ mưa xuống là nước dâng tới mọi tầng lầu. Chỉ cần đeo vào thắt lưng một cái phao, ai cũng được nhẹ nhàng nâng lên tới tận cửa (và thậm chí tận giường).
2 - Bể bơi để làm gì khi mà cứ chiều chiều, toàn bộ khu phố ấy lại biến thành một bể bơi lai láng. Bể bơi chung cư chỉ có nước màu xanh, trong khi bể bơi thiên nhiên lại có màu vàng, màu đỏ và màu chuột chết rất phong phú.
3 - Đâu cần bảo vệ vì chẳng tên trộm nào có thể lội nước vào khu vực này. Những đồ ăn cắp được sẽ bị ướt hết, nhất là tivi, tủ lạnh. Bị nhúng nước từ đầu đến chân, tên trộm sẽ rét run cầm cập và đừng hòng lê bước nổi.
4 - Hệ thống cứu hỏa thiên nhiên ở đây thuộc loại hiện đại nhất. Do tất cả mọi thứ đều thường xuyên ướt sũng, vấn đề của dân khu vực này là làm sao cho các thứ cháy được (nhất là bếp nấu ăn) chứ không phải tắt đi.
5 - Siêu thị để làm gì khi mỗi cơn mưa vừa qua, hàng hóa đủ kiểu lại trôi bềnh bềnh từ bên nọ sang bên kia, từ đầu phố tới cuối phố. Thôi thì chẳng thiếu thứ gì: động vật tươi sống có chó mèo, đồ dùng gia đình có nồi xoong, đồ dùng học tập có sách vở...
6 - Khu phố ấy năm nào cũng thế, hễ cứ ngập nước là được lên tivi. Dân ở đây ai cũng từng là diễn viên, nên việc lắp camera quan sát của tập đoàn Caraven chả có ấn tượng gì.
7 - Lý do áp chót là không có kẹt xe: kẹt làm sao được vì cứ mưa là tất cả xe cộ đều chết máy, đứng im một chỗ. Cả thành phố đều biết điều ấy nên ai cũng tránh xa con đường này, ngay cả giữa trưa nắng, thì xe đâu mà kẹt.
8 - Ưu điểm cuối cùng: gần nơi làm việc. Do đặc điểm ngập nước của vùng này nên toàn dân nơi đây đều làm công tác sấy khô, chùi bugi, chống mốc... ngay tại nhà mình đã bao đời, cần gì phải đi đâu nữa. Tóm lại, tập đoàn xây dựng Caraven B đã thất bại thảm hại. Những căn hộ cao cấp của họ không có người mua, nổi lềnh bểnh trên biển nước như một tảng bèo.


800. VÒNG LUÂN HỒI CỦA CHAI RỰỢU

Thủ trưởng của tôi kiêm trưởng ban phòng chống tham nhũng, trưởng ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và nhiều ban khác, chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng, chủ tịch hội đồng an toàn - vệ sinh lao động và nhiều hội đồng khác, có khi chính thủ trưởng cũng không nhớ nổi là mình “trưởng” và “chủ” bao nhiêu ban bệ.

Tuy nhiều chức vậy nhưng thủ trưởng liêm khiết. Không liêm khiết làm sao mà chống tham nhũng? Ai mời thuốc là, thủ trưởng đều lịch sự cảm ơn, vỗ vỗ túi áo ngực nói mình có thuốc rồi. Trước Tết ông ra thông báo trong toàn đơn vị là năm nay không được biếu xén, phong bao phong bì gì hết, chống tham nhũng phải làm từ cơ sở, phải làm ngay, không nói suông! Những ngày cận Tết, ông lấy cớ về quê thăm giúp đỡ mấy người bà con nghèo, tránh không tiếp khách đến quà cáp.

Quần chúng ra chiều phấn khởi, một số người có nhu cầu biểu lộ tình cảm với thủ trưởng thì tỏ ra lo ngại. Các con mẹ bán rượu ngoại trên phố Hàng Buồm có thâm niên hành nghề mấy chục năm. Người ta đi nước ngoài, ngại xách nặng, thường ra đấy mua bánh kẹo ngoại để làm quà.

Thuốc lá ngoại các loại cũng có, nhưng chủ yếu là rượu, đủ các tên tuổi danh tiếng và không danh tiếng trên thế giới. Chai rượu giá trên một triệu đồng, có chai vài ba triệu đồng. Không để người mua lừa gạt bằng cách quay lại chê rượu giả rồi bắt đền, chủ hàng rượu bí mật đánh dấu chai rượu do mình bán ra, khi cần mụ sẽ chỉ ra cái ám hiệu nhận dạng đó. Nhờ đó, mụ biết một chai rượu của mụ chạy đi chạy lại trong “một cõi đi về” dịp Tết ra sao. Ai đến tặng rượu, vợ thủ trưởng gom lại, mang ra hàng Buồm “đổi chai”, nghĩa là bán rượu lại cho cửa hàng, mang tiền ra ngay Quỹ Tiết kiệm gửi. Vợ thủ trưởng khôn lắm, gửi tiết kiệm bằng nhiều sổ ở nhiều quỹ khác nhau. Sáng hai tám tết tôi ra Hàng Buồm, tính mua một chai. Đang phân vân chưa biết lấy chai nào vì nhiều loại quá, nhìn hoa cả mắt, chợt thấy mụ bán rượu cười bả lả với vợ thủ trưởng:

- Vẫn chai đấy bà chị ạ, lần thứ mấy mươi rồi? Vợ thủ trưởng cười hiền lành, nụ cười của các bà vợ thủ trưởng:
- Chỉ nhỉnh hơn năm ngoái chút xíu bà chị ạ!
Tôi cúi mặt, đi vội sang hàng khác, sợ vợ thủ trưởng nhận ra anh chàng nhân viên tội nghiệp của thủ trưởng. Đang phân vân chọn rượu, mắt la mày lét như thằng ăn cắp, tôi lại thấy vợ thủ trưởng xách một cái làn nặng đi vào. Vài phút sau, từ phòng trong có tiếng cười vọng ra: - Vẫn chai đấy bà chị ạ, lần thứ mấy mươi rồi?



No comments: