Saturday, November 15, 2008

THIỀN CĂN BẢN 5

==

PHẦN II
TỌA THIỀN TAM-MUỘI
Trước Thuật: SAMGHARAKASA
Dịch Phạn-Hán: KUMÀRAJIVADịch Hán-Việt: THÍCH THANH TỪ
CHƯƠNG V
BỒ-TÁT TU NGŨ PHÁP
210. Bồ Tát Tu Ngũ Pháp
- Bồ-Tát Niệm Phật Tam-Muội - Bồ-Tát Quán Từ Tam-Muội
- Bồ-Tát Quán Bất Tịnh Tam-Muội - Bồ-Tát Quán Nhân Duyên Tam-Muội
- Bồ-Tát Quán A-na-ban-na
I. BỒ-TÁT NIỆM PHẬT TAM-MUỘI

1- Niệm sanh thân Phật.- Nếu hành giả muốn cầu Phật đạo, nhập thiền trước hệ tâm chuyên niệm thân sống của chư Phật khắp mười phương ba đời, chớ niệm đất, nước, gió, lửa, núi, sông, cây, cỏ. những loại hữu hình trong trời đất và các pháp khác, chỉ niệm thân sống của chư Phật ở tại hư không. Ví như biển cả nước trong xuất hiện bóng núi Tu Di Kim Sơn Vương, như trong đêm tối đốt ngọn lửa lớn, như trong miếu đại thí có tràng thất bảo. Thân Phật như thế, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thường phóng ra vô lượng ánh sáng thanh tịnh ở trong bầu trời xanh. Thường niệm tướng thân Phật như thế, hành giả liền được chư Phật khắp mười phương ba đời hiện trước tâm nhãn, được chánh định thấy tất cả. Nếu tâm duyên các chỗ khác liền thu nhiếp trở về trụ niệm tại thân Phật. Khi ấy liền được thấy phương Ðông ba trăm ngàn muôn ức chư Phật; phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tứ duy, thượng hạ cũng như thế. Tùy phương mình niệm được thấy tất cả chư Phật, như người ban đêm ra đứng xem sao, trăm ngàn vô lượng ngôi sao đều được thấy. Bồ-tát được Tam-muội này, trừ những tội dày từ vô lượng kiếp được mỏng, tội mỏng liền tiêu diệt.

2- Niệm Pháp thân Phật.- Ðược Tam-muội trên rồi, phải niệm vô lượng công đức của Phật: Trí biết tất cả, giải thoát tất cả, thấy khắp tất cả, có tất cả công đức, được đại từ, đại bi, tự tại, từ khi mới thoát khỏi vô minh được Tứ vô úy, Ngũ nhãn, Thập lực, Thập bát bất cộng pháp, hay trừ vô lượng khổ, cứu khỏi cái kiếp sợ già, chết, cho Niết-bàn thường lạc. Phật có những thứ công đức vô lượng như thế, khởi niệm ấy rồi tự phát nguyện rằng:

"Ta khi nào sẽ được thân Phật và công đức cao quý như Phật".

Lại phát thệ lớn:

"Tất cả phước đời quá khứ, tất cả phước đời hiện tại đem hết cầu Phật đạo, không mong quả nào khác".

Lại phát thệ:

"Tất cả chúng sanh rất đáng thương xót, thân và công đức chư Phật cao quý như vậy, tại sao chúng sanh lại cầu mong quả khác, mà không cầu làm Phật? Ví như người mù con nhà phú hộ rơi xuống hầm sâu, đói khát khổ sở, ăn phẩn ăn đất, cha rất thương xót tìm phương tiện cứu giúp, trao xuống hầm những thức ăn ngon".

Lại phát thệ:

"Hai thứ thân của Phật công đức cam lồ như vậy, mà chúng sanh rơi trong hầm sâu sanh tử, ăn toàn đồ bất tịnh, dùng tâm đại bi ta sẽ cứu giúp tất cả chúng sanh cho được Phật đạo, qua bờ sanh tử, lấy các thứ công đức pháp vị của Phật cho ăn thảy đều no đủ. Tất cả Phật pháp nguyện chúng sanh thảy đều đạt được. Nghe, tụng, gìn giữ, thưa hỏi, suy xét, thực hành, đắc quả là thềm thang vào đạo. Lập thệ trọng đại, mặc giáp Tam nguyện, ngoài phá chúng ma, trong giết giặc kiết sử, thẳng tiến không lùi".

Tam thệ nguyện như thế so với vô lượng thệ nguyện cùng đồng một phát điểm, vì độ chúng sanh được thành Phật đạo. Niệm như thế, thệ nguyện như thế là Bồ-tát niệm Phật Tam-muội.
II. BỒ-TÁT QUÁN BẤT TỊNH TAM-MUỘI

Hành giả Bồ-tát đối trong tam độc nếu thấy tham dâm nhiều nên trước tự quán thân ba mươi sáu vật: Xương, thịt, da, gân, mạch, máu, gan, phổi, bao tử, ruột v.v. và quán Cửu tưởng, các thứ bất tịnh. Chuyên tâm quán bên trong, không cho nghĩ các việc ngoài, có nghĩ các việc ngoài liền thu nhiếp trở về. Như người cầm đuốc vào kho chứa ngũ cốc, mỗi mỗi phân biệt rành rõ nào đậu, mè, lúa, bắp đều biết rõ ràng.

Quán thân có sáu phần, cứng thuộc về đất, ướt thuộc về nước, nóng thuộc về lửa, động thuộc về gió, lỗ trống thuộc về không, hiểu biết thuộc về thức. Như người mổ bò chia sáu phần: đầu, mình và tứ chi, mỗi phần tự khác. Thân cao chín lỗ thường chảy bất tịnh, túi da đựng đầy phẩn uế. Thường quán như thế không cho nghĩ gì khác, có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về. Nếu được nhất tâm, ý sanh nhàm chán mong rời khỏi thân này, muốn nó mau diệt để vào Niết-bàn. Khi ấy, phải phát đại từ, đại bi, dùng đại công đức cứu vớt chúng sanh làm sống dậy ba thệ nguyện trước. Bởi các chúng sanh không biết thân này là bất tịnh gây các tội cấu, ta phải vớt họ lên bờ cam lồ. Chúng sanh ở Dục giới mê đắm bất tịnh, như chó ăn phẩn, ta phải độ họ đến đạo thanh tịnh.

Lại ta phải học và cầu thật tướng của các pháp, không phải hữu thường, không phải vô thường, không phải tịnh, không phải bất tịnh, tại sao ta lại chấp cái bất tịnh này? Trí quán bất tịnh này là từ nhân duyên sanh, như ngã và pháp, phải cầu tướng chân thật của nó, tại sao nhàm chán trong thân bất tịnh mà chấp lấy Niết-bàn? Phải như voi lớn qua suối, chân giẵm tận đáy nguồn, được thật tướng của các pháp diệt sự nhập Niết-bàn, đâu phải như khỉ, thỏ v.v. kinh sợ dòng suối chỉ mong một mình lội qua. Ta nay phải học pháp Bồ-tát thực hành pháp quán bất tịnh để rộng hóa độ chúng sanh khiến lìa khỏi hoạn dâm dục, không bị quán bất tịnh làm chìm đắm.

Ðã quán bất tịnh thì nhàm chán sanh tử phải quán tịnh môn để bổ cứu lại. Quán tịnh là buộc tâm ba chỗ: sống mũi, giữa chặng mày và trên trán. Tưởng chính ngay nơi đó xẻ một tấc da, dẹp sạch máu thịt, buộc tâm tưởng xương trắng không nghĩ gì khác, có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về. Buộc tâm một trong ba chỗ hằng cùng vọng niệm tranh đấu, như hai người đánh nhau. Hành giả nếu thắng được vọng tâm không bằng bắt nó trụ một chỗ, trụ một chỗ gọi là nhất tâm. Hoặc nhàm chán, liền phát tâm đại bi thương xót chúng sanh, do quán xương rỗng này xa lìa Niết-bàn vào trong ba đường ác. Ta phải nỗ lực chuyên cần làm các thứ công đức, giáo hóa chúng sanh khiến thấu rõ tướng thân rỗng không, chỉ một lớp da mỏng che đậy bộ xương, toàn là một khối bất tịnh, tạm gọi là chúng sanh. Thứ tự phân biệt các pháp tướng, có một ít tướng tịnh tâm sanh ái trước, tướng bất tịnh nhiều tâm sanh nhàm chán, có tướng vượt ra nên sanh thật pháp. Trong tướng chân thật của các pháp không có tướng tịnh, bất tịnh, bít lấp, vượt ra. Quán các pháp bình đẳng không thể phá hoại, không thể biến động, đó gọi là thật tướng của các pháp.
III. BỒ-TÁT QUÁN TỪ TAM-MUỘI

Người thực hành đạo Bồ-tát, nếu thấy nóng giận nhiều nên hành tâm Từ. Hành giả nghĩ tưởng chúng sanh ở phương Ðông tâm Từ thanh tịnh thênh thang vô lượng, không có thù, không có giận, thấy các chúng sanh ấy thảy đều ở trước mắt. Phương Nam, Tây, Bắc, tứ duy, thượng hạ cũng như vậy. Kềm tâm hành Từ không cho nghĩ gì khác, nếu có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về, giữ tâm mục quán tất cả chúng sanh đều thấy rõ ràng ở trước. Nếu được nhất tâm phải phát nguyện rằng: "Ta lấy pháp Niết-bàn chân thật thanh tịnh độ thoát chúng sanh khiến được vuichân thật".

Hành Từ Tam-muội tâm được như thế là đạo Bồ-tát. Trụ Từ Tam-muội quán thật tướng các pháp thanh tịnh, không hoại, không động, nguyện cho chúng sanh đều được pháp lợi này. Lấy Từ Tam-muội này nghĩ tưởng tất cả chúng sanh ở phương Ðông khiến được vui như Phật. Khắp mười phương đều như thế, tâm không chuyển loạn, ấy gọi là môn Từ Tam-muội của Bồ-tát.

- Tại sao không một thời chung niệm cả mười phương chúng sanh?

- Trước niệm một phương dễ được nhất niệm, nhiên hậu thứ lớp niệm khắp các phương.

- Người có kẻ thù hằn muốn hại nhau, thế nào hành Từ muốn cho người thù vui được?

- Từ là tâm pháp, xuất sanh nơi tâm, trước nên nghĩ đến người thân, kế người không thân không sơ, sau chuyển lên kẻ thù, như ngọn lửa mạnh thì đốt khô các thứ ướt.

- Khi chúng sanh gặp các thứ nạn khổ hoặc ở trong loài người, hoặc trong địa ngục, Bồ-tát tuy có lòng từ mà chúng sanh kia làm sao được vui?

- Trước bắt nguồn nơi người vui, nhận tướng vui ấy khiến người khổ này được vui như người kia. Ví như quân tướng bại trận sợ khiếp đảm, xem quân địch thắng trận là dõng sĩ.

- Hành Từ Tam-muội có thiện lợi gì?

- Hành giả tự nghĩ: Người xuất gia lìa tục phải thực hành tâm Từ. Lại suy nghĩ: Ta ăn của tín thí phải làm gì cho có ích lợi, như Phật dạy: "Trong chốc lát hành Từ, ấy là tuân theo lời Phật dạy là người vào đạo không uổng của tín thí". Thân mặc chiếc áo hoại sắc, tâm không nên nhiễm thế tục, sức Từ Tam-muội khiến người không nhiễm. Ta tâm hành Từ, ở trong đời phi pháp ta là người có pháp, trong chúng phi pháp ta là người có pháp. Do sức định của Từ khiến người hành đúng pháp, đúng pháp thì không khổ não. Bồ-tát hành đạo là tiến đến cửa cam-lồ, các thứ nhiệt não do sức Từ làm mát mẻ vui vẻ. Như Phật nói: "Người khi nóng bức quá lắm vào hồ nước trong mát thì vui". Mặc chiếc giáp đại từ ngăn các mũi tên phiền não. Từ là thuốc pháp làm tiêu các thứ độc thù hận, phiền não đốt tâm. Từ hay trừ diệt, Từ là cái thang lên đài giải thoát, Từ là pháp thuyền đưa người qua biển sanh tử. Cầu của báu thiện pháp, Từ là món báu tối thượng. Người tìm Niết-bàn, Từ là lương thực đi đường, Từ là cặp chân mạnh tiến đến Niết-bàn. Từ là mãnh tướng vượt khỏi ba đường ác. Người hay thực hành Từ tiêu diệt các thứ ác, chư thiên, thiện thần thường ủng hộ.

- Nếu khi hành giả được Từ Tam-muội làm thế nào sẽ không mất mà lại tăng trưởng?

- Học giới thanh tịnh, tin vui học các thứ thiền định, nhất tâm, trí tuệ, ưa ở chỗ vắng vẻ, thường không buông lung ít muốn, biết đủ, việc làm đúng lời Phật dạy, tiết chế thân ít ăn, bớt ngủ, đầu hôm và khuya tư duy không bê trễ, giảm sự nói năng, lặng lẽ giữ an tịnh, đi đứng nằm ngồi biết thời chừng mực, không quá sức đến phải nhọc nhằn khổ sở, điều hòa sự nóng, lạnh không để não loạn, đó là tăng ích do Từ.

Lấy cái vui Phật đạo, cái vui Niết-bàn cho tất cả người, ấy gọi là đại từ. Hành giả suy nghĩ: Hiện tại, vị lai những vị đại nhân hành Từ làm lợi ích tất cả, ta cũng là một chúng sanh được cứu giúp, các Ngài là vị thần lành ủng hộ ta, ta phải hành từ để đền lại ơn ấy. Lại nghĩ rằng: Các vị đại đức tâm thương tưởng tất cả lấy đó làm vui, ta cũng phải như vậy, niệm tất cả chúng sanh nguyện họ được cái vui như Phật, cái vui Niết-bàn, ấy là đền ơn các Ngài. Sức Từ hay khiến tất cả tâm được khoái lạc, thân lìa nhiệt não được cái vui thanh lương, gìn giữ thực hành phước Từ nghĩ tưởng làm an ổn tất cả để đền ơn các Ngài.

Từ có những thứ thiện lợi: Từ đoạn sự nóng giận. Từ mở cửa tiếng tốt. Từ là thí chủ. Từ là ruộng tốt. Từ là nhân sanh Phạm Thiên. Từ ưa ở chỗ ly dục. Từ trừ hết gốc thù nghịch và tranh đấu. Từ được chư Phật khen ngợi. Từ thì người trí yêu mến. Từ hay giữ giới thanh tịnh. Từ sanh trí tuệ, sáng suốt. Từ hay nghe pháp lợi. Từ là công đức đề- hồ. Từ quyết định người tốt. Từ là sức mạnh của người xuất gia. Từ tiêu diệt các thức ác. Kẻ ác mắng chửi, dùng Từ đáp lại hay điều phục được. Từ là chỗ nhóm họp của các thứ khoái lạc. Từ là pháp sanh tinh tấn. Từ là mầm, gốc của sự giàu sang. Từ là tạng phủ của trí tuệ và biện tài. Từ là kho tàng thành tín. Từ là cửa của các thiện. Từ là pháp đến danh dự. Từ là cội gốc được kính yêu. Từ là đạo chân chánh của Phật. Nếu người gây sự ác trở lại tự chịu tai họa, có năm thứ lời nói ác: 1- Nói phi thời. 2- Nói không thật. 3- Nói không lợi. 4- Nói không từ. 5- Nói không nhu hòa. Không thể khuynh động được Từ. Tất cả độc hại cũng không xâm phạm được Từ, ví như một đóm lửa không thể đốt biển cả. Như trong Kinh Tỳ-la, Phẩm Ưu Ðiền Vương A-bà-na nói:

"Có hai vị phu nhân, một tên Vô Tỷ, một tên Xá-mê-bà-đế. Vô Tỷ phỉ báng Xá-mê-bà-đế, Xá-mê-bà-đế có năm trăm người hộ vệ, vua lấy năm trăm mũi tên muốn bắn chết hết. Xá-mê-bà-đế bảo những người hộ vệ: "Lại đứng sau ta"! Khi ấy Xá-mê-bà-đế nhập Từ Tam-muội, vua giương cung bắn bà. Mũi tên thứ nhất rớt dưới chân bà, mũi tên thứ hai trở lại rơi dưới chân vua. Vua kinh hãi, lại muốn phóng tên. Xá-mê-bà-đế bảo vua: "Dừng! Dừng lại. Vì nghĩa vợ chồng nên phải nói cho nhau, nếu phóng mũi tên này sẽ ghim thẳng vào tim ông". Vua khi ấy kinh khủng, buông cung, bỏ tên hỏi: "Ngươi có pháp thuật gì?". Ðáp: "Không có pháp thuật gì lạ, tôi là đệ tử Phật nhập Từ Tam-muội được như thế".

Từ Tam-muội lược nói có ba duyên: Sanh duyên, pháp duyên và vô duyên. Những vị chưa đắc đạo là sanh duyên. A-la-hán, Bích Chi Phật là pháp duyên. Chư Phật Thế Tôn là vô duyên. Ðó là đã lược nói môn Từ Tam-muội.
IV. BỒ-TÁT QUÁN NHÂN DUYÊN TAM-MUỘI

Người thực hành đạo Bồ-tát, đối trong ba độc, nếu thấy ngu si nhiều, phải quán mười hai nhân duyên phá hai thứ si.

- Trong phá si tự thân, ngoài phá si của chúng sanh. Suy nghĩ rằng: "Ta và chúng sanh đồng ở trong cảnh ách nạn, thường chịu sanh lão bệnh tử, thường tiêu diệt và thường vượt ra. Chúng sanh không biết lối ra thì làm sao được thoát, thật đáng thương xót!". Nhất tâm suy nghĩ sanh lão bệnh tử là do nhân duyên sanh. Lại phải suy nghĩ do nhân nào duyên sanh? Nhất tâm suy nghĩ nhân Sanh duyên Hữu, nhân Hữu duyên Thủ, nhân Thủ duyên Ái, nhân Ái duyên Thọ, nhân Thọ duyên Xúc, nhân Xúc duyên Lục nhập, nhân Lục nhập duyên Danh sắc, nhân Danh sắc duyên Thức, nhân Thức duyên Hành, nhân Hành duyên Vô minh. Lại suy nghĩ: Phải dùng nhân duyên nào diệt Sanh, Lão, Tử? Nhất tâm suy nghĩ vì Sanh diệt nên Lão tử diệt, Hữu diệt nên Sanh diệt, Thủ diệt nên Hữu diệt, Ái diệt nên Thủ diệt, Thọ diệt nên Ái diệt, Xúc diệt nên Thọ diệt, Lục nhập diệt nên Xúc diệt, Danh sắc diệt nên Lục nhập diệt, Thức diệt nên danh sắc diệt, Hành diệt nên Thức diệt, Vô minh diệt nên Hành diệt.

- Trong Mười hai phần này, thế nào là Vô minh?

- Không biết trước, không biết sau, không biết cả trước sau; không biết trong , không biết ngoài, không biết cả trong ngoài; không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tăng; không biết Khổ, không biết Tập, không biết Diệt, không biết Ðạo; không biết nghiệp, không biết quả, không biết cả nghiệp quả; không biết nhân, không biết duyên, không biết cả nhân duyên; không biết tội, không biết phước, không biết cả tội phước; không biết thiện, không biết ác, không biết cả thiện ác; không biết việc có tội, không biết việc không tội; không biết việc nên gần, không biết việc nên xa; không biết pháp hữu lậu, không biết pháp vô lậu; không biết pháp thế gian, không biết pháp xuất thế gian; không biết pháp quá khứ, không biết pháp vị lai, không biết pháp hiện tại; không biết pháp hắc, không biết pháp bạch; không biết phân biệt pháp nhân duyên, không biết pháp lục xúc, không biết pháp thật chứng. Các thứ như thế, không biết, không tuệ, không thấy, mờ mịt tối tăm, ấy gọi là Vô minh.

- Vô minh duyên Hành, thế nào là Hành?

- Hành có ba thứ: Thân hành, khẩu hành, ý hành. Hơi thở vào, ra là pháp thân hành. Vì pháp ấy thuộc về thân, nên gọi thân hành. Có giác, có quán là khẩu hành. Vì khởi giác, quán rồi sau mới nói năng, nếu không giác, quán thì không có nói năng, ấy gọi là khẩu hành. Thọ nhận là ý pháp. Vì hệ buộc ý nên gọi là ý hành. Tam giới đều thuộc về hành. Lại có thiện hành, bất thiện hành, bất động hành. Thế nào là thiện hành? Tất cả thiện hành ở Dục giới và ba địa ở Sắc giới là thiện hành. Thế nào là bất thiện hành? Các pháp bất thiện gọi là bất thiện hành. Thế nào là bất động hành? Thiện hành hữu lậu đế Tứ thiền và cái hành thiện hữu lậu Vô sắc định.

- Nhân Hành duyên Thức, thế nào là Thức?

- Có sáu thức, Nhãn thức cho đến Ý thức.

- Nhân thức duyên Danh sắc, thế nào là Danh sắc?

- Bốn phần không có hình sắc: Thọ, tưởng, hành, thức gọi là Danh. Tất cả tứ đại và hình tướng do tứ đại họp thành là Sắc. Thế nào là tứ đại ? Ðất, nước, lửa, gió. Thế nào là đất v.v.? Tướng cứng chắc nặng nề là đất. Tướng ẩm ướt là nước. Tướng ấm nóng là lửa. Tướng nhẹ động là gió. Các hình tướng thấy được, có đối hoặc không đối là hình tướng do tứ đại hợp thành. Danh và Sắc hòa hợp nên gọi là Danh sắc.

- Nhân Danh sắc duyên Lục nhập, thế nào là Lục nhập?

- Bên trong có sáu nhập, Nhãn nhập cho đến Ý nhập, gọi là Lục nhập. - Nhân Lục nhập duyên Xúc, thế nào là Xúc?

- Xúc có sáu thứ, Nhãn xúc cho đến Ý xúc. Con mắt duyên sắc sanh Nhãn thức, ba pháp hòa hợp gọi là Nhãn xúc. Cho đến Ý xúc cũng như thế.

- Nhân Xúc duyên Thọ, thế nào là Thọ?

- Thọ có ba thứ, lạc thọ, khổ thọ và không khổ không lạc thọ. Những cái nhận chịu do yêu thích sai khiến là lạc thọ, do giận tức sai khiến là khổ thọ, do si mê sai khiến là không khổ không lạc thọ. Lại nữa, lạc thọ sanh khổ, vì lạc trụ và lạc diệt; khổ thọ sanh lạc, vì khổ trụ và khổ diệt; không khổ không lạc thọ, vì không biết khổ không biết lạc.

- Nhân Thọ duyên Ái, thế nào là Ái?

- Mắt tiếp xúc sắc sanh ái, cho đến ý tiếp xúc pháp sanh ái.

- Nhân Ái duyên Thủ, thế nào là Thủ?

- Thủ có bốn thứ, dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã ngữ thủ.

- Nhân Thủ duyên Hữu, thế nào là Hữu?

- Hữu có ba thứ, Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Dưới từ đại địa ngục A-tỳ lên đến cõi trời Hóa Tự Tại là Dục hữu. Chúng sanh ở đây hay sanh nghiệp. Dưới từ cõi trời Phạm Thế lên đến cõi trời A-ca-ni-tra là Sắc hữu. Từ hư không cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ là Vô sắc hữu. - Nhân Hữu duyên Sanh, thế nào là Sanh?

- Các loài chúng sanh mỗi chỗ sanh ra có thọ ấm, được gìn giữ, thụ nhân và mạng sống, gọi là Sanh.

- Nhân Sanh duyên Lão tử, thế nào là Lão tử?

- Da nhăn, tóc bạc, răng lay, các bộ phận kém yếu hư hỏng, hơi thở hay ngăn nghẹn, thân khòm đi phải chống gậy, thân ngũ ấm khô gầy, ấy gọi là Lão. Tất cả chúng sanh nơi nào cũng đều đến chỗ tiêu diệt, dứt mạng sống gọi là Tử. Trước già sau chết nên nói Lão tử.

Tất cả thế gian đều nương Mười hai nhân duyên này xuất hiện, không phải trời, người, các thứ tà duyên sanh ra. Bồ-tát quán Mười hai nhân duyên kềm tâm không động, không nghĩ gì khác, nếu có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về. Quán Mười hai nhân duyên sanh trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai. Bồ-tát nếu được tâm trụ, phải quán Mười hai nhân duyên là không, không có chủ. Do si mê nên không biết ta tác hành, không biết ta từ si mê có, chỉ duyên Vô minh Hành sanh. Như cỏ cây đều từ hạt giống cái mầm mà ra, hạt giống không biết ta có mầm, mầm không biết ta từ hạt giống ra. Cho đến Lão tử cũng như thế. Trong Mười hai nhân duyên mỗi mỗi quán biết không chủ, chỉ do kiến chấp điên đảo mà có tôi ta.

Nếu không có tôi ta thì không chủ không tạo sáu trần làm duyên sanh ra sáu thức, do ba việc hòa hợp nên sanh xúc chạm, nghĩ biết các nghiệp phát sanh, bởi thế xưa nay nói từ đây mà có sống chết. Ví như hòn châu Nhật Ái, mặt trời, bổi hòa hợp liền có lửa xuất hiện, ngũ ấm cũng như thế. Nhân ngũ ấm đời này, sanh ngũ ấm đời sau, không phải ngũ ấm này tiếp tục đến đời sau, cũng không phải lìa ngũ ấm này có ngũ ấm đời sau. Ngũ ấm do nhân duyên xuất hiện, như hạt giống sanh mầm, hạt giống không phải mầm, cũng không phải do các mầm khác sanh mầm này, không phải khác, không phải một. Thân đời sau cũng như vậy. Ví như cây khi chưa có thân, cành lá, hoa, quả, thời tiết nhân duyên đến hoa, lá trổ đầy đủ, quả báo của hành động thiện, ác cũng như thế. Hạt giống hư hoại nên không phải thường, không phải một: thân, cành, lá v.v. sanh trưởng nên không phải đoạn, không phải khác. Sự chết sống liên tục cũng như thế.

Hành giả biết các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tự sanh, tự diệt, biết nhân ái v.v. mà có, biết nhân diệt thì hết, biết hết ấy là đạo. Dùng bốn món trí biết Mười hai nhân duyên là chánh kiến đạo. Chúng sanh bị trói buộc trong cuồng loạn, như người có hạt châu vô giá mà không nhận biết giá trị chân thật của nó, bị người khác lừa bịp. Khi ấy, Bồ-tát phát tâm đại bi: Ta sẽ thành Phật lấy giáo pháp chân chánh hóa độ chúng sanh khiến thấy được chánh đạo. Như trong Ma-ha-diễn Bát-nhã ba-la-mật nói: "Các pháp không sanh, không diệt, không có thật, nhất tướng vô tướng, ấy gọi là chánh kiến".

Tại sao ở đây không nói quán vô thường v.v. gọi là chánh kiến? Nếu trong Ma-ha-diễn nói "Các pháp không vô tướng" thì tại sao cho vô thường, khổ, không v.v. là không thật? Nếu nói "Không sanh, không diệt, không thật có" là thật tướng thì không nên nói vô tướng?

Ông nói trước sau không hợp nhau. Phật nói bốn món điên đảo cũng có đạo lý. Tất cả pháp hữu vi là vô thường. Vì sao? Vì nhân duyên sanh. Nhân vô thường, duyên vô thường sanh quả thì làm sao thường được? Trước không nay có, đã có trở lại không .

Tất cả chúng sanh đều thấy vô thường, nơi thân thì già, bệnh, chết, ngoài cảnh thì vạn vật úa tàn rơi rụng, tại sao nói vô thường không phải là chân thật?

- Tôi không nói hữu thường là thật, vô thường không thật, chỉ nói hữu thường vô thường đều không thật. Vì sao? Như Phật nói trong Không, hữu thường vô thường hai việc không thể có. Nếu chấp hai việc này thì đồng điên đảo?

- Lời nói của ông cùng pháp không hợp. Vì sao? Ðã nói không thể có, tại sao lại nói hai việc đều điên đảo?

- Tất cả pháp là không, không thật có là thật không điên đảo. Nếu tôi phá cái chấp hữu thường thì phải nắm pháp vô thường, khi ngã, pháp đều phá chỉ còn không thật ngã. Vì phá cái chấp hữu thường nên phải quán vô thường. Vì sao? Vì sức vô thường hay phá hữu thường như thứ độc này hay phá các thứ độc khác. Như thuốc trị bệnh, bệnh lành thuốc cũng phải bỏ. Phải biết thuốc hay trị lành bệnh, nếu bệnh lành không bỏ thuốc, thuốc sẽ trở làm bệnh. Pháp quán vô thường trừ chấp hữu thường cũng như thế. Nếu còn chấp pháp vô thường cũng phải phá, vì nó không thật.

- Tôi không chấp pháp vô thường thì tại sao lại phá? Phật nói: "Trong Tứ chân đế, khổ là thật khổ, không ai có thể làm cho nó vui được. Nhân khổ là thật nhân, không ai có thể đổi nhân nào khác được. Diệt khổ là thật diệt, không ai có thể khiến không diệt được. Ðạo diệt là thật đạo, không ai có thể làm cho nó phi đạo được. Giả sử mặt trời đổi thành lạnh, mặt trăng thành nóng, gió khiến không động, Tứ chân đế trọn không thể đổi dời được".

Ông đối trong Ma-ha-diễn không thấu rõ chỉ chấp ngôn thinh. Trong Ma-ha-diễn nói thật tướng của các pháp, thật tướng thì không thể phá, không có tạo tác, nếu có thể phá, có thể tạo tác, thì đó không phải là Ma-ha-diễn (Ðại thừa) rồi. Như mặt trăng trong những ngày đầu tháng rất mờ, có người sáng mắt trông thấy, lấy tay chỉ cho người không thấy, người kia chỉ nhìn ngón tay mà không thấy mặt trăng. Người sáng mắt trách: "Anh ngu! Tại sao chỉ nhìn ngón tay tôi. Ngón tay là để chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng". Ông cũng như thế, nói năng không phải là tướng chân thật, chỉ mượn lời nói phô diễn thật lý, ông lại chấp lời nói là thật tướng.

Hành giả chánh kiến như thế phải quán Mười hai nhân duyên hòa hợp làm hai phần, nhân và quả. Khi quả, Mười hai nhân duyên là Khổ đế. Khi nhân, Mười hai nhân duyên là Tập đế. Nhân diệt là Diệt đế. Thấy nhân quả diệt là Ðạo đế. Bốn thứ quán quả: Vô thường, khổ, không, vô ngã. Bốn thứ quán nhân: Tập, nhân, duyên, sanh.

- Quả có bốn thứ tại sao chỉ gọi khổ là Khổ đế, còn ba thứ kia không được tên đế?

- Nếu đã nghi thì dù nói vô thường đế, khổ đế, vô ngã đế v.v. cũng vẫn nghi, đó chẳng qua là một lối nạn vấn thôi. Lại nữa, nếu nói vô thường đế không lỗi, không, vô ngã đế cũng không lỗi; nếu nói vô thường, khổ, không, vô ngã đế, lời nói nặng nề nên chỉ nói một trong bốn thứ.

- Khổ có tướng gì đặc biệt nên trong bốn thứ chỉ riêng gọi nó?

- Khổ là cái mà tất cả chúng sanh đều chán ngán, đều kinh sợ, vô thường không như thế. Hoặc có người bị khổ ép ngặt suy nghĩ muốn được vô thường, chớ không có ai muốn được khổ.

- Có người dám cầm dao tự sát, hoặc dùng mũi nhọn đâm vào thân, hoặc uống thuốc độc, hoặc vào chỗ binh đao, các thứ như thế đâu không phải họ tìm khổ?

- Không phải họ muốn được khổ, mà chính vì muốn được vui bởi quá sợ khổ, họ mới tìm đến cái chết. Khổ là hoạn họa đệ nhất, vui là cái lợi đệ nhất. Do lìa cái thật khổ thì được khoái lạc. Bởi thế, Phật đứng về mặt quả nên riêng nói là khổ đế, không phải vô thường, không, vô ngã đế.

Ðối trong tứ đế có trí tuệ chân thật, hiểu biết rành rõ không nghi ngờ, ấy gọi là Chánh kiến. Suy xét việc ấy mỗi mỗi đều được tăng ích, gọi là Chánh giác. Trừ tà mạng, nhiếp thu bốn món tà ngữ, lìa bốn món tà ngữ thực hành bốn món Chánh ngữ. Trừ tà mạng, nhiếp thu ba nghiệp nơi thân. Trừ ba món tà nghiệp nơi thân, gọi là Chánh nghiệp. Lìa các thứ tà mạng, gọi là Chánh mạng. Khi quán như thế tinh tấn tu hành, gọi là Chánh phương tiện. Nghĩ nhớ việc ấy không tán loạn là Chánh niệm. Suy xét việc ấy tâm không xao động, gọi là Chánh định. Chánh kiến như vua có bảy việc theo bên mình, gọi là Ðạo đế.

Ðối Tứ đế, nhất tâm tin thật không khuynh động là Tín căn; nhất tâm chuyên cần cầu đạo là Tinh tấn căn; nhất tâm nghĩ nhớ không quên mất là Niệm căn; tâm trụ một chỗ không dong ruổi lăng xăng là Ðịnh căn; suy xét phân biệt giác ngộ lý vô thường v.v. là Tuệ căn. Căn này tăng trưởng có sức mạnh gọi là Ngũ lực.

- Trong Bát chánh đạo đã nói Tuệ, Niệm, Ðịnh v.v. tại sao trong Ngũ căn còn lặp lại?

- Tùy khi vào tu tập, lúc đầu được lợi nhỏ, gọi là Căn; năm việc này tăng trưởng có sức mạnh gọi là Lực; mới vào vô lậu thấy Ðế, Trung đạo, công đức gọi là Bát chánh đạo; khi vào tư duy gọi là Thất giác ý; khi mới vào đạo quán niệm Thân, Thọ, Tâm, Pháp, thường nhất tâm nghĩ nhớ gọi là Tứ niệm chỉ; niệm như thế được pháp vị thiện bốn món chuyên cần gọi là Tứ chánh cần; sự mong muốn tinh tấn như thế là môn ban đầu của định, tuệ, chuyên cần cầu được tự tại như ý gọi là Tứ thần túc. Tuy gọi Tứ niệm chỉ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn v.v. đều nhiếp nhau, tùy khi thực hành trước, sau, ít, nhiều theo mỗi hạnh, địa mà đặt tên. Ví như Tứ đại, mỗi mỗi đều có tứ đại, chỉ cái nào nhiều thì đặt tên cái ấy. Nếu chỗ địa chủng nhiều, thủy, hỏa, phong ít, gọi là địa đại. Thủy, hỏa, phong cũng như thế. Cũng như vậy, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo mỗi mỗi đều có các phẩm khác. Như trong Tứ niệm chỉ có Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo . Như thế, quán Mười hai nhân duyên, Tứ đế; hành Tứ niệm chỉ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo tâm đượcan lạc.

Lấy pháp này độ chúng sanh giải thoát, nhất tâm thệ nguyện tinh tấn cầu Phật đạo. Khi ấy, trong tâm suy nghĩ quán niệm: Ta quán biết rõ ràng đạo này, không nên nhận chứng quả, bởi sức của hai việc chưa vào Niết-bàn. Sức đại bi không bỏ chúng sanh. Sức biết rõ thật tướng của các pháp. Các tâm vương , tâm sở đều từ nhân duyên sanh, tại sao ta nay tùy cái không thật này? Phải tự suy xét phải vào thâm quán Mười hai nhân duyên, biết nhân duyên là pháp gì?

Suy nghĩ bốn thứ duyên: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Năm nhân là nhân duyên. Trừ những vị tối hậu tâm A-la-hán ở quá khứ, hiện tại, ngoài ra tâm vương, tâm sở quá khứ, hiện tại đều thuộc Thứ đệ duyên. Duyên duyên và Tăng thượng duyên là duyên tất cả pháp.

Tự suy nghĩ: Nếu pháp có trước nhân duyên thì không nên nói pháp ấy do nhân duyên sanh. Nếu pháp không có nhân duyên cũng không nên nói trong nhân duyên sanh. Sanh phải có bạn, nếu không bạn, cũng không nên nói nhân duyên sanh. Như vậy làm sao có nhân duyên? Nếu pháp chưa sanh, nếu quá khứ tâm vương, tâm sở mất thì làm sao tạo thành Thứ đệ duyên? Nếu trong Phật pháp, diệu pháp và Niết-bàn không duyên thì làm gì có Duyên duyên? Nếu các pháp thật không tánh thì không thể có pháp. Nếu nói nhân duyên sanh quả, nhân đây có kia cũng không thể được. Nếu trong nhân duyên mỗi cái ở riêng, hoặc hòa hợp một chỗ, quả ấy cũng không thể được. Tại sao nói nhân duyên sanh quả? Vì trong nhân duyên không có quả. Nếu trong nhân duyên trước không có quả mà sau sanh quả thì đâu không phải phi nhân duyên sanh quả? Vì cả hai nhân duyên và phi nhân duyên đều không. Quả thuộc nhân duyên bên nhân duyên sanh, nhân duyên ấy không tự tại, vì còn thuộc các nhân duyên khác, quả ấy cũng thuộc các nhân duyên khác. Do đó, quả không từ nhân duyên mà có, cũng không từ phi nhân duyên mà có, thế là phi quả. Quả đã không, cho nên duyên cùng phi duyên cũng không.

- Phật nói Mười hai nhân duyên, vô minh duyên các hành, tại sao ông nói không nhân quả?

- Trước đã nói đủ không nên nạn lại. Nếu nạn lại sẽ đáp. Phật nói con mắt nhân nơi sắc duyên với si sanh nghĩ nhớ tà. Si tức là vô minh. Trong ấy vô minh nương tại chỗ nào? Nương con mắt chăng? Nương sắc chăng? Nương thức chăng? Không thể nương con mắt, nếu nương con mắt lý ưng thường si mê không cần đợi sắc đến. Nếu nương sắc thì không cần mắt thấy, đã ở tại sắc thì si mê thuộc bên ngoài đâu can dự đến ta. Nếu nương nơi thức, thức không hình thể, không đối đãi, không xúc chạm, không phần, không chỗ, vô minh cũng như vậy thì làm sao thành nương? Thế nên vô minh không phải trong, không phải ngoài, không phải giữa trong và ngoài, không phải đời trước đến, không phải đời sau lại, không phải Ðông, Tây, Nam, Bắc, tứ duy thượng hạ đến, không có thật pháp, tánh vô minh là vậy. Rõ được tánh vô minh thì trở thành minh. Mỗi mỗi tìm xét cái si mê không thể có thì làm gì có vô minh duyên hành. Như hư không bản tánh thanh tịnh không sanh, không diệt, không có, không mất. Vô minh cũng như vậy, không sanh, không diệt, không có, không mất, bản tánh thanh tịnh. Cho đến Sanh duyên Lão tử cũng như vậy.

Bồ-tát quán Mười hai nhân duyên như thế, biết chúng sanh hư dối bị ràng buộc tại khổ hoạn nên dễ độ thoát, nếu các pháp có tướng chân thật thì không thể độ được. Suy nghĩ như thế thì phá được ngu si.
V. BỒ-TÁT QUÁN A-NA-BAN-NA

Nếu Bồ-tát tự thấy tâm nhiều lo nghĩ nên thường niệm pháp A-na-ban-na. Khi hơi thở vào, ra đếm một, cứ thế đến mười, mỗi mỗi không cho tâm dong ruổi tán loạn. Bồ-tát từ pháp môn này được nhất tâm trừ ngũ cái. Bồ-tát thấy đạo nên thực hành ba thứ nhẫn: Sanh nhẫn, Nhu thuận pháp nhẫn, Vô sanh pháp nhẫn.

Thế nào là Sanh nhẫn? Tất cả chúng sanh hoặc chửi, hoặc đánh, hoặc giết, mọi việc ác mà tâm không động chuyển, không giận, không ghét. Chẳng những nhẫn chịu sự đau khổ đó, mà lại khởi lòng thương xót các chúng sanh này, cầu việc tốt, mong cho họ được tất cả, tâm không bỏ họ. Khi ấy dần dần được hiểu rõ thật tướng của các pháp, như hơi xông thấm. Ví như mẹ hiền thương con đỏ, cho bú xú nuôi nấng, mọi sự nhơ nhớp không nhờm gớm, càng thêm thương xót muốn cho con được vui vẻ. Hành giả cũng như vậy, tất cả chúng sanh làm mọi việc ác, làm tịnh, làm bất tịnh, tâm cũng không chán ghét, không thối, không chuyển. Lại nữa, chúng sanh khắp mười phương một mình ta phải độ hết khiến cả thảy đều được Phật đạo. Tâm nhẫn không thối, không hối, không bỏ, không lười, không chán, không sợ, không thấy khó. Trong pháp sanh nhẫn này nhất tâm buộc niệm suy nghĩ ba việc trên, không cho tâm nghĩ gì khác, có nghĩ các việc khác liền thu nhiếp trở về, đó gọi là Sanh nhẫn.

Thế nào là Nhu thuận pháp nhẫn? Bồ-tát đã được Sanh nhẫn công đức vô lượng biết công đức phước báo ấy là vô thường. Khi ấy, chán cái phước vô thường, cầu cái phước thường, cũng vì chúng sanh cầu pháp thường trụ. Tất cả pháp có hình sắc, không hình sắc, pháp thấy được, pháp không thấy được, pháp có đối, pháp không đối, pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, thượng, trung, hạ tìm thấu thật tướng của nó.

Thế nào là thật tướng? Không phải hữu thường, không phải vô thường, không phải lạc, không phải không lạc, không phải không, không phải chẳng không, không phải hữu ngã, không phải vô ngã.

Vì sao không phải hữu thường? Vì nhân duyên sanh vậy. Trước không nay có, đã có trở lại không, thế nên không phải hữu thường.

Vì sao không phải vô thường? Vì nghiệp báo không mất, vì nhận trần cảnh bên ngoài, vì nhân duyên tăng trưởng, nên không phải vô thường. Vì sao không phải lạc? Vì trong cái khổ mới sanh tưởng là lạc, vì tất cả tánh là vô thường, vì nương nơi dục sanh, nên không phải lạc.

Vì sao không phải không lạc?Vì có thọ lạc, vì dục nhiễm sanh, vì cầu lạc không tiếc thân mạng, nên không phải không lạc.

Vì sao không phải không?Vì có quả báo tội phước, vì tất cả chúng sanh đều tin, nên không phải không.

Vì sao không phải chẳng không? Vì hòa hợp v.v. sanh, vì phân biệt tìm không thể được, vì sức tâm chuyển, nên không phải chẳng không.

Vì sao không phải hữu ngã?Vì không tự tại, vì giới hạn bảy thức không có, vì tướng ngã không thể thành, nên không phải hữu ngã.

Vì sao không phải vô ngã? Vì có đời sau, vì được giải thoát, vì mỗi tâm của ta sanh khởi không thể tính chỗ nơi, nên không phải vô ngã. Như thế, không sanh, không diệt, không phải không sanh, không phải không diệt, không phải có, không phải không, không thọ, không trước, bặt sự nói năng, dứt đường tâm nghĩ, như pháp Niết-bàn là pháp thật tướng. Ở trong pháp này tín tâm thanh tịnh, không ngăn, không ngại, hiểu biết mềm dẻo, lòng tin mềm dẻo, tinh tấn mềm dẻo, ấy gọi là Nhu thuận pháp nhẫn.

Thế nào là Vô sanh pháp nhẫn? Như trong pháp thật tướng ở trên, người lợi căn trí tuệ, tín tâm, tinh tấn được tăng trưởng, gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Ví như trong pháp Thanh văn Noãn pháp, Ðảnh pháp trí tuệ, tín tâm, tinh tấn tăng trưởng được Nhẫn pháp. Nhẫn là nhẫn Niết-bàn, nhẫn pháp vô lậu nên gọi là Nhẫn. Mới được mới thấy gọi là Nhẫn. Những vị Thời giải thoát A-la-hán (độn căn A-la-hán) không được Vô sanh trí, tăng tiến rộng làm lợi ích chuyển thành Bất thời giải thoát A-la-hán (lợi căn A-la-hán) được Vô sanh trí. Vô sanh pháp nhẫn cũng như thế, những vị chưa được quả Bồ-tát mà được Vô sanh pháp nhẫn liền được cụ hạnh quả Bồ-tát, ấy gọi là đạo quả Bồ-tát. Khi ấy được Ban Châu Tam-muội, đối trong chúng sanh được đại bi, vào cửa Bát-nhã ba-la-mật. Khi đó, chư Phật thọ ký pháp hiệu, tùy sanh trong cõi Phật, được chư Phật niệm tưởng, tất cả tội nặng được nhẹ, tội nhẹ liền tiêu diệt, dứt ba đường ác, thường sanh cõi người, cõi trời, gọi là bất thối chuyển đến chỗ Bất động; nhục thân rốt sau được nhập trong Pháp thân, hay tạo các thứ biến hóa, độ thoát tất cả chúng sanh, đầy đủ lục độ để cúng dường chư Phật, làm thanh tịnh cõi Phật, đức thành tựu viên mãn, lần lượt được quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ấy là Sơ môn trong pháp thiền của Bồ-tát


===

THIỀN CĂN BẢN
Ðại Sư Trí Khải; Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Nhà Xuất Bản Trí Thức

PHẦN II
TỌA THIỀN TAM-MUỘI
Trước Thuật: SAMGHARAKASA
Dịch Phạn-Hán: KUMÀRAJIVADịch Hán-Việt: THÍCH THANH TỪ
CHƯƠNG VI
TỔNG KẾT

Hành giả khi định tâm cầu đạo,
Thường phải xét xem thời, phương tiện,
Nếu không hợp thời, không phương tiện,
Như thế là thất, không có lợi.
Như trâu chưa sanh con không sữa,
Vì sữa không thể có phi thời,
Nếu trâu đã sanh, tìm nơi sừng,
Sữa không thể có, ấy kẻ ngu.
Như dùi cây ướt mong ra lửa,
Vì lửa không thể có phi thời,
Nếu chẻ cây khô để tìm lửa,
Lửa không thể có, ấy kẻ ngu.
Phải chỗ, biết thời, lượng sức mình,
Quán tâm phương tiện sức nhiều ít,
Ðáng nên tinh tấn và không nên,
Tướng đạo hợp thời và không hợp.
Nếu tâm diêu động không dụng quá,
Dụng quá tất nhiên không thể định,
Ví như củi nhiều lửa cháy mạnh,
Gió to thổi đến không thể diệt.
Nếu khéo dùng định tự điều tâm,
Như thế động hết tâm được định,
Ví như lửa mạnh gặp gió lớn,
Mưa to tưới xuống ắt phải tắt.
Nếu người tâm yếu và lười biếng,
Như thế, chán bỏ không thể hành,
Ví như củi ít, chỉ đóm lửa,
Không gặp gió thổi liền tiêu diệt.
Nếu người tinh tấn tâm mạnh mẽ,
Như thế càng mạnh, chóng được đạo,
Ví như lửa ít, rất nhiều củi,
Gặp gió thổi đến càng cháy mạnh.
Nếu hành phóng xả, Chỉ điều phục,
Mà lại bỏ bê mất pháp lợi,
Ví như người bệnh nên nuôi dưỡng,
Mà lại bỏ đi không thể sống.
Nếu có tưởng xả, tâm chân chánh,
Hợp thời, siêng hành mau đắc đạo,
Ví như người nài cỡi mình voi,
Tùy ý sai sử không trở ngại.
Nếu người nhiều dâm, tâm rối loạn,
Khi ấy, không nên hành pháp Từ,
Nhiều dâm hành Từ thêm mê muội,
Như người bệnh lạnh, uống thuốc mát.
Người dâm dục nhiều, quán bất tịnh,
Chuyên quán bất tịnh tâm được định,
Hành pháp như thế mới thích hợp,
Như người bệnh lạnh, uống thuốc nóng.
Nếu nóng giận nhiều, tâm rối loạn,
Khi ấy, không nên quán bất tịnh,
Người sân quán thế, thêm tức giận,
Như người bệnh nóng, uống thuốc nóng.
Người nhiều nóng giận hành Từ tâm,
Hành Từ chẳng bỏ, sân tâm diệt,
Hành pháp như thế mới tương ưng,
Như người bệnh nóng, uống thuốc mát.
Nếu nhiều mê muội tâm mờ mịt,
Không nên hành Từ và Bất tịnh,
Hai pháp tăng si không lợi ích,
Như người bệnh cảm, uống thuốc bổ.
Người tâm mê muội, quán Nhân duyên,
Phân biệt quán kỹ, si tâm diệt,
Hành pháp như thế mới thích hợp,
Như người bệnh cảm, uống thuốc cảm.
Ví như thợ bạc thổi lò lửa,
Dụng công phi thời, thổi sai pháp,
Lăng xăng gấp thổi không biết thời,
Hoặc khi nhúng nước, hoặc lấy ra.
Vàng chảy thổi nhiều, ắt chảy tiêu,
Chưa chảy bèn dừng thì không chảy,
Nhúng nước phi thời vàng vẫn sống,
Phi thời dừng nghỉ vàng không chín.
Tinh tấn nhiếp tâm và phóng xả,
Phải nên xem xét pháp hành đạo,
Phi thời, phương tiện mất pháp lợi,
Nếu không pháp lợi thì không lợi.
Ví như thầy thuốc ba thứ bệnh:
Lạnh, nóng, phong phải nên trừ diệt,
Hợp bệnh cho thuốc là pháp Phật,
Bệnh tham, sân, si tùy thuốc diệt.


http://www.lotusmedia.net/unicode/ThienCanBan/u-tcb-211.html
====

No comments: