Saturday, November 15, 2008

ĐỒNG MÔNG CHỈ QUÁN * TẬP 1

==

ĐỒNG MÔNG CHỈ QUÁN
ĐÃI SƯ TRÍ KHẢI

====

LỜI CỦA DỊCH GIẢ



Trong các bản Chỉ Quán hiện lưu hành, tôi thấy có bốn bản:

1) Là "Viên Đốn Chỉ Quán", 10 quyển, do Ngài Quán Đính Chương An (561-632) đệ tử của Ngài Trí Khải ghi.

2) Là "Tiệm Thứ Chỉ Quán", 30 quyển, do Ngài Pháp Thận đệ tử của Ngài Hoài Tổ (624-697) ghi.

3) Là "Bất Định Chỉ Quán", 1 quyển, còn có tên là "Lục Diệu pháp môn", khuyết danh.

4) Là "Đồng Mông Chỉ Quán", 1 quyển, còn có tên là "Tiểu Chỉ Quán hay còn gọi là "Pháp yếu tọa thiền tu tập Chỉ Quán" do Ngài Trí Khải viết ra.

Trong bốn bản Chỉ Quán nói trên, Đồng Mông Chỉ Quán là một trước tác rất hàm xúc và có hệ thống. Nội dung lại chú trọng hoàn toàn đến thực hành, người đọc dễ dàng lãnh hội các phương pháp tu tập. Bởi lẽ, Trí Giả Đại Sư viết ra sau khi Ngài đã ngộ được diệu lý của Pháp Hoa Tam Muội.

Tuy gọi là Đồng Mông, nhưng văn bản cũng khá dài. Vì thế, khi dịch tôi thấy cần tóm tắt để tiện cho sự học hỏi. Nói là tóm tắt, nhưng phần chính văn thì tôi rất tôn trọng, không dám lược bỏ cao ý của nguyên tác.

Thiền sư TRÍ KHẢI (538-597) người Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Ngài sinh năm Đại Đồng thứ 4 (538) đời nhà Lương (502-588) 6 năm trước khi vua Lý Nam Đế (544-548) của Việt Nam lên ngôi.

Năm 18 tuổi, Ngài xuất gia theo học với Ngài Tuệ Tư (515-577) tu ở núi Đại Tô, Quảng Châu, tỉnh Hà Nam. được một thời gian, Ngài lại theo Thầy đến núi Nam Nhạc, tỉnh Hồ nam. Do vậy nên người đương thời thường tôn xưng Ngài Tuệ Tư là Nam Nhạc Đại Sư. Ngài tham học pháp Pháp Hoa Tam Muội và rất chuyên tâm tu tập nên Ngài đã ngộ triệt để diệu lý Pháp Hoa Tam Muội[1]

Sau Ngài về trú trì chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng, tỉnh Giang Tô. Ở đây. Ngài luôn thăng tòa thuyết pháp Kinh Pháp Hoa. Ngài giảng kinh Pháp Hoa hay đến mức siêu tuyệt, các bậc danh Tăng đương thời đều tỏ lời thán phục. Ngài ở chùa Ngõa Quan được tám năm rồi về núi Thiên Thai, tỉnh Triết Giang, lập ra Thiên Thai Tông, cho nên người đương thời thường tôn xưng Ngài là Thiên Thai Đại Sư. Ở núi Thiên Thai gần 10 năm, Ngài vừa nghiên cứu vừa thuyết pháp Kinh Pháp Hoa.

Đến năm Quý Tỵ (583) nhận lời mời của vua nhà Trần[2] Ngài lại trở về Kim Lăng trú trì chùa Quang Trạch. Ở đây suốt tám năm Ngài vẫn thường xuyên thuyết pháp Kinh Pháp Hoa.

Năm Khai Hoàng thứ 11 (591) đời vua Văn Đế nhà Tuỳ (581-618) Thái Tử Tấn Vương Quảng (sau lên ngôi niên hiệu là Dạng Đế) cung thỉnh Ngài vào cung để truyền Bồ Tát Giới cho Thái Tử. Trong dịp này, Thái Tử tôn tặng Ngài danh hiệu là Trí Giả Đại Sư.

Từ sau đó, Ngài trở về cố hương ở Kinh Châu, kiến tạo chùa Ngọc Tuyền và thường xuyên thuyết pháp Kinh Pháp Hoa Yếu Nghĩa, cùng bộ ma Ha Chỉ Quán, (tức Đại bộ Chỉ Quán, 20 quyển của Ngài). Tới niên hiệu Khai Hoàng thứ 17 (597) Ngài lại trở về núi Thiên Thai, rồi tịch trong năm này. Ngài thọ 60 tuổi.

Đạo nghiệp trước tác của Ngài còn lưu lại đến ngày nay gồm có Tam Đại bộ (60 quyển) và Ngũ Tiểu bộ (9 quyển) cùng nhiều trước tác lừng danh khác như Bộ Đồng Mông Chỉ Quán mà tôi đã chọn để dịch và tóm tắt.

Và như trước tôi đã trình bày, Đồng Mông Chỉ Quán là một trước tác rất hàm xúc và có hệ thống, nếu hành giả cố gắng thực hành theo "Pháp yếu tọa Thiền tu tập Chỉ Quán" này chắc chắn sẽ đạt được kết quả lớn lao.

Mong rằng chư vị hành giả cố gắng học hỏi và tinh tiến thực hành. Vì Đồng Mông Chỉ Quán không chỉ là một trước thuật đã dẫn dắt nhiều thế hệ vào con đường giải thoát, mà còn là một tác phẩm đã trải qua hơn 1400 năm mà vẫn còn giữ nguyên giá trị thực tiễn siêu việt trong kho tàng kinh điển đồ sộ của Phật giáo.

Thật đáng lấy làm quý trọng cho tất cả mọi TăngNi, Phật tử chúng ta.



Phật lịch 2521

Linh Mụ, mùa An cư

Năm Đinh Tỵ. 1977

Hòa thượng THÍCH ĐÔN HẬU

===



PHẦN MỘT TỰA



Đồng Mông Chỉ Quán mở đầu bằng câu kệ:



Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật Giáo.



Nghĩa là:



Các điều ác quyết định chớ làm,

Các điều thiện kính cẩn vâng làm.

Tự làm cho ý niệm thanh tịnh,

Đó là lời dạy của chư Phật.



Toàn bộ pháp Chỉ Quán cũng như tất cả các phương tiện tu hành của đạo Phật, tóm lại không ra ngoài câu kệ này. Ác và thiện chia ra có hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu ác: là những việc làm, lời nói, hoặc ý nghĩ có tổn hại cho các loài hữu tình. Hữu lậu thiện: là những điều có lợi ích cho tất cả các loài hữu tình. Lợi ích và tổn hại này chẳng những nói về hiện tại mà còn cả về tương lai nữa. Vô lậu ác: là những điều tổn thương hoặc ngăn cản đường tu tập giải thoát. Ngược lại, vô lậu thiện: là những điều thuận lợi và giúp ích cho đường tu tập giải thoát. Vì ý nghĩa Thiện và Ác rộng rãi như thế nên phải bỏ ác làm thiện, bao gồm hết các phương pháp tu tập của thế gian và xuất thế gian.

Lại, ý thức rất tự tại, không theo nghiệp nên tội cũng nhiều mà công cũng lớn. Ý thức theo tham, sân, si, phiền não thì gây nhiều ác nghiệp. Ngược lại, ý thức ý thức theo tín, giải, hành chân chính thì chứng được quả vị giải thoát.

Ý nghĩa câu: "Tự làm cho ý niệm thanh tịnh", cốt chỉ rõ người tu hành cần làm cho ý thức luôn luôn phát sinh những ý niệm thanh tịnh để huân tập ở đệ bát thức, phá trừ vô minh, phiền não. Do đó ý thức càng ngày càng thanh tịnh hơn trước, đi đến phát khởi trí tuệ, chứng vào pháp tính và thể nhập tự tánh thanh tịnh tâm, bản lai không có ô nhiễm.

Phương pháp tu tập thì nhiều, nhưng cốt yếu không ra ngoài Chỉ quán. Có Chỉ mới uốn dẹp được mê lầm, phiền não, có Quán mới nhận rõ pháp tánh chân như. Chỉ là "tịch", Quán là "chiếu", hai pháp đó hổ tương cho nhau, không bao giờ xa lìa nhau. Chỉ là nguyên nhân phát sinh thiền định. Quán là nguyên nhân phát sinh trí tuệ. Hai phép Chỉ và Quán như hai cánh của một con chim. Nếu thực hành riêng một phép thì dễ sa vào tà kiến. Trong Kinh có câu: "Hàng Thinh Văn định nhiều huệ ít nên không thấy Phật tánh, Thập Trụ Bồ Tát huệ nhiều định ít, nên tuy thấy Phật tánh mà không tỏ rõ; chỉ có Chư Phật Như Lai định huệ cân bằng mới thấy được Phật tánh rõ ràng. "Vì thế tất cả những người tu hành đều nên phát tâm thực hành Chỉ Quán.



====



ĐỒNG MÔNG CHỈ QUÁN
PHẦN HAI
ĐẦY ĐỦ CÁC DUYÊN

Khi muốn phát tâm thực hành Chỉ Quán, hành giả nên có đủ năm duyên sau đây:
1. Giữ giới thanh tịnh:

Giới luật của Phật cốt để ngăn ngừa những điều xấu ác, nếu không giữ giới mà làm các điều xấu ác thì căn bản thân tâm đã trái với Phật Pháp, dầu có tu tập cũng không đem lại kết quả. Nên hành giả cốt phải giữ trọn vẹn các tịnh giới: sát, đạo, dâm, vọng. Cương quyết không giết hại, nhất là người, không trộm cắp, không dâm ô (nếu cư sĩ thì không tà dâm) và không đại vọng ngữ - chưa ngộ đã nói ngộ - chưa chứng đã nói chứng. Trong lúc chưa phát tâm tu tập, nếu có hủy phạm điều nào thì cần phải chí tâm sám hối, thề trước Tam Bảo quyết không tái phạm.
2. Ăn mặc vừa đủ:

Chúng ta hiện ở trong đời mạt pháp, không có khả năng hoàn toàn theo đúng nghi thức ăn mặc trước kia, nhưng cốt nhất cần phải biết đủ. Ăn chỉ cần no, mặc chỉ cần ấm, không tham cầu những miếng ngon vật lạ và cũng không tích trử của cải quá nhiều, làm cho tâm thêm loạn động. Nói thế nghĩa là: người tu hành chỉ cần có Ba y đủ dùng là được. Vấn đề ăn uống thì hoặc nhờ đàn việt đưa cơm đến cho, hoặc nhờ Tăng chúng cho ăn theo lối tịnh thực trong chùa. Việc ăn mặc tuy nhỏ, nhưng cũng cần phải bố trí trước đầy đủ mới có thể an tâm tu tập.
3. Ở chỗ vắng lặng:

Thực hành Chỉ Quán thì nên ở chỗ vắng lặng, không nghe nhiều tiếng động để tâm khỏi phân tán. Nếu là cư sĩ, hoàn cảnh không cho phép thì cũng nên ở một phòng riêng, không có người qua lại.
4. Nghỉ các công việc:

Muốn chuyên tâm tu tập Chỉ Quán, hành giả nên nghỉ hết các công việc khác, chẳng những nghỉ hết các việc làm ăn, các việc vãng lai, thù tạc, mà cũng nghỉ cả các việc viết chép, hội họa…. Cho đến các việc học hỏi, đọc tụng. Nghỉ tất cả công việc như thế là để cho việc hành đạo được chuyên cần, tránh khỏi tán loạn.
5. Gần gũi thiện tri thức:

Thiện tri thức có ba hạng:

a› Những vị thiện tri thức ngoại hộ, chăm lo cúng dường phục vụ người tu hành mà không làm cho loạn tâm.

b› Các vị thiện tri thức đồng tu, khích lệ nhau tu hành, không quấy rối nhau.

c› Các vị thiện tri thức chỉ dạy, với kinh nghiệm dùng các phương tiện tu hành, chỉ dạy cho khỏi các điều lầm lạc.

==





[1] Pháp Hoa Tam Muội là pháp Đại định trong kinh Pháp Hoa. Đức Phật Ngài thuyết rất nhiều phápTam Muội trong kinh Pháp Hoa. Người nào tu hành những phương pháp ấy mà đắc thần thông, duo?c thấy Phật hoặc các vị Bồ Tát tức là ngộ được pháp Pháp Hoa Tam Muội.

[2] Nhà Trần ở vào thời đại Nam Bắc Triều (420-588) của Trung Hoa, tức là các nước Tống-Tề-Lương và Trần của Nam Triều.

===

No comments: