Tuesday, November 18, 2008

HUY CẬN

===
Huy Cận
nguồn: vnn.vn
Cuộc trò chuyện sau đây của Huy Cận, Viện sĩ Viện Hàn lâm thế giới, với hai nhà thơ thế hệ sau là Trần Đăng Khoa và Trần Anh Thái đề cập tới những vấn đề thú vị chung quanh Phong trào thơ mới 1932 - 1945, mà ông là một đại biểu đặc sắc.
Nhà thơ (NT) Trần Anh Thái: Thưa nhà thơ Huy Cận, ở nước ta có một thời kỳ người ta ghẻ lạnh với "cái tôi". Cho tới nay vẫn có người cho rằng "cái tôi" trong thơ mới là "cái tôi" chủ yếu chịu ảnh hưởng của thơ Pháp. Theo ông, đâu là nguồn mạch dân tộc, đâu là sự ảnh hưởng?
Nhà thơ Huy Cận: Người ta đã bàn khá nhiều về nguồn gốc, giá trị của Thơ mới. Đó là cuộc cách mạng lớn của thơ ca Việt Nam ở thế kỷ 20, sự ảnh hưởng của nó sẽ còn phát sáng sang đầu thế kỷ 21. Về nguồn gốc Thơ mới, ai đó cho rằng nó chủ yếu chịu ảnh hưởng của thơ Pháp là sai, là xuyên tạc. Thơ mới trước hết nhận ảnh hưởng trực tiếp thơ ca dân tộc, thấm đẫm văn hóa Việt Nam, sau đó là văn hóa cổ Á Đông: Trung Quốc, Ấn Độ và sau nữa mới đến ảnh hưởng thơ Pháp, Anh, Đức với những tác giả như Shakespeare, Gớt, Ranh-bo, Véc-len, Bô-đờ-le...
NT Trần Anh Thái: Như vậy theo nhà thơ, trước khi xảy ra cuộc cách mạng, Thơ mới đã có sự manh nha?
NT Huy Cận: Đúng như vậy. Sự ra đời chữ "tôi" ở Việt Nam vốn tiềm tàng từ trước những năm ba mươi của thế kỷ 20. Chính "cái tôi" ấy là động lực thúc đẩy cái tôi trong thơ ca phát triển. Có một điều mà ít người phân biệt là chữ "tôi" Việt Nam khác chủ nghĩa cá nhân phương Tây thời Phục Hưng. Cá nhân thời Phục Hưng ra đời đồng thời với chủ nghĩa tư bản; nó ăn khớp, máu thịt với chủ nghĩa tư bản. Khái niệm cá nhân ở nước ta ra đời sau, và nó bắt nguồn từ tinh thần dân tộc được hâm nóng lại bằng các cuộc hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, và cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Trong bối cảnh tinh thần dân tộc được hâm nóng, mỗi người đều gắn bó máu thịt với dân tộc, nó làm thức dậy tinh thần văn hóa dân tộc, thúc đẩy ý thức về nền quốc học Việt Nam. Đến đây có thể thấy, "cái tôi" Việt Nam không phải một cá nhân đơn lẻ mà là Cái tôi - Việt Nam; Cá nhân - dân tộc.
NT Trần Đăng Khoa: Ở ta, có một số nhà thơ ảnh hưởng thơ Pháp. Ví như Xuân Diệu chẳng hạn. Còn Huy Cận thì không. Thơ Huy Cận vẫn thuần hồn cốt dân tộc, nếu có chút phảng phất đâu đó thì có thể là thơ Đường chăng? Câu thơ "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" gợi cho người đọc nhớ đến câu thơ Đường "Yên ba giang thượng cử nhân sầu...".
NT Huy Cận: Hồn dân tộc!
NT Trần Đăng Khoa: "Lửa thiêng" là tập thơ hay nhất của Huy Cận. Tập thơ ấy có rất nhiều bài đặc sắc. Tôi thích nhất là bài "Tràng giang". Bài thơ có thể xem là toàn bích. Trong "Tràng giang" có một câu khá gần với một câu thơ Đoàn Văn Cừ. Tả bãi bờ trong lúc đang đi bên sông, Đoàn Văn Cừ viết: "Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp". Câu thơ thật thà và có phần hơi vụng. Cũng ý ấy, Huy Cận viết: "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" thì óng nuột hơn nhiều...
NT Trần Anh Thái: Còn các nhà thơ khác. Thời kỳ Thơ mới có nhiều lớp sóng, thí dụ "lớp sóng" Hàn Mặc Tử. Trước đây người ta chê cũng nhiều, khen cũng không ít, gần đây lại có khuynh hướng đề cao, nhà thơ có nhận xét gì?
NT Huy Cận: Hàn Mặc Tử là người có tài. Gia đình ông ba đời theo đạo Thiên Chúa. Thơ Hàn Mạc Tử bắt nguồn từ hai nguồn cảm hứng: Đời và Đạo. Hàn Mạc Tử có niềm tin về đạo, có nhiều thơ về đạo, có bài hay như bài: Ave Maria... còn một số bài viết về đạo đi hơi xa "nằm ngoài cảm xúc, ngoài thơ". Thơ đời Hàn Mặc Tử nhiều bài hay hơn. "Trường tương tư" là bài tôi mê. Cái bài "Giữa trời sầu", "Mùa xuân chín", "Gái quê" là những bài hay. Riêng bài "Bẽn lẽn" Hàn Mặc Tử viết là "Trăng nằm bẽn lẽn trên cành liễu", đăng trên báo Phong Hóa, Thế Lữ sửa lại: "Trăng nằm sõng soài trên cành liễu". Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới. Hiện nay có khuynh hướng đề cao quá, tôi không có ý kiến gì.
NT Trần Đăng Khoa: Chung quanh Hàn Mặc Tử có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Cả khen và chê đều có phần thái quá, tôi có cảm giác nhiều khi sự khen chê này lại nằm ngoài văn học. Dừng lại ở đánh giá của Hoài Thanh là chuẩn nhất. Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch...
NT Trần Anh Thái: Còn Xuân thu nhã tập (XTNT), đã có một thời người ta bỉ báng. Nhưng lại cũng có ai đó cho rằng: Thơ chỉ có hay và dở chứ không có thơ trung bình. Nếu quan niệm như vậy nhà thơ đánh giá thế nào cho thỏa đáng về tính cách tân của XTNT?
NT Huy Cận: Một trong những đại biểu của nhóm XTNT là Nguyễn Xuân Sanh - bạn tôi. Vào thời ấy có một số nhà thơ gồm cả Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc... muốn đẩy thơ đi xa hơn nữa. Nghĩ rằng muốn có một cái gì mới hơn Thơ mới. Báo chí đã có nhận xét về XTNT "Chí cao - tài mọn". Tôi cho rằng ý đồ tìm tòi của XTNT không rõ. Câu thơ, bài thơ chủ yếu dùng cách đảo câu, đảo chữ; triết lý không rõ ràng, không gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, vì vậy mà thành đạt ít. Ngay một số bài được coi là thành công như "Giọt sương hoa" của Phạm Văn Hạnh, đọc thì thích nhưng lửng lơ không rõ; còn bài "Mầu thời gian" của Đoàn Phú Tứ là bài hay.
NT Trần Đăng Khoa: Tôi không thích bài thơ này lắm. Vì nó vẫn nghiêng về phía hình thức. Quá dụng công thường làm mất đi sự tự nhiên. Thơ lại rất cần sự giản dị, hồn nhiên. Hình thức phải do nội dung ứa ra. Bài thơ này không phải như vậy. Tôi ngờ lời bình bài thơ này trong "Thi nhân Việt Nam" là của chính Đoàn Phú Tứ viết. Hoài Thanh "đồ" lại. Vì hơi văn không phải hơi Hoài Thanh. Và lời bình cũng không hay. Văn Hoài Thanh là thứ văn siêu thoát. Ông thường nắm bắt hồn vía bài thơ chứ không lẩn mẩn sờ sịt từng con chữ cụ thể. Tất nhiên bài thơ và lời bình bài thơ này có mặt trong "Thi nhân Việt Nam..." lại làm đẹp cho Hoài Thanh. Nhờ nó mà cuốn sách Hoài Thanh đa dạng. Người đọc thấy cái "tông" của ông rất rộng...
NT Huy Cận: Đúng là bài bình ấy của Đoàn Phú Tứ tự viết. Rồi Hoài Thanh đưa vào tập "Thi nhân Việt Nam"...
NT Trần Anh Thái: Trở lại với tập thơ "Lửa thiêng". Trên bìa sách tập thơ này có vẽ hình ngọn lửa và người đàn bà khỏa thân, điều này có ý nghĩa gì?
NT Huy Cận: Hồi ấy tôi nhờ Tô Ngọc Vân vẽ bìa. Lúc đầu Tô Ngọc Vân vẽ người phụ nữ nằm, mặc váy dài. Tôi nói: Tên tập thơ là "Lửa thiêng" - ngang; Xuân Diệu viết lời tựa - ngang; bây giờ đến người đàn bà nằm thì có tới ba ngang. Tôi nghĩ đã có mấy cái ngang thì phải có một cái đứng. Hơn nữa người đàn bà tượng trưng cho sự sáng tạo phải là người đàn bà đứng. Vả lại, tôi thích chiêm ngưỡng người phụ nữ ở tư thế đứng, nó đẹp, lung linh hơn!
NT Trần Đăng Khoa: Bài thơ "Buồn đêm mưa" của nhà thơ sao không bỏ chữ "buồn", vì nỗi buồn tự nó nói ra, thêm "buồn" vào làm gì.
NT Huy Cận: Tôi viết bài thơ ấy năm 1938 ở đê Yên Phụ. Lúc ấy tâm trạng rất buồn: "Tai nương nước giọt mái nhà; Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn; Nghe đi rời rạc trong hồn; Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...".
NT Trần Anh Thái: Còn bài thơ "Với bàn tay ấy" đăng báo Phong Hóa vào mùa hè 1935 Xuân Diệu có tặng đề Ranh-bo Véc-len. Huy Cận và Xuân Diệu là hai người bạn thân, lời đề tặng ấy có ý nghĩa gì?
NT Huy Cận: Vào tháng 9-1936, tôi mới gặp Xuân Diệu ở trường Quốc học Huế, khi ấy mới biết nhau. Vì tôi thích bài thơ ấy nên Xuân Diệu tặng tôi chứ không dính dáng gì đến tình bạn của chúng tôi!
NT Trần Anh Thái: Gần đây một số tờ báo công bố những câu thơ, đoạn thơ Huy Cận tặng Xuân Diệu. Điều này có người bảo là tốt, có người cho là hạ thấp Xuân Diệu, theo nhà thơ?
NT Huy Cận: Các nhà thơ tặng thơ, sửa thơ, góp ý về thơ cho nhau là chuyện bình thường. Thí dụ trong bài "Với bàn tay ấy" Xuân Diệu viết câu thơ "Một tối đầy". Thế Lữ sửa lại là "Một tối đây". Từ "đây" hay hơn hẳn. Một lần Xuân Diệu viết một bài thơ "Thu". Câu đầu của khổ thứ hai là "gió thầm, mây lặng, dáng thu xa" đến câu thơ thứ hai thì Xuân Diệu bí quá nên đề tạm là "tí tị, ti ti tỉ tĩ tì", cốt để giữ âm điệu rồi ông tiếp tục viết câu thứ ba, thứ tư. Huy Cận góp ý: "Diệu cứ đọc một câu mà mình nghĩ theo ý muốn vào câu thứ hai". Thế là Xuân Diệu đọc: "Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà". Và khổ thơ trọn vẹn là:
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
Huy Cận nghe xong thốt lên: "Hay rồi!". Lúc ấy Xuân Diệu còn chưa tin đó là câu thơ hay, nhưng hai ngày sau Xuân Diệu công nhận là câu thơ ấy hay thật.
NT Trần Anh Thái: Trong tập "Lửa thiêng" chỉ có tám bài thơ lục bát, bài nào cũng toàn bích, nhà thơ có bí quyết gì?
NT Huy Cận: Ấy là bản năng thơ, tôi không có bí quyết gì, không có lý luận gì, thơ là thiên bẩm.
NT Trần Anh Thái: Cảm ơn nhà thơ Huy Cận!
THÁI VIỆT ghi
(Báo Quân đội nhân dân)
Nhớ

Irina Zisman
5/3/2003 nguồn: vietnest.com
Viết cho ngày 11 tháng 5, 2003
Đưa người, ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
(Thâm Tâm – Tống biệt hành)
Trên đà Liên Xô cải tổ, khi Đảng Cộng sản không còn kiểm soát và quyết định mọi thứ từ A đến Z thì tôi được xuất ngoại lần đầu sau hơn 20 năm làm việc ở Đài phát thanh. Việt Nam, năm 1988. Đi một lần rồi thì tôi kiếm cớ để đi hoài. Hết chuyên đề này đến chuyên đề khác. Lúc thì Đài phát thanh, khi thì Hội Ký giả đài thọ kinh phí. Chân vừa đặt xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì đầu đã nghĩ đến chuyến đi sau. Tôi nghiện Việt Nam như xì ke, ma túy. Đến năm 1991 thì đã đi hơn 20 lần. Trong ba năm mà chừng ấy chuyến công tác! Nhưng nếu tính cho toàn thời gian 20 năm công vụ thì có nhiều nhặn gì đâu!
Lần đó tôi hỏi một nhà báo trẻ về những người có tư tưởng đối lập ở Sài Gòn. Anh kể vài tên tuổi trong giới tôn giáo đang trong tù và “một người vừa được thả, có quan hệ với tổ chức Ân xá Quốc tế”. Tôi muốn gặp nhân sĩ ấy nên anh bạn chở tôi đến nhà người quen để hỏi địa chỉ. Người này biết địa chỉ mà lại không quen. Điều đó có nghĩa là tôi phải tự tìm đến. Có sao đâu! Tên anh là Nguyễn đan Quế. Số nhà là 120/7 đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Tôi biết ở VN mọi việc nên tiến hành vào sáng sớm, lúc đầu giờ. Nhưng thức dậy thì phải mặc quần áo, xuống bar ăn điểm tâm, trở lên phòng uống cà-phê, vẽ mắt, lập kế hoạch cho ngày, gọi điện thoại vô số chỗ nên khi đẩy cửa khách sạn bước ra ngoài thì đã quá Ngọ.
Sài Gòn trưa đón tôi bằng một chiếc hôn dài nóng bỏng, thơm mùi lá dứa. Tôi nhắm mắt, ngất ngây. Mở mắt ra thì xung quanh cơ man nào là vé số, báo chí , kẹo bánh, hoa quả, gà sống của nhiều người bán bu lại. Hàng được gánh trên vai, đặt trong xe đẩy, cầm trong tay hoặc ôm vào bụng. Tôi đưa mắt tìm xích-lô. Có hai người đã quen trong mấy ngày ở khách sạn này. Họ neo xe chỉ vì tôi. Khách nước ngoài khác thì có xe hơi đưa đón, chẳng ai có chương trình tự do.
“Cái đuôi” đã theo tôi ra ngoài. Đó là một thanh niên mặc sơ-mi trắng ngắn tay hồi nãy còn ngồi ở khu tiếp tân. Anh Krisevsky, phóng viên thường trú ở Hà Nội nói không sai. Người ngoại quốc được quan tâm theo dõi chu đáo, nhất là giới truyền thông. Tôi nói lớn với anh Sơn xích-lô:
- Đi chợ Bến Thành bao nhiêu?
- Mười ngàn, thưa cô.
Nhân viên an ninh kia đã nghe và không có vẻ muốn đi theo vì không phóng vào sân để lấy Honda. Chiếc xích-lô được nghiêng xuống để tôi bước lên. Tiện chân hơn lên xe hơi nhiều lắm. Xích-lô Sài Gòn thiệt là quá đã! Ngồi cao, gió mát. Tha hồ nhìn ngắm. Và thiên hạ cũng ngắm mình.
Tôi có tật không nhớ tên đường dù đã đi lại nhiều lần. Nhưng muốn biết thì không khó. Tên đường và số được treo biển trên mỗi nhà. Không như ở Mạc-tư-khoa tên chỉ được ghi ở hai đầu đường dài mút chỉ.
Chợ Bến Thành đây rồi! Anh Sơn nhất mực đòi đợi để đưa về nên tôi hẹn anh dưới một bóng râm rồi bương bả đi vào cửa chợ. Hai giờ trưa, chợ vắng người mua. Bắt gặp cặp mắt tôi thì ai cũng tươi cười mời mua hàng. Tôi chợt nhớ phải kềm bước lại, đi cho thong thả. Người Việt thường đi chậm. Sánh bước với họ bên Mạc-tư-khoa tôi rất bực mình, đi gì mà chậm rì như cua lột. Nhưng nhập gia tùy tục. Ở đây mà bước nhanh thì không giống con giáp nào.
Tôi cũng nhớ để nặn ra nụ cười đáp lại các lời chào hàng. Người Việt rất hay cười. Dân Liên Xô thì lúc nào mặt mày cũng bí xị như bị mất phiếu mua đường. Còn chào mời khách mua hàng thì làm gì có ở nước tôi. Người bán chỉ mong khách đi luôn cho khuất mắt, không mắng cho mấy tiếng đã là may!
Tôi ghé mua chai rượu chát. Trả tiền hơi mỏi tay vì nhiều quá. Nhưng đúng thôi, của Pháp chánh hiệu con nai vàng. Ra khỏi chợ bên đường Lê Thánh Tôn thì mua thêm bó hoa.
Nóng quá! Mồ hôi ra ướt áo. Chúng tôi dường như làm bằng sáp ong hay sao ấy? Thèm một ly nước ngọt có ga. Ướp lạnh thôi chứ đừng cho nước đá. Mấy cây nước đá đang nằm chình ình trước cửa quán đợi chủ kéo vô. Tôi không ngại mất vệ sinh đâu. Nhưng đá cục làm loãng nước, mất ngon.
Một nhóm trẻ bụi đời vây lấy tôi, tíu tít như bầy chim sẻ. Nghe tôi hỏi “muốn gì?” thì cả bọn trợn mắt, á khẩu. Đứa nhanh nhẹn nhất liền chạy đi đâu đó lôi về một bé gái đi chân đất, bảo rằng ngủ trưa dưới gốc cây bị chôm mất dép. Hỏi cần bao nhiêu? Nói năm ngàn. Cho tiền cháu bé rồi thì tôi đón xích-lô, đưa mảnh giấy ghi địa chỉ ở đường Nguyễn Trãi.
Đường này trải dài trên hai quận 3 và 5, có đến hai chỗ mang số 120 nhưng bên cạnh không có hẽm. Anh xích-lô không chịu thua cứ đạp lòng vòng. Bảo hỏi khách trên đường thì anh không muốn nên tôi xuống xe tự đi tìm.
Tôi ghé vào hàng cà-phê lề đường để hỏi địa chỉ sau khi đã làm xong thủ tục bằng hai ly cà-phê đá và đen trên bộ bàn ghế nhỏ xíu như của người Chim Chích. Chủ hàng không biết số nhà ở đâu nhưng cho hay trong một hẽm không xa có nhà bác sĩ. Chi tiết anh Quế là bác sĩ không ngờ lại đắc dụng. Vậy mà lúc nghe người quen của bạn nói thì tôi cho là thừa, lẩm cẩm.
Ôm bó hoa và chai rượu đứng lên mới thấy đói làm sao! Quán phở ở gần đó nên tôi bước vào gọi một tô. Thấy tôi đưa mảnh giấy cho bồi bàn thì bà chủ chạy đến. Bồi và chủ đều há miệng nghe bà đầm nói tiếng Việt.
Bà chủ cho biết có hẽm 102 chứ không phải 120, trong đó có nhà của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ăn xong thì bà sẽ dẫn tôi đến. Hóa ra tôi hãy còn khờ. Cứ chú mục vào cái số nhà mà không chịu nói đi tìm ai. Ở VN thì con người được biết rõ hơn con số, ngược lại với bên Âu-Mỹ.
Không phải bà chủ mà ông chủ quán tranh làm hướng dẫn viên. Đi bộ thì chắc là gần vì nếu không thì ông đã điều ra chiếc Honda hoặc xe đạp. Bó hoa tôi để lại trong quán vì không còn tươi nữa. Chỉ còn chai rượu nên đỡ cồng kềnh. Tôi lót tót theo sau ông chủ quán, lòng mừng khấp khểnh. Ông ta cũng vui, thỉnh thoảng ngoái nhìn tôi mỉm cười, không biết rằng đây là trường hợp ngoại lệ nên tôi mới chịu đi sau. Chớ ở bên nước tôi thì đừng hòng, phụ nữ đi trước đàn ông mới là đúng điệu!
Một đám rước nhỏ diễn ra từ đầu hẽm đến tận nhà anh Quế. Lũ trẻ con chạy theo tôi hò reo tỡ mỡ: Liên-Xô, Liên-Xô ! Còn chi là bí mật, bật mí rồi !
Ông chủ quán chỉ căn nhà có tấm biển đồng trên trụ cửa: Phòng mạch bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Tôi cảm tạ bằng một bao thuốc lá ba số năm móc ra từ xắc tay nhưng ông ta từ chối, tần ngần như cũng muốn gặp chủ nhà. Nhưng tôi kiên quyết đợi ông đi rồi mới bấm chuông.
Mới đó mà đã tối. Vào tối tháng 5 - 1990 này tôi được làm quen với anh Quế. Anh không tỏ vẻ gì ngạc nhiên trước nữ ký giả Liên Xô từ trên trời rơi xuống. Như đã biết nhau từ lâu. Nghe tôi muốn giới thiệu cho nước Nga các xu thế chính trị đối lập của trí thức VN thì anh rất hoan nghênh và bảo rằng: Tôi sẽ gây nên một cao trào …
Chị Quế rất đẹp và duyên dáng, là ca sĩ Tâm Vấn một thời vang bóng. Hoa trên bàn tuyệt sắc. Rượu mơ tự ướp cực kỳ ngon.
Tôi hẹn ngày lấy tài liệu. Và đến sớm vì lên cơn đau gan, e rằng không đi nổi. Anh Quế chẩn bệnh, cho ba viên thuốc, một uống liền, hai để cho ngày hôm sau. Anh đã soạn tài liệu và đang mong tôi đến sớm. Đó là hai tập giấy quay ronéo, một bản tôi sẽ gửi cho bạn anh ở Canada; nội dung bàn về tình hình quốc tế, quốc nội và đòi hỏi Đảng CS VN trả lại quyền tự quyết cho toàn dân.
Bài tiểu luận về “Cao trào Nhân bản” vừa được dịch và đăng trên báo “Moscow News” thì anh Quế bị bắt. Những lần đi Sài Gòn sau đó tôi đều đến căn nhà số 102/7. Vẫn hoa tươi và rượu mơ nhưng chỉ còn hai phụ nữ chúng tôi ngồi bên nhau im lặng.
Tháng 11 – 1991 vào ngày xử anh Quế và một thành viên của Cao trào Nhân bản, tôi tìm đến Toà án ở đường Nam Kỳ khởi nghĩa vốn là đường Công Lý. Tôi đến sớm nên ngồi chờ trong căng-tin ở sân Toà án. Một xứ sở lạ lùng! Hàng quán đâu cũng có. Và thi ca tràn ngập, xuất khẩu thành thơ.
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”
Đó là dư luận của dân Sài Gòn về việc đổi tên đường. Còn đây là lời than của một nữ giáo viên trên Sông Bé:
“Dép râu dẫm nát đời con trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai”
Thân nhân của hai gia đình đã đến. Chị Quế cùng đi với ba người con riêng đã trưởng thành là các cháu Hương, Huy, Hoàng mà tôi cũng biết. Mười hai giờ trưa thì một chiếc com-măng-ca chạy vào sân, nhả ra hai người mặc đồ sọc, tay bị còng. Tôi xông vào ôm anh Quế. Anh nói khẽ: Rất tốt!
Khi hai bị cáo được dẫn vào phòng xử thì tôi bị mời ra ngoài ngồi đợi kết quả trong một phòng nhỏ với chiếc ly, ấm trà và một người giám sát ngoài cửa. Một nhóm nhà báo đi ngang qua phòng định tạt vào uống trà nhưng bị đuổi thẳng cánh. Tôi như con bệnh truyền nhiễm cần phải cách ly. Trong nhóm này có Kiêm, từng công tác chung với tôi ở Ban tiếng Việt Đài phát thanh MTK, đang phụ trách mục Pháp luật trên Đài truyền hình thành phố. Thấy tôi ngồi trơ trọi trong phòng, Kiêm không hiểu gì cả, tưởng gặp ma, nhưng cũng kịp nói lớn một câu để tỏ rõ lập trường, không biết với ai?
- Vụ án này chẳng có gì hay, một kẻ âm mưu phá hoại chế độ đấy mà!
Rồi anh Quế vào tù. Tôi không đi VN nữa. Khi anh về, bị quản thúc tại gia thì tôi có gọi điện thoại hàn huyên một lần, trước khi đường dây bị cắt.
Nay được tin anh lại bị bắt vì định ra Internet cà-phê để gửi tài liệu ra nước ngoài. Ôi, rõ khổ cho anh!


Không phải vì gặp tôi mà anh Quế mới nảy ra ý định lập Cao trào Nhân bản. Nhưng sao tôi cứ mãi ray rứt về điều này. Chỉ tạm yên lòng khi nhớ anh đã nói rằng: Rất tốt.
Thắm thoát đã 12 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Tôi cũng tin rằng sẽ rất tốt cho 80 triệu con dân Việt Nam, nhưng không phải bây giờ.

=====

No comments: