Wednesday, November 19, 2008

167 . TRẦN DUY HIẾN * NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

===

Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Chữ tài liền với chữ tâm
4:00, 29/01/2008
Lưu để đọc sau
Email bài này
In trang này
In bài này
Ý kiến của bạn
Liên hệ đăng lại bài
10 bài được đọc nhiều nhất

Trong lịch sử khoa bảng hiện đại của Việt Nam và Pháp, cho đến thời điểm hiện tại, duy nhất có 1 người ở độ tuổi 22 đậu hai bằng Tiến sĩ khoa học chỉ trong vòng hai tháng. Đó là một người Việt Nam - Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người đậu 2 bằng Tiến sĩ tại Pháp...

Năm 1932, tại Pháp, Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đậu: Tiến sĩ Luật với đề tài "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam - Tổng luận về Luật nhà Lê", Tiến sĩ Văn chương với đề tài: "Giá trị bi kịch trong các kịch bản của Musset", kèm theo luận án phụ "Nước Nam trong văn học Pháp của J.Boissière". Sự kiện một người An Nam thuộc địa đậu lưỡng khoa Tiến sĩ khoa học đã gây chấn động dư luận Pháp đương thời; đồng thời làm rạng danh sự hiếu học và nền văn hiến Việt Nam...

Vị lưỡng khoa tiến sĩ trẻ nhất

Ngay sau khi Nguyễn Mạnh Tường đậu lưỡng khoa Tiến sĩ, dư luận Pháp - với cái nhìn miệt thị những người thuộc địa - không khỏi bàng hoàng. Mật thám Pháp ráo riết theo dõi, thu thập thông tin về vị tân Tiến sĩ.

Một trong những tờ báo lớn của Pháp, tờ Le Journal số ra ngày 17/7/1932, đăng bài của nhà báo lừng danh Clement Vautel, có viết: "Người An Nam 22 tuổi vừa giành được 2 bằng Tiến sĩ Luật và Văn chương chỉ cần có 5 năm mà anh ta đã đoạt được 2 văn bằng phương Tây bậc nhất. Ban giám khảo đã tặng những lời khen mà tôi không dám thêm gì vào vì tôi không đủ thẩm quyền...

Tôi tự hỏi có phải là một sai lầm khi chúng ta tạo điều kiện cho những người thâm nhập vào các bí mật của nền văn hoá chúng ta, những gã sau này trở về nước sẽ không còn tin vào tính ưu việt của người da trắng đang kèm cặp, cai trị các gã đó...".

Các tờ báo lớn của nước Pháp đều tốn nhiều giấy mực về sự kiện này; nhiều tờ nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng mực về vị tân khoa nhưng cũng có tờ coi thành công của Nguyễn Mạnh Tường là "một sai lầm của nước Pháp". Dư luận "chính quốc" tỏ ra hậm hực bao nhiêu thì trong nước dư luận lại phấn chấn bấy nhiêu.

Tờ Hà Thành Ngọ Báo số ra ngày 3/8/1932 cho rằng: "Ông Nguyễn Mạnh Tường thật là một trang thiếu niên mà tài học lỗi lạc chẳng những đã làm vẻ vang cho nước nhà lại cả cho học giới nước Pháp nữa".

Còn tờ Đuốc Nhà Nam số ra ngày 23/9/1932 đăng bài của Luật sư Trịnh Đình Thảo giới thiệu vị tân khoa: "Trước kia có một hạng người Pháp vẫn chê người Việt Nam mình đi học chữ Tây, bất quá như con két học nói... Đến giờ có người 22 tuổi như Nguyễn Mạnh Tường đậu hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa một lượt, cái vẻ vang ấy dẫu đến người Pháp cũng chưa có với cỡ tuổi như thế; thì nay có một hạng người Pháp khác, đại khái như Clément Vautel, la hoảng lên rằng: Thôi, thôi, đừng cho người Việt Nam đi học nữa, họ học hết rồi biết hết những cái khôn ngoan của mình, trở lại cách mạng mình và khinh thị mình"...

Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 trong một gia đình công chức ở ngoại thành Hà Nội (xã Cổ Nhuế, Từ Liêm). Thân phụ của Nguyễn Mạnh Tường là một công chức nhỏ, luôn chú ý rèn giũa việc học tập của con cái. Từ tấm bé, Nguyễn Mạnh Tường đã được cha cho học tiếng Pháp.

Với tư chất thông minh, hiếu học, Tường luôn luôn là một học sinh xuất sắc. Lên 10 tuổi, Tường thi đậu vào Trường tư thục Paul Bert, sau đó lại thi đỗ vào Trường Trung học công lập Albert Sarraut - còn gọi là "Trường Tây", vốn chỉ dành cho Tây con và số ít con em các quan chức cấp cao người Việt.

Từ lớp sáu, Nguyễn Mạnh Tường đã hình thành thói quen "mọt sách" với ít nhất hai cuốn tiểu thuyết Tây mỗi tuần; văn chương, văn hoá phương Tây dần thấm vào cậu bé người Việt. Tuy vậy khi đó người Pháp không cho học sinh người Việt theo học ban A (văn chương cổ điển, với ngoại ngữ bắt buộc là Latinh và Hy Lạp), vốn được coi là những môn học dành cho giới quý tộc và tầng lớp trên, nên chỉ có con Tây mới đủ trí tuệ theo học!

Tự ái dân tộc khiến Nguyễn Mạnh Tường tìm thầy ngoài trường và miệt mài học thêm hai thứ tiếng "quý tộc" là Latinh và Hy Lạp. Chẳng bao lâu, Tường đã có thể đọc được tiểu thuyết bằng nguyên bản từ tiếng Latinh và Hy Lạp... Tường học xuất sắc từ lớp sáu đến hết trung học, hằng năm luôn chiếm bốn giải nhất của lớp và luôn cả giải xuất sắc.

Hết năm đệ tam, Nguyễn Mạnh Tường đậu luôn Tú tài, đạt điểm đi du học và sang Pháp thi đậu vào đại học. Với vốn kiến thức đã tích luỹ từ "hai cuốn sách mỗi tuần", cộng với ý chí và nghị lực phi thường, nên chỉ sau hai năm, Nguyễn Mạnh Tường đã đậu được hai bằng Cử nhân luật và văn chương.

Nguyễn Mạnh Tường định học Thạc sĩ để được đi dạy văn hoá, văn chương phương Tây, song với quốc tịch "phi Gô-loa" thì không đủ điều kiện thi vào ngành học được cho là quý tộc này. Trong cái rủi có cái may, bên cạnh cái quy định sặc mùi thực dân đó vẫn có nhiều người tốt sẵn lòng giúp đỡ những tài năng.

Một vị giáo sư người Pháp gợi ý: quy chế chỉ không cho dân thuộc địa thi Thạc sĩ văn chương, còn Tiến sĩ thì không đề cập tới (có lẽ nhà cầm quyền cho rằng dân thuộc địa không thể đủ sức học ngành này, nói gì đến thi Tiến sĩ!). Như vậy thi Tiến sĩ văn chương thì không cần điều kiện quốc tịch. Nguyễn Mạnh Tường đã tận dụng kẽ hở này và thi đậu nghiên cứu sinh với số điểm mĩ mãn...

Sau hai năm, Nguyễn Mạnh Tường đã hoàn thành luận án Tiến sĩ Luật với đề tài "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam - Tổng luận về Luật nhà Lê" và hơn một tháng sau cũng bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ quốc gia văn chương với hai đề tài, đề tài chính là "Giá trị bi kịch trong các kịch bản của Musset" và đề tài phụ "Nước Nam trong văn học Pháp của J.Boissière".

Với thành tích ở độ tuổi 22 đoạt hai bằng Tiến sĩ trong hai tháng, Nguyễn Mạnh Tường trở thành một "hiện tượng" của giáo dục Pháp. Đặc biệt, Tiến sĩ văn chương là một học vị cực kì cao quý mà đương thời rất hiếm người Pháp giành được, lại càng hiếm với những trường hợp dưới tuổi 30.

Trần Duy Hiển
1 2 >>Trang sau
Lưu để đọc sau Email bài này Liên hệ đăng lại bài In bài này
Các bài mới:
Mang chuông đi đấm nước người... (13/11)
====

http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2008/1/52019.cand

====

No comments: