Wednesday, November 19, 2008

161. NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

====


NGUYỄN MẠNH TƯỜNG (1909-1997)


====

Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại Hàng Đào, Hà Nội, học trường Albert Sarraut Hà Nội, đỗ tú tài Pháp năm 16 tuổi.



Năm 1927, ông học trường Đại Học Montpellier tại miền nam Pháp quốc. Khi ông 22 tuổi, ông đỗ bằng tiến sĩ luật khoa ưu hạng (Luận án L'individu dans la vieille cité annamite, Code des Lê, D.E., Droit, Montpellier, Imp. de la Presse Montpellier 1932) và Tiến sĩ Quốc gia văn chương (với luận án L'Annam dans la littérature française, D.E., Lettres, Montpellier 1932). Năm 1936, ông về nước, làm giáo sư trường trung học Bảo Hộ Hà Nội (tức trường Bưởi sau thành Chu Văn An ).
Ông bất bình về cách đối xử bất công của thực dân, bèn ra mở văn phòng luật sư. Năm 1945, ông theo Việt Minh, rồi theo họ lên chiến khu. Vì ông xuất thân khoa bảng, con nhà quan lại nên bị bạc đãi. Tuy vậy, ông vẫn hết lòng với cộng sản. Cải cách ruộng đất đã làm ông thấy rõ bộ mặt thật của cộng sản.


Sau 1954, về Hà Nội, ông làm giáo sư văn chương tại trường Đại Học Văn Khoa ( sau đổi thành Tổng Hợp Hà Nội). Ngày 20-7-1956, Hồ Chí Minh sửa sai. Ngày 30-10-1956, tại Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường đọc diễn văn chỉ trích đảng Cộng sản. Đây là một tài liệu quý báu, rất có giá trị văn chương và pháp lý. Đồng thời bài diễn văn này biểu dương được tinh thần trung thực và bất khuất của kẻ sĩ Việt Nam. Vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, năm 1958, ông mất chỗ dạy trong đại học và việc làm tại các cơ quan. Năm 1991, ông sang Pháp, trao cho nhà xuất bản Quê Mẹ (Paris) bản Hồi Ký nhan đề Kẻ Tuyệt Thông ''L'Excommunié'', xuất bản 1992. Năm 1992, ông trở lại Hà Nội, mất ngày 13-6-1997 , thọ 88 tuổi.

Ông có 14 tác phẩm, phần nhiều là tiếng Pháp:
-Sourires et larmes d'une jeunesse (1927 to 1937), --Construction de l'Orient (1937).
-Confidences d'un jeune annamite" trong tập Témoignages (1941), do Bão-Đai đề tựa (Nghị Luận ).
-Le Voyage et le sentiment (Kịch,1943)
-Excommunié: Hanoi, 1954-1991: procès d'un intellectuel (1992)



I. Nghị luận chính trị
Nguyễn Mạnh Tường là một luật gia, ý kiến của ông rất xác đáng. Trong bài Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất đọc tại Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội ngày 30-10-1956, với tư cách đại diện trí thức Hà Nội. Bài này được đăng trên Nhân Văn số 4 ngày 5-11- 1956. Nguyễn Mạnh Tường đứng trên quan điểm pháp luật nhận định về chính sách Cải Cách Ruộng Đất của đảng. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, một trí thức lên tiếng về chủ trương chính sách cải cách của thế giới cộng sản. Bài này rất có giá trị. Ông kết án cải cách ruộng đất và các chính sách khác của cộng sản:

“ Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện thời tình trạng thiếu đoàn kết rất phổ biến. Vì thi hành sai chính sách cải cách, ta đối lập các từng lớp trong giai cấp nông dân, cán bộ cũ và mới, chi bộ cũ và mới của đ ảng . Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người hoặc già cä, hoặc thơ ấu mà ta không chû trương tiêu diệt [.. ]. Cứ đọc báo Nhân Dân thôi, ta thấy Chính phủ gửi các phái đoàn đi thăm các anh chị em công nhân, ủy lạo họ, bắt buộc thi hành quy chế lao động mà Chính phủ đề xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức . Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có ít ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ “.


ii. Hồi ký
Hồi Ký Kẻ Tuyệt Thông: Hà Nội 1954-1991: Bản Án Của Một Trí Thức (Un Excommunié: Hanoi 1954-1991: Proces d'un intellectuel), viết bằng tiếng Pháp, do nhà xuất bản Quê Mẹ Paris phát hành năm 1997.
Trong tác phẩm này, ông kết tội chính sách Cải cách ruộng đãt của đảng Cộng sản Việt Nam.
“Một sai lầm khủng khiếp đã mua một cái giá hàng chục ngàn sinh mạng. Hàng ngàn quả phụ và cô nhi đầu quấn khăn tang trắng từ các xó xỉnh của đất nước đến văn phòng luật sư của tôi, đòi tôi phải trả lại danh dự cho nạn nhân, và quy trách nhiệm cho đảng, cho những người có trách nhiệm” .

Ông đặc biệt nói đến những ngày tháng vô cùng đau khổ ông bị tuyệt thông.
“Nhà tôi ước mơ bán thuốc lá lẻ trên v?a hè, nhưng không làm sao kiếm nổi vốn liếng và tiền đấm mõm cho công an và cán bộ thu thuế để bọn họ cho chúng tôi được yên thân . .Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể đạp xích lô như vài đồng nghiệp trẻ, không phải vì sợ những lời thị phi, nhưng ch? vì tôi đã già rồi “( 253 -255).

“Bạn bè cho gia đình tôi một con chó rất khôn. Chó có tuổi, chúng tôi chẳng còn gì cho con vật đáng thương ăn cả. Con chó kiệt sức rơi nước mắt, buồn bã vĩnh biệt chủ ( 256).
Trong chế độ này đói kém là chuyện thường. Nước da nhà tôi và con gái tôi xanh mét, tấm thân gầy gò. Nhưng cả hai cắn răng chịu đựng, họ sợ làm tôi buồn nên chỉ khóc thầm trong đêm khuya. Tôi biết lắm nhưng giả vờ không biết. Tôi cũng không ngăn được giọt lệ sót sa khi thấy vợ con cắn răng chịu đựng bao nỗi cực khổ, không có hạt cơm lót bụng ( 256-257).

Ông viết về chủ nghĩa cộng sản như sau:
“Họ là những cái thùng rỗng tuyếch khua ầm ĩ. Mở miệng ra là nói Mác, nhưng không bao giờ đọc sách vở của Mác, hoặc nếu ngẫu nhiên đọc một trang trong cuốn tư bản luận cũng chẳng hiểu ất giáp gì. . Đất nước mất đi bản sắc, chỉ nhắm mắt bắt chước, sao chép (sự tàn ác của) Liên Xô và Trung Quốc (Le Vietnam perd sa personalité pour devenir le reflet, le fac-simile de l’Union soviétique et de la Chine)”. .
Nhìn chung, Nguyễn Mạnh Từơng cũng như các văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam đã anh dũng tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam. Họ đã làm tròn bổn phận của những trí thức mặc dầu đã phải trải qua bao đau đớn, tủi nhục,trong khi một số chấp nhận làm những văn nô phục vụ chế độ.

===


VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
SƠN TRUNG THU TRANG
http://www.sontrung.com
http://sontrung.blogspot.com

No comments: